Thứ 7, 23/11/2024, 06:25[GMT+7]

Làm giàu từ nghề đan lát thủ công

Thứ 5, 08/07/2021 | 09:12:50
6,097 lượt xem
Hơn 20 năm gắn bó với nghề đan lát thủ công, trải qua nhiều biến cố, có thời điểm khó khăn phải bỏ nghề song với nghị lực vượt khó, đến nay chị Trần Thị Thiết, thôn Thượng Phúc Xanh, xã Thụy Sơn (Thái Thụy) đã gây dựng thành công cơ sở sản xuất, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho trên 600 lao động.

Nghề đan lát thủ công giúp nhiều người dân xã Thụy Sơn (Thái Thụy) nâng cao thu nhập.

Bén duyên với nghề cách đây 20 năm nhưng vài năm trở lại đây công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình chị Thiết mới thực sự ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao. Chị Thiết chia sẻ: Năm 2001, sau khi học được nghề đan lát thủ công, tôi cùng với chồng thành lập tổ hợp tác sản xuất làn, chiếu cói với khoảng 20 lao động. Tuy nhiên, do biến động thị trường, công ty thu mua giải thể, tất cả vốn liếng của gia đình đều đã cạn nên tổ hợp tác buộc phải dừng hoạt động. Khởi nghiệp thất bại nhưng điều khiến tôi buồn nhất đó là nhiều chị em mất đi nghề sẽ mất đi nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Sau một thời gian trăn trở suy nghĩ, tôi quyết tâm vực dậy tổ hợp tác; dù mọi người trong gia đình không ủng hộ nhưng tôi vẫn kiên định với lựa chọn của mình. 

Với quyết tâm ấy, chị Thiết đã lặn lội đi nhiều nơi, tìm kiếm các mối hàng và liên kết với nhiều công ty, xí nghiệp để có đầu ra cho sản phẩm. Sau khi có được mối hàng, chị học cách làm các sản phẩm mới và về truyền dạy cho các chị em khác ở địa phương. Từ những thành viên nòng cốt, mọi người truyền dạy lại cho nhau, quy mô vì vậy ngày càng được mở rộng, từ hơn 20 lao động ban đầu dần tăng lên hàng trăm lao động ở trong và ngoài xã với thu nhập ổn định từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng. Theo thời gian, các mặt hàng sản xuất ngày càng phong phú như: làn, túi, khay, ghế, giỏ... đáp ứng nhu cầu của thị trường với nhiều loại nguyên liệu khác nhau, từ bẹ chuối, bẹ ngô, bèo tây đến mây, tre, cói, đay... Đến nay, các sản phẩm chủ yếu được đan bằng sợi tổng hợp vừa bền vừa có tính thẩm mỹ cao. 

Hiện tại, cơ sở sản xuất của chị Thiết không có nhiều người làm, chủ yếu là nơi tập kết hàng đã hoàn thiện, sau đó được kiểm tra, đóng gói trước khi xuất bán ra nước ngoài. Hầu hết mọi người đều đến lấy nguyên liệu về nhà, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm. Còn những người mới đến đây học nghề sẽ được chị Thiết tận tình hướng dẫn, chỉ bảo. 

Bà Vũ Thị Hoa, thôn Thượng Phúc Xanh cho biết: Tôi gắn bó với công việc này đã gần 5 năm, chủ yếu tranh thủ thời gian lúc nông nhàn. Tuy là nghề phụ song lại cho thu nhập đều và cao hơn trồng lúa. Các công đoạn khá đơn giản, nhẹ nhàng nên người già, người trẻ đều có thể làm được. Tôi năm nay 63 tuổi, ở cái tuổi này không thể xin vào làm tại các công ty, xí nghiệp được nhưng nhờ có nghề này nên tôi vẫn có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình. 

Trong khi nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 thì chị Thiết vẫn bảo đảm công việc ổn định cho hàng trăm lao động với các đơn hàng đặt kín từ nay đến cuối năm bởi chị luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, từ đó tạo được uy tín với khách hàng, các đơn đặt hàng vì vậy cũng ngày càng nhiều hơn. Để duy trì chất lượng sản phẩm, trên cơ sở các đơn hàng chị phân cho các tổ từng mặt hàng thế mạnh, giao cho tổ trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, đồng thời thường xuyên động viên, khen thưởng đối với những tổ làm tốt. Không chỉ tích cực trên lĩnh vực phát triển kinh tế, chị Thiết cùng gia đình còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương như đóng góp ngày công, tiền của, đất đai để mở rộng đường giao thông nông thôn, bờ vùng, bờ thửa, kiên cố hóa kênh mương; tham gia xây dựng quỹ bác ái để giúp trẻ mồ côi, người già neo đơn, gia đình khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai; luôn sống “Tốt đời đẹp đạo”, được bà con trong giáo xứ tin yêu, quý trọng. 

Theo ông Ngô Quốc Doanh, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Sơn: Mô hình của chị Thiết là mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của địa phương trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Đây là mô hình cần được nhân rộng nhằm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn hiện nay. Thực tế cho thấy đây tuy là nghề phụ trong những lúc nông nhàn song lại là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện để chị Thiết mở rộng quy mô sản xuất, qua đó giúp nhiều người dân có thêm việc làm và thêm thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Nghề đan lát thủ công giúp nhiều người dân xã Thụy Sơn nâng cao thu nhập. 

Đào Quyên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày