Chủ nhật, 19/05/2024, 10:39[GMT+7]

Sôi động làng nghề xã Đông Kinh

Thứ 4, 16/01/2013 | 08:18:42
4,182 lượt xem
Là xã cách xa trung tâm huyện, nhưng Đông Kinh lại không thua kém bất cứ địa phương nào ở Đông Hưng. Đến nay, đời sống của người dân ngày một nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động khiến cho ai cũng có thu nhập thêm từ nghề. Đó là kết quả của hướng đi đúng đắn mà xã đã thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy. Bởi thế đến nay, 4/4 thôn của Đông Kinh đều được công nhận làng nghề.

Phụ nữ xã Đông Kinh (Đông Hưng) với nghề móc hộp xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Linh

Nếu như về Đông Kinh những năm 2000, chúng ta mới chỉ được biết đến làng nghề truyền thống chạm bạc ở thôn Kinh Nậu với hàng trăm lao động tham gia thì tới nay toàn xã đã phát triển thêm rất nhiều nghề mới như móc sợi, mây tre đan, uốn lưỡi câu, làm mi mắt giả, hàn điện tử, mộc, sắt, trồng và làm chậu cây cảnh... thu hút hàng nghìn lao động. Tuy làng nghề chạm bạc không còn giữ vững được như trước do không có đầu ra cho sản phẩm, chỉ còn 4 hộ tham gia với khoảng 10 lao động nhưng thay vào đó là sự phát triển khá nhanh của nghề mây tre đan và móc sợi. Thôn nào cũng có cơ sở sản xuất bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đặc biệt là sự xuất hiện 1 doanh nghiệp mây tre đan có sức hút lớn các lao động là phụ nữ.

Ông Lại Cao Bội - Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Đông Kinh là một trong những địa phương của huyện Đông Hưng được công nhận làng nghề sớm nhất (vào năm 2001) và liên tiếp tới năm 2003 thêm làng nghề thêu ren, mây tre đan ở thôn Lãm Khê, năm 2007 thêm làng nghề mây tre đan thôn Duyên Hà và tới năm 2009 có thêm làng nghề Kinh Hào với nghề móc sợi, uốn lưỡi câu xuất khẩu. Mặc dù, các nghề phụ này không đạt được mức thu nhập cao  nhưng lại được bà con nông dân hăng hái đón nhận để làm trong lúc nông nhàn. Cũng vì tính chất của nghề không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nên các chị em độ tuổi từ 40 - 60 vẫn làm ra được sản phẩm theo đúng yêu cầu. Bởi thế mỗi tháng ai cũng có thu nhập thêm ít nhất vài trăm nghìn từ nghề phụ.

Kết hợp với những chính sách khuyến khích phát triển nghề của xã như tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn ưu đãi, vốn khuyến công và mở các lớp tập huấn, lớp dạy nghề cho hàng trăm lao động/năm đã tạo động lực cho nghề và làng nghề ngày càng phát triển. Hiện tại, toàn xã có khoảng 1.700 - 1.800 lao động thường xuyên tham gia làm nghề với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Có 8 cơ sở sản xuất thường xuyên hoạt động ở 4 làng, trong đó mạnh nhất là nghề mây tre đan và móc sợi thu hút khoảng 1.200 lao động. Với sự phát triển trên, hàng năm giá trị sản xuất từ nghề đã chiếm từ 25-28% trong tổng giá trị sản xuất của xã, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nhà cao tầng, mái bằng đạt 90%.

Đến thăm một số cơ sở sản xuất, chúng tôi thấy nhà nào cũng chật kín người và hàng. Cơ sở sản xuất của chị Phạm Thị Mười (thôn Lãm Khê) có tới hơn chục người đang cặm cụi móc sợi. Chị cho biết: trước đây chị làm nghề buôn bán nhưng do đòi hỏi của cuộc sống gia đình, chồng lại đi xây xa nhà nên chị phải ở nhà để chăm sóc con cái, lo cho chúng học hành. 5 năm trước, chị đã tìm được mối hàng móc sợi ở Tiền Hải và đã duy trì từ đó đến nay với sự tham gia thường xuyên của 100 - 140 lao động trong và ngoài xã. Mỗi tháng trung bình chị xuất khoảng 500 sản phẩm đem lại thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Nhưng với chị niềm vui hơn cả là đã tạo được việc làm cho bà con trong lúc nông nhàn, họ không phải bỏ vốn đầu tư, không lo đầu ra sản phẩm, chỉ tranh thủ làm ngày, làm tối và ăn theo sản phẩm. Vì thế nhiều lao động như bà Lương Thị Hiền, Nguyễn Thị Kính đang ở tuổi trên dưới 50 nhưng hàng tháng vẫn có thu nhập thêm từ nghề phụ. Dự tính năm tới nếu được vay thêm vốn chị sẽ mở rộng địa bàn sản xuất sang xã Đông Lĩnh thu hút thêm khoảng 60 lao động.

Đến doanh nghiệp mây tre đan Phan Thanh Tĩnh (thôn Duyên Hà) chúng tôi được biết, anh đã gắn bó với nghề này từ hơn 10 năm nay. Năm 2011, anh đã thành lập doanh nghiệp và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 300 - 400 lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng ngày, các lao động tới lấy nguyên liệu về nhà làm và khi thành phẩm họ lại mang tới chỗ anh. Trung bình mỗi tháng anh phải nhập 1 tỷ đồng tiền hàng và xuất khoảng 4.000-5.000 bộ sản phẩm, đem lại lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/năm. Để có được kết quả đó, hàng năm anh Tĩnh đều mở lớp dạy nghề cho các lao động, đầu tư dụng cụ đan và nguyên liệu tập đan cho các hộ. Hiện nay anh đang đầu tư 250 triệu đồng xây dựng mới nhà xưởng, dự tính thời gian tới anh sẽ lấy thêm 200 lao động để tăng lượng hàng thêm 60%.

Trong thời gian tới, để nghề và làng nghề phát triển một cách bền vững, Đông Kinh sẽ tập trung theo hướng quy hoạch các điểm phát triển nghề tập trung và các chương trình liên quan như hệ thống đường giao thông để tạo điều kiện cho việc chuyên chở hàng hóa của các hộ. Tăng cường mở các lớp dạy nghề, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn thông qua các tổ chức tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục tuyên truyền các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phát triển nghề tạo việc làm cho người lao động ngay tại địa phương và thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo phương châm "ly nông bất ly hương".

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày