Thứ 6, 22/11/2024, 04:51[GMT+7]

Vũ Thư: Làng nghề sôi động trở lại

Thứ 2, 06/06/2022 | 14:53:26
3,910 lượt xem
Do dịch Covid-19, hơn 2 năm qua, các làng nghề ở Vũ Thư bị ảnh hưởng khá nặng nề, thậm chí có thời điểm một số làng nghề phải tạm dừng hoạt động. Những tháng gần đây, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhiều làng nghề đã sôi động trở lại.

Làng nghề mộc truyền thống xã Nguyên Xá (Vũ Thư) sôi động trở lại sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Xã Nguyên Xá có làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tập trung ở thôn Thái và cụm công nghiệp làng nghề. Toàn xã có gần 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gỗ, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ quy mô lớn và hàng chục hộ làm nghề mộc, mang lại giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. 

Ông Phạm Văn Lưỡng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong 2 năm 2020 -  2021, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề tại địa phương. Số đơn hàng của hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tại làng nghề giảm sâu, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của người dân giảm, kể cả thời gian cao điểm như dịp tết Nguyên đán. Đặc biệt, xã có 2 thời điểm (tháng 4/2020 và tháng 11/2021) thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tại làng nghề phải tạm dừng hoạt động. Doanh thu, lợi nhuận của các cơ sở sản xuất và thu nhập của người lao động đều giảm từ 30 - 50% so với trước. Khi công tác phòng, chống dịch chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề dần sôi động trở lại, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động trực tiếp và vệ tinh, thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Hạt, chủ cơ sở sản xuất Gỗ Tiên, xã Nguyên Xá chia sẻ: Số đơn hàng và sản lượng tiêu thụ của gia đình mấy tháng gần đây tăng dần, hiện đạt khoảng 80% doanh thu so với trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ của khách hàng tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, tuy nhiên giá gỗ thô tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng, gây khó khăn cho gia đình và các hộ tại làng nghề. Mặc dù vậy, gia đình tôi vẫn phấn đấu đạt doanh thu trên 30 tỷ đồng trong năm 2022.

Với thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực là miền Nam nên khi dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở sản xuất đồ nhôm gia dụng của gia đình anh Ngô Văn Thao, thôn Mỹ Am, xã Vũ Hội bị ảnh hưởng nặng nề, có thời điểm giảm từ 50 - 70% doanh thu. Đến nay, nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt, thuận lợi trong việc nhập nguyên liệu, vận chuyển hàng hóa, ổn định nguồn lao động, mỗi tháng gia đình anh sản xuất, cung cấp ra thị trường hơn 20 tấn sản phẩm nhôm, tương đương với sản lượng trước khi dịch bệnh xảy ra, tạo việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng...

“Là xã đa nghề, Vũ Hội hiện có 230 cơ sở sản xuất ở 17 ngành nghề như làm bún, bánh, đậu, sản xuất cơ khí, đồ gỗ, thu hút trên 5.000 lao động tham gia. Hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, xã tuyên truyền, vận động các cơ sở, hộ dân tranh thủ điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đưa ngành nghề truyền thống chiếm 65% tổng giá trị sản xuất năm 2022 của địa phương” - ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội cho biết.

Huyện Vũ Thư hiện có 5 làng nghề với trên 6.000 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh và trên 15.000 lao động. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các nghề, làng nghề truyền thống tại địa phương giảm doanh thu và quy mô sản xuất, có thời điểm một số làng nghề phải tạm dừng hoạt động. 

Ông Cao Vũ Thạch, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện cho biết: Những tháng gần đây, khi thiết lập trạng thái bình thường mới, huyện và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân các làng nghề tận dụng cơ hội, tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan chuyên môn, đoàn thể, địa phương vào cuộc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm làng nghề để các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề sớm ổn định sản xuất, thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các địa phương cũng khuyến khích hộ làm nghề sáng tạo thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Huyện phấn đấu tổng thu từ các làng nghề năm 2022 đạt trên 500 tỷ đồng, góp phần tích cực nâng cao thu nhập, đời sống cho lao động nông thôn.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày