Thứ 7, 23/11/2024, 06:41[GMT+7]

Hiệu quả mô hình HTX quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề

Thứ 6, 19/03/2021 | 08:08:51
6,361 lượt xem
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 445 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp, ngư nghiệp và thủy sản, tín dụng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng. Số HTX làm dịch vụ thu gom rác thải, quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản rất ít.

Lợi nhuận từ sản xuất miến dong ở xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) đạt từ 100 - 300 triệu đồng/hộ/năm.

Để hỗ trợ các HTX tham gia quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) triển khai dự án “Xây dựng mô hình HTX phù hợp về quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề chế biến nông, lâm sản phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng” tại HTX DVNN xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình). Là xã có nghề truyền thống sản xuất miến dong từ hơn 100 năm, đến nay, tuy số hộ làm nghề giảm chỉ chỉ còn trên 20 hộ nhưng nhờ đầu tư máy móc nên sản lượng vẫn đạt từ 60 - 70 tấn bột dong/hộ/tháng, lợi nhuận từ 100 - 300 triệu đồng/hộ/năm. 

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu về kinh tế, môi trường nông thôn nơi đây đang chịu những sức ép từ các hoạt động sản xuất của người dân. Việc sản xuất miến dong tại xã Đông Thọ diễn ra quanh năm nhưng  tập trung nhất là từ tháng 8 đến trước tết Nguyên đán, vì vậy đã làm phát sinh lượng lớn nước thải. Phần lớn các cơ sở sản xuất miến nằm rải rác trong làng, nước thải từ sản xuất thường được thải chung với nước thải sinh hoạt ra môi trường khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Nước thải từ các công đoạn làm miến có hàm lượng chất hữu cơ cao làm các ao hồ, kênh rạch trong khu vực sản xuất bị ô nhiễm. Các kênh rạch lâu ngày không được nạo vét, bị ứ đọng các chất thải, bốc mùi nồng nặc. 

Ông Phạm Ngọc Linh, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Thọ cho biết: Để quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, năm 2018, UBND xã đã giao cho HTX nhiệm vụ thu gom, quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn. HTX đã điều chỉnh lại phương án sản xuất, kinh doanh, bố trí lại nhân sự quản lý, điều hành hoạt động của HTX theo hướng vừa thực hiện tốt các hoạt động cung ứng dịch vụ cho thành viên sản xuất nông nghiệp vừa tổ chức quản lý, thu gom và xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã, trong đó chủ yếu từ các hộ chế biến miến dong. HTX đã thành lập 1 tổ vệ sinh môi trường chuyên thu gom, vận chuyển rác thải về nơi tập kết. Với sự hỗ trợ của Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX tỉnh theo dự án “Xây dựng mô hình HTX phù hợp về quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề chế biến nông, lâm sản phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng”, chúng tôi được tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện tổ chức bộ máy và tổ chức hoạt động hiệu quả, nhất là về quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; tư vấn, hỗ trợ thành lập tổ dịch vụ môi trường; hỗ trợ tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, xử lý môi trường tập trung như trạm bơm, nạo vét kênh mương, hệ thống xử lý nước thải... với tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Trên cơ sở đó, HTX đã chỉ đạo tổ vệ sinh môi trường tu sửa, khơi thông toàn bộ 400m mương thoát nước từ các hộ gia đình chế biến miến dong đến trạm bơm; tu sửa, nâng cấp toàn bộ trạm bơm để chủ động bơm tiêu thoát nước khi cần thiết. Hướng dẫn các hộ thành viên chế biến miến dong lắp hệ thống xử lý chất thải lỏng tại nhà để xử lý nước thải tại nguồn trước khi xả ra mương; vận động bà con đổ rác đúng lịch, không để rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Văn Hải, thôn Thống Nhất, xã Đông Thọ chia sẻ: Từ khi HTX DVNN xã thực hiện dịch vụ về môi trường, mùi hôi từ các mương, cống thoát nước giảm rõ rệt. Tổ vệ sinh môi trường thu gom rác đúng lịch nên cảnh quan làng xóm được cải thiện rất nhiều, đường làng sạch sẽ, cây cối xanh tươi.

Thái Bình hiện có khoảng 30 làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản nằm xen kẽ trong khu dân cư. Vấn đề môi trường tại các làng nghề đang tồn tại nhiều bất cập: Nước thải từ sản xuất không được xử lý gây ô nhiễm nguồn nước; bụi, tiếng ồn từ các làng nghề chế biến lâm sản... Công tác bảo vệ môi trường làng nghề về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu. Thành lập mới các HTX môi trường hoặc phát triển dịch vụ môi trường của các HTX nông nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày