Phụ nữ Duyên Hải: Làm giàu từ nghề truyền thống
Nghề làm chổi chít tại xã Duyên Hải tạo việc làm cho nhiều chị em lúc nông nhàn.
Sinh ra từ làng nghề, chị Nguyễn Thị Mây, thôn Văn Quan đã sớm học được cách làm hương truyền thống do ông cha truyền dạy. Lớn lên, chị lựa chọn nối nghiệp gia đình để phát triển kinh tế. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, chứng kiến không ít thăng trầm của làng nghề, nhất là thời điểm dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập nguyên liệu và xuất bán sang các tỉnh khác. Tuy nhiên, để có đầu ra ổn định, chị đã tìm kiếm thị trường, nắm bắt thay đổi về thị hiếu, yêu cầu của khách hàng để đổi mới sản phẩm. Không chỉ làm hương truyền thống, chị Mây còn đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất hương Ấn Độ xuất khẩu. Nhờ đó mà chị vẫn bám trụ được với nghề, kinh tế gia đình ngày một khá giả, tạo việc làm cho trên 30 lao động với thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Mây chia sẻ: Nghề làm hương rất vất vả, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn từ vót tre, phơi nhuộm chân tăm đến pha chế để cho ra sản phẩm có mùi hương thơm đặc biệt, tạo ra nét riêng cho hương Văn Quan. Từ nghề làm hương, mỗi năm gia đình tôi đạt doanh thu từ 300 - 400 triệu đồng. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc và thuê thêm nhân công để tăng quy mô sản xuất, phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài.
Chị Nguyễn Thị Hợi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Văn Quan cho biết: Để duy trì nghề làm hương truyền thống và khẳng định thương hiệu sản phẩm, Chi hội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập HTX sản xuất hương thơm Văn Quan gồm 25 thành viên, nhờ đó các thành viên có cơ hội được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế ổn định. Chúng tôi mong muốn sớm xây dựng được thương hiệu cho làng hương Văn Quan để thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm cho chị em.
Không chỉ phát triển nghề làm hương truyền thống, nhiều hội viên trong xã còn duy trì phát triển nghề làm chổi chít. Điển hình như chị Nguyễn Thị Viễn, thôn Bùi Tiến là một trong những hội viên có thâm niên gắn bó với nghề hơn 10 năm. Từ sản xuất thủ công nhỏ lẻ, đến nay chị Viễn đã trở thành một chủ cơ sở sản xuất chổi thủ công với quy mô lớn. Hiện xưởng của chị đang tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng, chủ yếu là những phụ nữ không còn trong độ tuổi lao động.
Chị Bùi Thị Loan, thôn Cập, xã Hùng Dũng cho biết: Tôi làm việc ở đây được hơn 2 năm, công việc làm chổi chít cũng không vất vả, phù hợp với độ tuổi của chúng tôi, thu nhập ổn định và còn tranh thủ làm được việc nhà, đồng áng.
Chị Nguyễn Thị Viễn cho biết: Hiện nay, chổi chít được nhiều người ưa chuộng nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Để chổi đều, đẹp và bền thì thợ phải có tay nghề, khéo léo và phải sáng tạo nhiều mẫu mã mới đáp ứng thị hiếu khách hàng. Mỗi ngày xưởng tôi sản xuất trên 200 chiếc chổi thành phẩm với giá giao cho các thương lái từ 17.000 - 25.000 đồng/chiếc, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng đem lại thu nhập trên 60 triệu đồng.
Nghề làm chổi chít tại xã Duyên Hải tạo việc làm cho nhiều phụ nữ lúc nông nhàn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duyên Hải hiện có 516 gia đình phụ nữ làm nghề hương, chổi chít, lưới đay... tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong xã và các xã lân cận, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã tăng bình quân 13,4%/năm.
Chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duyên Hải cho biết: Để giúp chị em gắn bó và phát triển với nghề truyền thống ở địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển kinh tế tạo việc làm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Phối hợp với các ngân hàng giúp chị em tiếp cận nguồn vốn vay, qua đó khuyến khích hội viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chú trọng xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.
Với những nỗ lực trong phát triển nghề truyền thống của chị em phụ nữ xã Duyên Hải, cùng chính sách hỗ trợ, quảng bá sản phẩm của chính quyền xã, các nghề truyền thống đã và đang sáng lên những sắc màu tươi mới, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế ở địa phương.
Thanh Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
- Tục thờ tổ nghề ở Thái Bình 01.01.2023 | 09:32 AM
- May túi siêu thị xuất khẩu thu tiền tỷ 12.09.2022 | 08:49 AM
- Ra mắt tổ hợp tác đan ghế nhựa xã Vũ Đông 23.02.2022 | 17:03 PM
- Làm giàu từ nghề đan lát thủ công 08.07.2021 | 10:32 AM
- Ngũ vị cho “vị ngọt” 05.07.2021 | 14:31 PM
Xem tin theo ngày
-
Phiên họp lần thứ 20 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19
- Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5
- Đoàn công tác của UBND tỉnh làm việc với UBND huyện Vũ Thư
- Đề xuất nâng thời gian lưu trú cho khách quốc tế nhập cảnh lên 60 ngày
- Nhất trí cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam
- Thái Bình quyết tâm triển khai dự án khu công nghiệp dược - sinh học
- Sửa đổi Luật Căn cước công dân: Đề xuất cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi
- Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
- Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức đại lễ Phật đản năm 2023
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, tặng quà trẻ em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6