Làng hoa, cây cảnh, cây giống Hồng Việt Hướng đến sản phẩm OCOP
Những năm đầu thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân Hồng Việt chỉ tập trung ươm cây giống; nhưng sau thấy hoa và cây cảnh dễ trồng, thị trường tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao, họ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cả hoa và cây cảnh. Đến nay, toàn xã có gần 90ha trồng hàng trăm loài hoa, cây cảnh, cây giống các loại, chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền, hoa giấy, hoa pháo, dạ yến thảo, ngọc thảo, ngọc lan, mẫu đơn, mộc hương, đào, quất... được thương lái cả nước tìm đến thu mua. Cũng vẫn là những người nông dân đó, cũng mảnh đất xưa họ cấy cày nhưng ngày nay giá trị thu nhập đã tăng gấp 5 - 10 lần.
Bà Vũ Thị Ngọt, chủ nhà vườn Tuyến The, thôn Quán Thôn cho biết: Gia đình tôi làm nghề vườn đã 20 năm. Từ những mảnh ruộng nhỏ lẻ, kém hiệu quả, tôi mạnh dạn chuyển đổi rồi quy vùng xây dựng nhà vườn với tổng diện tích trên 2 mẫu, trồng trên 6 vạn cây cảnh và hoa các loại, chủ yếu là hoa đồng tiền, hoa nhài Nhật, hoa hồng, hoa giấy, cây giống, cây công trình các loại… Để có vườn cây đẹp, tôi phải chọn giống tốt, tưới nước đúng thời điểm, đủ lượng, cân đối đạm, lân cho từng loại cây. Trồng cây, trồng hoa vất vả như chăm con thơ, lúc nào cũng phải có mặt tại nhà vườn nhưng lãi cao gấp nhiều lần trồng lúa. Tôi phải thuê thêm 3 - 5 lao động để cùng chăm sóc hoa, cây cảnh. Mỗi năm gia đình thu lãi từ nhà vườn khoảng 300 triệu đồng.
Cách đó không xa là nhà vườn của anh Nguyễn Đức Thảo. Anh Thảo là người đầu tiên đưa hoa đồng tiền về đồng đất Hồng Việt, đến nay đây vẫn là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu chính cho gia đình anh.
Anh Thảo cho biết: Năm nay gia đình tôi trồng 20.000 cây hoa đồng tiền, 10.000 cây hoa ngọc lan và hàng vạn cây giống các loại. Gia đình tôi đã làm nhà khung, chăng lưới để bảo vệ hoa, lắp hệ thống tưới tự động vừa tiết kiệm nước, giảm công lao động vừa tăng chất lượng, năng suất các loài hoa. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm nay gia đình tôi vẫn thu gần 1 tỷ đồng từ phát triển kinh tế vườn.
Đào và quất là hai cây không thể thiếu với mỗi gia đình khi tết đến, xuân về. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, hầu như nhà vườn nào ở Hồng Việt cũng dành diện tích lớn để trồng 2 loại cây trồng một năm, thu một lần nhưng giá trị kinh tế cao gấp chục lần cấy lúa. Có những hộ chỉ trồng độc đào hoặc quất, họ say mê uốn, cắt tỉa để tạo ra những dáng cây độc, lạ, đẹp, nâng cao giá trị, giá thành, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Anh Lê Văn Thanh, thôn Quán Thôn cho biết: Cả 2 mẫu chuyển đổi của gia đình tôi đều trồng đào với trên 1.500 gốc, trong đó có gần 100 gốc đào rừng. Chăm đào vất vả, nhất là những tháng cuối năm phải canh thời tiết để điều chỉnh cho đào ra hoa đúng dịp tết nhưng bù lại thu nhập rất cao, mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Cây đào đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương.
Từ một xã vùng sâu, xã khó khăn của huyện, nhờ thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hồng Việt đã trở thành xã nông thôn mới, kinh tế phát triển năng động mà chủ đạo là kinh tế vườn.
Ông Trần Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trồng hoa, cây cảnh, ươm cây giống đang là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Từ hiệu quả thực tế cho thấy nghề vườn đã trở thành nghề chính, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp so với các ngành nghề khác ở địa phương. Năm 2021, giá trị sản xuất kinh tế vườn của xã đạt 300 triệu đồng/ha, tăng 20 triệu đồng/ha so với năm 2020, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của xã tăng 8,2% so với năm 2020, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 50 triệu đồng/năm.
Hoa đồng tiền dễ trồng, mang lại thu nhập cao cho người dân Hồng Việt.
Thời gian tới, xã sẽ triển khai một loạt giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn như: quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây cảnh, ươm cây giống tập trung; vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn đưa vào trồng; chỉ đạo các đoàn thể mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; khuyến khích nhân dân tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào quy trình sản xuất - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm; tạo cơ sở pháp lý để các nhà vườn tiếp cận các nguồn vốn vay… Đặc biệt, năm nay xã sẽ lựa chọn các sản phẩm cây thế mạnh, đặc thù của địa phương đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP.
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng