Thứ 6, 22/11/2024, 21:15[GMT+7]

Nghề mành truyền thống ở Hưng Nhân

Chủ nhật, 07/08/2022 | 13:32:59
3,263 lượt xem
Khu Tây Xuyên, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) được nhiều người biết đến với nghề mành truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm và biến động, đến nay các sản phẩm mành sản xuất ở đây vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Người cao tuổi ở khu Tây Xuyên, thị trấn Hưng Nhân gắn bó với nghề đan mành.

Về Tây Xuyên, hỏi người dân ai cũng biết ông Hoàng Văn Nghênh bởi ông là chủ cơ sở sản xuất mành có tiếng ở huyện Hưng Hà. Với nhà xưởng có diện tích vài trăm mét vuông, hàng chục máy móc các loại, hàng trăm công nhân ở nhiều xã thuộc huyện Hưng Hà và Đông Hưng đến làm việc, cơ sở sản xuất mành của ông không chỉ lưu giữ và phát triển nghề mành truyền thống mà còn tạo việc làm cho lao động nông nhàn, người già trong làng, đặc biệt còn mang lại thu nhập ổn định cho người mù, người khuyết tật ở nhiều nơi.

Ông Nghênh chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với nghề, lớn lên trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng tôi luôn nung nấu ý định duy trì và phát triển nghề mành để có thể giúp đỡ nhiều người dân có việc làm. Hiện nay, cơ sở sản xuất đã có hơn 100 công nhân làm việc trực tiếp tại xưởng để vận hành 20 chiếc máy như: máy vót, máy bổ nan, máy dóc mấu... Bên cạnh đó là đội ngũ lao động vệ tinh làm việc tại nhà thực hiện công đoạn đan mành theo hình thức cung cấp nguyên liệu đến tận gia đình và đến thu nhận sản phẩm mành hoàn thiện. Vì vậy, công việc này kể cả người già, người khuyết tật, người mù, người có sức khỏe suy giảm cũng thực hiện được.

Ông Hoàng Đức Mễ,  khu Tây Xuyên là một trong những người đan mành đẹp. Ông Mễ tâm sự: Tôi bị mù, sống một mình trong ngôi nhà cấp 4 xuống cấp dột nát, sinh hoạt nhờ sự hỗ trợ của bà con trong xóm. Cơ sở sản xuất mành của ông Nghênh đã giúp đỡ tôi rất nhiệt tình; từ hướng dẫn đan, chở nguyên liệu trúc nứa, con cước đến tận nhà rồi lại đến thu mành lúc hoàn thành. Từ ngày làm mành trúc cho cơ sở, tôi có thu nhập để trang trải sinh hoạt, sửa lại được ngôi nhà, cuộc sống bớt khổ hơn.

Một trong những người lớn tuổi nhất vẫn còn minh mẫn theo nghề đan mành là bà Nguyễn Thị Đang, khu Tây Xuyên, bà chia sẻ: Được ông nội dạy, tôi làm nghề mành từ lúc 14 tuổi, đến nay đã hơn 80 tuổi vẫn theo được nghề. Trước đây làm mành rất vất vả, không có những thanh tre vót sẵn như bây giờ. Nay nhờ máy móc hiện đại, lại được cơ sở của ông Nghênh mang nguyên liệu đến tận nhà, chỉ việc ở nhà đan rất thuận lợi nên còn sức khỏe thì tôi còn làm.

Không chỉ có ông Mễ hay bà Đang mà nhiều người tuổi cao, sức khỏe yếu khắp làng và các vùng lân cận vẫn theo nghề làm mành. Với họ, nghề mành vừa cho thu nhập lại vừa tạo thêm niềm vui. Đặc biệt hơn còn giúp người dân Tây Xuyên không quên nghề làm mành truyền thống của ông cha.

Cuộc sống con người ngày càng thay đổi nhưng mành trúc vẫn không mất đi giá trị của nó. Với tác dụng che nắng, che mưa, mành trở thành một sản phẩm đặc trưng ở nhiều vùng nông thôn. Các sản phẩm mành từ trúc, nứa của cơ sở ông Nghênh hiện phân phối tới nhiều nơi, trong đó 90% sản phẩm cho thị trường miền Nam và miền Trung còn lại là miền Bắc. Sản xuất của cơ sở không đáp ứng đủ nhu cầu, làm ra bao nhiêu là bán hết đến đó. Nghề mành không chỉ giúp những người dân Tây Xuyên có thu nhập mà còn duy trì và phát triển được nghề truyền thống đã có từ xưa. Năm nay, ông Hoàng Văn Nghênh dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất để tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho lao động trên địa bàn.


Ánh Tuyết

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày