Hương thơm ngày tết
Nghề làm hương có mùa vụ quanh năm nhưng vào dịp cuối năm không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương, sôi động hơn. Các cơ sở sản xuất hương hối hả trộn bột, se hương để chuẩn bị cho những chuyến hàng tết. Khắp làng Hồng Phong ngào ngạt mùi thơm của hương trầm, hàng nghìn bó hương, tăm hương được xếp cẩn thận, bung xòe như đóa hoa.
Anh Vũ Thành Trung, thôn Hồng Phong cho biết: Từ tháng 8, gia đình tập trung làm hương phục vụ thị trường tết. Trung bình một ngày gia đình sản xuất 7 vạn nén, ngày cao điểm “cháy hàng” gia đình phải “tăng ca” thêm buổi tối làm được 10 vạn nén.
Để có thể sản xuất được nhiều hương như vậy trong một ngày chỉ với 4 người, gia đình anh Trung đã đầu tư trên 100 triệu đồng mua một loạt máy móc tự động hóa hầu hết các khâu làm hương như: máy xay nhựa trám, máy nghiền bột, máy đảo thuốc, máy làm hương, máy sấy... Làm bằng máy hương đều, đẹp, vừa tăng sản lượng vừa giảm công lao động bởi một máy có thể làm vài vạn nén hương/ngày, còn làm thủ công, một người làm miệt mài cũng chỉ có thể làm được 1 vạn nén hương/ngày. Năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song gia đình anh Trung dự kiến vẫn đạt doanh thu khoảng 1 tỷ đồng.
Làng Hồng Phong sản xuất hương đã nhiều đời, chủ yếu làm hương trầm. Mỗi cây hương trầm có ba nguyên liệu chính gồm tăm hương, bột trầm và chất keo. Muốn làm nên những nén hương bảo đảm độ cháy, thơm, giữ màu không chỉ đòi hỏi nguyên liệu đạt chuẩn mà còn trải qua nhiều công đoạn công phu. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất là cách pha chế, pha đủ liều lượng, thành phần theo bí quyết gia truyền của từng nhà. Hương sau khi se xong phải phơi hoặc sấy thật khô mới không bị mốc và để được lâu. Chỉ từng ấy nguyên liệu và công đoạn, song các hộ dân ở làng hương Hồng Phong dù sản xuất hương theo bí quyết riêng nhưng tựu trung lại vẫn là những sản phẩm hương có mùi thơm dịu nhẹ, thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Hồng Phong cho biết: Những ngày nắng to gia đình sẽ tập trung toàn bộ nhân lực làm hết công suất để tận dụng nắng phơi hương. Vì hương phơi được nắng sẽ thơm hơn sấy và tiết kiệm tiền điện. Nhờ duy trì, phát triển nghề truyền thống, chị Thủy đã trả hết nợ vay ngân hàng mua máy làm hương và xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.
Làm hương vất vả, phải tỉ mỉ, cẩn thận, do vậy nhiều thanh niên trong thôn lúc đầu ngại, tự kiếm sống bằng các nghề khác nhưng chỉ được một thời gian lại quay về gắn bó với nghề làm hương truyền thống của gia đình. Lý do là nghề này ổn định, thu nhập cao, không phải đi xa... Đến nay, hầu hết các hộ sản xuất hương ở Hồng Phong đều đã mua được ô tô để tự chuyển hàng cho khách.
Anh Vũ Tiến Đoàn, thôn Hồng Phong vài năm gần đây đã có xe tải nhỏ để giao hàng cho khách trong và ngoài tỉnh. Anh Đoàn cho biết: Mỗi năm gia đình cung cấp cho thị trường hàng triệu nén hương. Trước phải đi giao hàng bằng xe máy rất vất vả, đặc biệt là ngày mưa hoặc phải thuê ô tô tốn nhiều tiền; giờ có ô tô tự lái đi giao hàng rất thuận tiện. 6 tháng đầu năm 2020 việc sản xuất hương của gia đình bị ngừng trệ vì thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 song những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng giáp tết tôi phải thuê thêm 2 nhân công làm cùng mới đủ hàng giao cho khách.
Người dân thôn Hồng Phong tận dụng ngày nắng để phơi hương.
Hương thơm của Hồng Phong hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nén hương tuy nhỏ nhưng đã nuôi sống dân làng Hồng Phong qua nhiều thế hệ và nhiều năm nay đã giúp nhiều gia đình ở Hồng Phong có việc làm ổn định, vươn lên làm giàu.
Ông Vũ Đức Thụ, Trưởng thôn Hồng Phong cho biết: Cả thôn vẫn duy trì 20 cơ sở sản xuất hương lớn và hàng chục hộ khác làm hương những tháng giáp tết. Nhu cầu thị trường ngày càng tăng, các hộ đã mạnh dạn đầu tư máy vào sản xuất hương, vì vậy năng suất, số lượng hương tăng gấp nhiều lần so với trước, tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động và hàng chục hộ khác làm hương những tháng giáp tết. Trung bình một năm, làng Hồng Phong cung cấp ra thị trường 100 triệu nén hương, doanh thu từ 20 - 25 tỷ đồng. Do duy trì và phát triển nghề làm hương nên đời sống của nhân dân thôn Hồng Phong ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân đạt 63 triệu đồng/người/năm; thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, giảm 2 hộ so với năm 2019.
Hương trầm Hồng Phong đã đi vào từng ngõ nhỏ để rồi thơm ngát nơi thờ tự, mang lại sự bình yên, ấm cúng, góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh