Làm giàu từ nghề “ăn cơm đứng”
Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc HTXNN Vũ Hồng (xã Hồng Phong) cho biết: Không rõ nghề trồng dâu, nuôi tằm có ở địa phương từ bao giờ, chỉ biết từ đời cha ông, làng xã đã có nghề trồng dâu, nuôi tằm, nhà nào cũng có dăm, bảy nong tằm. Trước kia bà con nuôi tằm lấy kén gắn với ươm tơ tại làng nghề hoặc sản xuất kén tằm cung cấp cho các cơ sở ươm tơ trong và ngoài tỉnh. Nhưng từ năm 2015 trở lại đây, nhận thấy người dân các thành phố lớn rất ưa chuộng sử dụng nhộng tằm làm thực phẩm, người dân Hồng Phong nhạy bén chuyển sang nuôi tằm thương phẩm lấy nhộng. Vì thế, mấy năm nay Hồng Phong khôi phục nuôi giống tằm ré, một giống tằm truyền thống có chất lượng nhộng tằm cao thay thế cho giống tằm lai cho sản lượng tơ cao như trước.
Bà Trần Thị Bích Quyên, thôn Thái Phú Thọ, xã Hồng Phong cho biết: Trước kia, nghề trồng dâu, nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế chỉ tương đương cấy lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây gia đình tôi đầu tư lắp đặt điều hòa nhiệt độ, nuôi tằm trong phòng lạnh, hiệu quả sản xuất kén tằm được nâng lên. Mỗi tháng sản xuất 3 lứa tằm, thu về gần 2 tạ kén, trừ chi phí đầu tư gia đình tôi có nguồn thu 15 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần cấy lúa, tôi rất phấn khởi.
“Trước đây, tất cả các hộ đều kết hợp trồng dâu với nuôi tằm, vì vậy mỗi hộ chỉ có 2 - 3 sào dâu, sản lượng nuôi tằm thấp, thường chỉ đạt 1 - 3 tạ kén/hộ/năm. Nhưng hiện nay, quy mô sản xuất của các hộ được nâng lên. Hộ không có nhân lực nuôi tằm chuyển sang chuyên trồng dâu, diện tích từ 1 - 2 mẫu/hộ, chuyên cung cấp cho các hộ nuôi tằm quy mô lớn tại địa phương. Các hộ nuôi tằm có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, sản lượng trung bình đạt 1,2 tấn kén/hộ/năm, nhiều hộ đạt 3 - 4 tấn kén/năm. Giá kén thông thường đạt từ 85.000 - 110.000 đồng/kg, giá nhộng tằm thương phẩm đạt từ 250.000 - 300.000 đồng/kg; với giá bán này, người nuôi tằm có nguồn thu từ 100 - 400 triệu đồng/hộ/năm” - ông Trần Văn Hải, thôn Thái Phú Đoài, xã Hồng Phong chia sẻ.
Ông Trần Duy Dũng, đại lý thực hiện dịch vụ cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm kén tằm tại xã Hồng Phong cho biết: Kén tằm của địa phương được xuất đi các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định để lấy nhộng. Với đặc điểm là thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, nhộng tằm ré hiện trở thành món ăn đặc sản, được ưa chuộng của người tiêu dùng và tiêu thụ thuận lợi tại các nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá kén tằm và nhộng tằm thương phẩm của xã bị giảm sâu, khâu tiêu thụ sản phẩm gặp một số khó khăn.
Nghề “ăn cơm đứng” giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.
Hồng Phong hiện có 257ha dâu với trên 1.500 hộ làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Ông Lê Mạnh Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giữ gìn và phát huy nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống, xã đã tìm tòi, đưa giống dâu mới cho năng suất cao và chuyển giao mô hình nuôi tằm con tập trung cho nông dân. Xã quan tâm nâng cấp hệ thống thủy lợi trên cánh đồng dâu, bảo đảm tưới, tiêu thuận lợi. Đặc biệt, từ năm 2016 xã vận động các hộ đầu tư lắp đặt điều hòa nhiệt độ để nuôi tằm trong phòng lạnh, khắc phục yếu tố nhiệt độ cao trong mùa hè. Đến nay, 95% số hộ đã thực hiện, giúp sản lượng kén tằm của xã tăng 30% so với trước. Xã phối hợp, đề nghị các cấp, ngành tạo điều kiện về thủ tục, đến nay hầu hết hộ nuôi tằm ở Hồng Phong đã được ưu tiên sử dụng điện một giá, góp phần giảm chi phí sản xuất cho bà con. Đặc biệt, xã quan tâm chỉ đạo, xây dựng sản phẩm nhộng tằm thương phẩm của HTXNN Vũ Hồng trở thành sản phẩm OCOP. Mới đây nhất, tháng 12/2021, sản phẩm đã được huyện Vũ Thư đánh giá đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tôi hy vọng sản phẩm sẽ được tỉnh thẩm định và công nhận là sản phẩm OCOP, tạo thuận lợi quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị kén tằm, nhộng tằm của địa phương - yếu tố quan trọng để duy trì và giữ nghề truyền thống.
Mỗi năm, xã Hồng Phong cung cấp ra thị trường 400 tấn kén tằm, mang về nguồn thu gần 40 tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đặc biệt, không ít hộ đã vươn lên làm giàu, trở thành triệu phú từ chính nghề “ăn cơm đứng” mà cha ông truyền lại.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh