Thứ 3, 26/11/2024, 02:14[GMT+7]

Người cao tuổi “giữ lửa” nghề đan cói

Thứ 6, 22/07/2022 | 06:42:30
3,246 lượt xem
Làng Tống Vũ, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) nổi tiếng với nghề đan cói từ hàng trăm năm nay, giúp nhiều gia đình có “của ăn của để”. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng lao động trẻ chủ yếu vào làm việc tại các doanh nghiệp nên chỉ còn người cao tuổi trong làng vẫn miệt mài đan cói, “giữ lửa” cho nghề truyền thống.

Phơi cói.

Đến làng Tống Vũ, không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các ông phơi manh cói hay cùng nhau ngồi đan trước cửa nhà, vừa đan vừa chuyện trò rôm rả khiến người ta nhớ đến thời hoàng kim của làng nghề. 

Bà Trần Thị Nhi, 63 tuổi chia sẻ: Cách đây 50 năm, cả làng đều làm nghề đan cói. Ngày nào cũng vậy, từ 4 giờ sáng là cả làng lại vang lên tiếng “boong boong” của chày giã cói. Mỗi người một việc, đàn ông giã cói, phụ nữ thì ngồi đan. Sản phẩm làm từ cói khi ấy được mọi người ưa chuộng nên được đem bán ở khắp các chợ trong và ngoài tỉnh. Bây giờ đồ cói dần được thay thế bằng đồ nhựa và những sản phẩm hữu ích hơn nên ít người còn mặn mà với nghề này, chỉ còn lớp già chúng tôi luyến tiếc, mong muốn khôi phục và phát triển nghề.

Không đành lòng để nghề truyền thống của làng mai một, bà Vũ Thị Thanh, Chủ nhiệm làng nghề xã Vũ Chính đã liên kết với các doanh nghiệp khôi phục, phát triển nghề đan cói để tạo ra các mặt hàng chất lượng xuất khẩu ra nước ngoài. Các ông, các bà rất phấn khởi không chỉ bởi mình lại được đan cói, duy trì nghề truyền thống của làng mà còn có việc làm thêm, tăng thu nhập trang trải cuộc sống. 

Bà Thanh cho biết: Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm làm từ cói tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc rất lớn vì nó có nguồn gốc tự nhiên, dễ tiêu hủy và ít gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần rất nhiều nhân lực có tay nghề để sản xuất ra các sản phẩm từ cói đáp ứng yêu cầu của họ. Thời gian đầu, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn vì đan cói xuất khẩu có những yêu cầu kỹ thuật cao hơn so với đan cói truyền thống. Chúng tôi phải tập hợp các bà, các cô để hướng dẫn chi tiết từng bước. Ngoài ra chúng tôi phải bảo đảm đầu ra, hỗ trợ vật liệu, máy móc để người cao tuổi yên tâm gắn bó với nghề. Hiện cơ sở đã có hàng chục thành viên tham gia, độ tuổi từ 60 - 80. Mỗi tháng chúng tôi xuất ra thị trường 2.000 - 3.000 sản phẩm, doanh thu đạt 70 - 80 triệu đồng.

Trước khi tham gia đan cói xuất khẩu, bà Phạm Thị Bòng, 62 tuổi chỉ quanh quẩn với việc đồng áng và chăn nuôi. Công việc vất vả, thu nhập không ổn định, lại thường xuyên phải điều trị bệnh đau vai gáy khiến bà rất lo lắng. Vốn thành thạo nghề đan cói từ khi còn nhỏ, bà Bòng đã tham gia đan cói xuất khẩu cho cơ sở của bà Vũ Thị Thanh. Bà hào hứng chia sẻ: Chúng tôi nhận cói từ cơ sở sau đó thực hiện các công đoạn: ngâm, phơi, ủ, ép cói và đan thành phẩm. Đều đặn mỗi sáng mọi người lại mang “đồ nghề” sang nhà nhau, vừa đan vừa trò chuyện vui vẻ. Mỗi ngày tôi đan được 5 chiếc ró nhỏ, 3 chiếc ró to, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Vì thế, tôi có thể tự trang trải cuộc sống, không phải nhờ con cháu nữa. Tôi còn có thể tranh thủ làm việc nhà và chăm sóc các cháu. Đặc biệt, nhờ vận động mỗi ngày, bệnh đau vai gáy của tôi giảm, hàng tháng không phải đi điều trị tại bệnh viện nữa.

Ông Nguyễn Đức Phùng, Trưởng thôn Tống Vũ cho biết: Toàn thôn có khoảng 300 gia đình đang làm nghề đan cói. Nhờ có nghề đan cói, nhiều người cao tuổi vẫn tiếp tục được làm nghề, có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa, nét đẹp của làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy. Chúng tôi mong cấp ủy, chính quyền đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ để nghề đan cói của địa phương được duy trì và ngày càng phát triển.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày