Thứ 7, 18/05/2024, 21:51[GMT+7]

Làng nghề Nghĩa Khê Xuân về thêm niềm vui mới

Thứ 6, 01/02/2013 | 08:24:18
1,483 lượt xem
Người dân Nghĩa Khê cần cù chịu khó, biết thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính từ chiếc chổi đót nhỏ bé, xinh xắn. Bước sang năm mới Quý Tỵ có thêm niềm vui mới khi được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề đạt tiêu chuẩn 2 năm (2010 – 2011).

Nghề làm chổi đót thôn Nghĩa Khê – Tam Quang tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương

Trong không khí của những ngày giáp Tết Quý Tỵ, hãy cùng chúng tôi dạo quanh một vòng làng nghề Nghĩa Khê, xã Tam Quang (Vũ Thư) chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng khi ngắm bức tranh phong cảnh nơi đây với thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng hiện đại, những con đường nhựa, bê tông hóa len lỏi từng ngõ xóm. Người dân Nghĩa Khê cần cù chịu khó, biết thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính từ chiếc chổi đót nhỏ bé, xinh xắn. Bước sang năm mới Quý Tỵ có thêm niềm vui mới khi được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề đạt tiêu chuẩn 2 năm (2010 – 2011).

Từ khi có Nghị quyết 01 của Huyện ủy Vũ Thư về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề và làng nghề và Nghị quyết của Ðảng bộ xã Tam Quang nhiệm kỳ 2010-2015 về xây dựng, phát triển CN-TTCN, nghề làm chổi đót của thôn Nghĩa Khê đã thu hút được nhiều lao động, tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong thôn. Ðến thăm cơ sở của gia đình anh Bùi Văn Thuấn, anh cho biết: Một tháng cơ sở sản xuất được 5 nghìn chiếc chổi, chủ yếu bán tại Hải Phòng, Quảng Ninh... tạo việc làm cho trên 15 lao động địa phương. Qua tiếp chuyện, chị Trần Thị Bé, xóm 6, thôn Nghĩa Khê là người làm công vui vẻ trả lời: Ðã hết tuổi làm tại các công ty, xí nghiệp ở thành phố, chị chọn làm thuê cho cơ sở tại thôn, vừa tận dụng được thời gian rỗi có thêm thu nhập, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình. Thu nhập của chị khoảng 2 triệu đồng/tháng cũng đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình và lo con cái học hành. Qua thăm xưởng sản xuất chổi của gia đình anh Nguyễn Sỹ Hoạch, đây là cơ sở sản xuất lớn nhất xã Tam Quang. Tiếng máy cắt cuống hoạt động ù ù xen lẫn tiếng cười nói của người làm công, dưới bàn tay khéo léo đang thoăn thoắt nhặt từng bó đót trải qua 4 công đoạn (nhặt con, quấn, sửa khâu, tra cán) đã tạo nên những chiếc chổi xinh xắn. Anh Hoạch cho biết, gia đình làm chổi đót được hơn 12 năm, ban đầu với số tiền vay của bạn bè, người thân trong gia đình, cơ sở của anh làm nhỏ lẻ, thường xuyên mang hàng tìm nơi tiêu thụ. Khi cơ sở đã có được nơi tiêu thụ ổn định, anh mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho 18 lao động địa phương. Mỗi tháng cơ sở tiêu thụ trên 10 nghìn cái chổi, trừ chi phí gia đình anh thu lãi khoảng 130-140 triệu đồng/năm. 

Qua trao đổi, Chủ tịch xã Tam Quang - Hoàng Trọng Thư cho biết: Thôn Nghĩa Khê có 810 hộ với 2.360 nhân khẩu, nghề làm chổi đót đã tạo  việc làm cho khá đông lao động địa phương. Năm 2012, giá trị sản xuất TTCN toàn thôn ước đạt 18 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 1 triệu – 1,5 triệu đồng/tháng. Hàng năm tiêu thụ 450-500 tấn đót, giá trị khoảng 180 tỷ đồng. Hiện nay thôn Nghĩa Khê có 500 hộ làm chổi đót, trong đó có 100 hộ sản xuất quy mô lớn. Phấn đấu những năm tới nghề làm chổi đót chiếm tỷ trọng 60-70% tổng giá trị sản xuất của xã. Công tác vệ sinh môi trường ở làng nghề được đảm bảo, vì nguyên liệu thừa được tận dụng làm chất đốt, không thải ra môi trường xung quanh. Mong rằng khi được công nhận làng nghề thì các cơ sở sản xuất của địa phương được hưởng các cơ chế chính sách của Nhà nước đối với làng nghề, tạo cơ hội để làng nghề phát triển theo hướng bền vững. Ðặc biệt tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương và thương hiệu chổi đót Tam Quang được người tiêu dùng gần xa biết đến.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày