Thứ 7, 23/11/2024, 01:26[GMT+7]

Liên Hiệp: Đẩy mạnh phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp

Thứ 3, 21/12/2021 | 08:43:15
5,144 lượt xem
Xác định sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp là khâu đột phá có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xã Liên Hiệp (Hưng Hà) đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất phát triển. Nhờ đó, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có mức tăng trưởng khá, góp phần nâng cao đời sống và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Xưởng may túi xách xuất khẩu của chị Nguyễn Mai Phương, xã Liên Hiệp tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc nên ông Lương Văn Tùng, thôn Nứa đã sớm làm quen với bào, cưa, đục... Trước đây, sản phẩm của xưởng hoàn toàn làm thủ công nên mất nhiều thời gian, công sức thiếu độ tinh xảo, khó có thể cạnh tranh trên thị trường. Trăn trở về điều đó, mấy năm gần đây ông Tùng đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc hiện đại, vì thế hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. 

Ông Tùng cho biết: Hiện nay, các sản phẩm của xưởng rất đa dạng gồm các loại cửa gỗ, cầu thang và các mặt hàng nội thất, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng. Sản phẩm của cơ sở không chỉ tiêu thụ ở trong huyện, tỉnh mà còn được xuất đi các tỉnh khác. Xưởng của tôi tạo việc làm cho 5 công nhân với thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Với đồng vốn đầu tư không nhiều, nguồn lực lao động lại dồi dào nên chị Nguyễn Thị Điển, thôn Nứa chọn cách mở xưởng gia công may khăn xuất khẩu để phát triển kinh tế. Hiện nay, xưởng của chị có 15 lao động làm việc trực tiếp và 20 lao động gián tiếp. Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xưởng của chị vẫn có nhiều đơn hàng, không bị gián đoạn. 

Chị Điển cho biết: Tôi phải liên hệ với nhiều công ty để nhận hàng về cho chị em làm. Thời điểm này, một ngày xưởng sản xuất trên 15.000 chiếc khăn các loại. Dù còn nhiều khó khăn, chủ yếu lấy công làm lãi nhưng tôi vẫn luôn cố gắng tìm các đơn hàng để tạo việc làm cho chị em nhằm nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Toan công nhân làm việc tại xưởng cho biết: Công việc phù hợp và ổn định nên hàng tháng chúng tôi có thu nhập tốt. Làm việc tại đây, chúng tôi được bảo đảm quyền lợi đầy đủ và được tạo điều kiện thuận lợi để vừa tham gia sản xuất tại xưởng, nhận hàng về nhà làm vừa có thời gian chăm sóc gia đình.

Rời xưởng của chị Điển, chúng tôi đến thăm cơ sở may túi siêu thị xuất khẩu của chị Nguyễn Mai Phương, thôn Nứa; dù chỉ rộng hơn 200m2 nhưng được bố trí khoa học, thoáng đãng với hệ thống máy may hiện đại. Hiện tại, cơ sở của chị Phương đang tạo việc làm cho 25 lao động làm việc tại xưởng, 10 lao động làm việc tại nhà, với thu nhập từ 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Một ngày cơ sở sản xuất trên 5.000 túi xách, chủ yếu xuất khẩu sang các nước Mỹ, Anh với doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/tháng. 

Chị Phương chia sẻ: Nhận thấy địa phương có nhiều lao động nữ vẫn thiếu việc làm trong lúc nông nhàn, nhất là phụ nữ trung tuổi nên tôi quyết định mở xưởng để tạo việc làm cho chị em. Công việc may túi không quá phức tạp, chỉ cần học trong khoảng một tuần là người lao động có thể nắm được các kỹ thuật may cơ bản mà lại có thu nhập ổn định. Trong thời điểm dịch Covid-19 như thế này, tôi cũng luôn nhắc nhở chị em thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết với các công ty để nhận nguyên liệu về sản xuất, duy trì nghề và tăng thu nhập cho chị em.

Hiện nay, xã Liên Hiệp có hàng chục xưởng may khăn, túi xách xuất khẩu, 3 xưởng mộc lớn với trên 300 loại máy móc hiện đại và nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ... tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Đặng Văn Nhuệ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, toàn xã có trên 80% hộ có nghề; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 46% giá trị sản xuất toàn xã, góp phần không nhỏ tạo đà phát triển kinh tế ở địa phương. Để động viên, khuyến khích các hộ mở rộng quy mô sản xuất, địa phương giao các ban, ngành, đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng với dư nợ gần 20 tỷ đồng để giúp các hộ vay đầu tư sản xuất; đồng thời, tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý, tìm tạo các nghề mới để du nhập về địa phương; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân mở mang ngành nghề, đầu tư phát triển sản xuất.

Những đột phá trong phát triển kinh tế từ nghề tiểu thủ công nghiệp sẽ mở ra hướng đi mới giúp địa phương ngày càng phát triển, sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao.

Sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp ông Lương Văn Tùng, xã Liên Hiệp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày