Thứ 7, 23/11/2024, 06:17[GMT+7]

Làng nghề chổi đót duy trì ổn định sản xuất

Thứ 6, 09/04/2021 | 09:06:26
6,762 lượt xem
Hơn 1 năm qua, làng nghề làm chổi đót ở xã Tam Quang (Vũ Thư) gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, các cơ sở sản xuất và người làng nghề không ngừng nỗ lực duy trì ổn định sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Người lao động làng nghề làm chổi đót xã Tam Quang (Vũ Thư) kiên trì bám nghề, vươn lên trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng chổi đót thành phẩm của ông Bùi Văn Duẩn, thôn Nghĩa Khê giảm đáng kể. Ông Duẩn chia sẻ: Người làm nghề chổi đót thường tính sản lượng hàng hóa thông qua lượng đót nguyên liệu tiêu thụ. Nếu những năm trước đây gia đình tôi thường sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ được 35 tấn đót nguyên liệu thì năm 2020 gia đình chỉ sản xuất, tiêu thụ được 20 tấn đót. Khó khăn về tiêu thụ hàng hóa kéo theo khó khăn về quay vòng vốn đầu tư, việc làm, thu nhập của cơ sở và của người lao động. Mặc dù vậy, xác định gắn bó với nghề nên các cơ sở sản xuất động viên, hỗ trợ nhau trong các khâu kinh doanh, làm nghề, động viên người lao động yên tâm sản xuất.

Trong khó khăn, gia đình chị Hoàng Thị Nụ, xã Tam Quang tìm hướng đi mới để duy trì và phát triển nghề. Không chỉ tổ chức sản xuất chổi đót ở địa phương, gia đình chị mở rộng việc cung cấp đót và các nguyên liệu đi kèm để người dân một số xã trong và ngoài tỉnh sản xuất chổi đót, sau đó tổ chức bao tiêu sản phẩm chổi hoàn thiện cho bà con. Nhờ đó, gia đình chị vẫn cung cấp, sản xuất, tiêu thụ 400 - 500 tấn đót nguyên liệu mỗi năm. 

Chị Nụ chia sẻ: Lao động tham gia nghề hầu hết là người từ 50 - 70 tuổi. Ở độ tuổi này, người lao động rất khó để tìm được việc làm trong các công ty, xí nghiệp; vì vậy, có việc làm ổn định, có thêm thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng mỗi tháng là rất quý. Với suy nghĩ ấy, gia đình tôi nỗ lực tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì việc sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Hiện nay, gia đình tôi gặp khó khăn về vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu theo quy định của các ngân hàng, hiện nay chúng tôi chỉ được vay số vốn rất hạn chế, chưa đủ để đáp ứng được quy mô sản xuất, kinh doanh của gia đình. Tôi rất mong các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có điều kiện vay với số vốn lớn hơn; chính quyền các cấp hỗ trợ hoặc có cơ chế ưu đãi lãi suất cho các cơ sở sản xuất làng nghề, giúp bà con vượt qua khó khăn.

Hiện nay, xã Tam Quang có trên 280 hộ sản xuất, kinh doanh chổi đót, tập trung ở 2 thôn Nghĩa Khê và Hợp Tiến, thu hút trên 500 lao động địa phương tham gia. “Để động viên các cơ sở sản xuất, người lao động khắc phục khó khăn, tìm đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi chỉ đạo các ngành, đoàn thể ở địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, giúp các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt vốn vay với lãi suất ưu đãi để các hộ có thể duy trì sản xuất, kinh doanh” - ông Vũ Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày