Thứ 6, 22/11/2024, 17:21[GMT+7]

Nghề và làng nghề ở Thái Thụy Làm gì để phát triển bền vững?

Thứ 4, 03/04/2013 | 14:33:33
1,812 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nghề và làng nghề, những năm qua Thái Thụy đã huy động nhiều nguồn lực phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên sự phát triển của các làng nghề vẫn chưa thực sự bền vững và cần phải có một giải pháp tổng thể tổ chức lại sản xuất đáp ứng nhu cầu việc làm và thu nhập cho người lao động trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nghề mộc đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn ở Thái Thụy.

Năm 2006, làng nghề Thanh Ro (xã Thụy Thanh) được UBND tỉnh cấp bằng công nhận với 2 nghề chính là sản xuất cói và lưỡi câu. Thời điểm đó, chúng tôi đã về địa phương và được chứng kiến không khí làm nghề sôi động của bà con. Làng có 925 lao động thì có tới 648 người tham gia làm nghề. Tổng giá trị sản xuất của làng đạt 5 tỷ đồng thì giá trị thu nhập từ nghề là 2,8 tỷ đồng. Nhưng thịnh vượng không được bao lâu, từ năm 2008 đến nay nghề làm cói và lưỡi câu của Thanh Ro dần bị thu hẹp do không có thị trường tiêu thụ. Hiện tại, trong làng chỉ còn 15 lao động làm lưỡi câu, các lao động khác phải bỏ nghề hoặc chuyển sang làm may. Trước đây, làng Hồng Phong (xã Thái Hòa) có nghề ươm, xe tơ truyền thống nổi tiếng khắp vùng và được UBND tỉnh cấp bằng công nhận năm 2003. Thế nhưng, những năm gần đây nghề này gần như bị mai một bởi sản phẩm làm ra không còn thị trường tiêu thụ. Cả làng giờ chỉ còn 34 người làm nghề nhưng nguồn thu nhập quá thấp nên họ cũng không thiết tha lắm với việc trồng dâu nuôi tằm, vài năm tới số hộ làm nghề này sẽ còn ít hơn nữa.

Vào thời điểm đầu những năm 2000, Thụy Chính, Thái Xuyên là 2 xã dẫn đầu huyện Thái Thụy về phát triển nghề mây tre đan. Xã có 4 thôn thì 3 thôn: Miếu, Chính Thôn, Hòe Nha được công nhận là làng nghề. Thế nhưng, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế từ 2009-2011, nghề mây tre đan của Thụy Chính suy giảm mạnh cả về giá trị thu nhập cũng như số lao động tham gia. Sau khi thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, khôi phục thì từ năm 2012 nghề và làng nghề của Thụy Chính mới phát triển ổn định trở lại. Tuy nhiên do các tiểu chủ mới tổ chức sản xuất trở lại, quy mô nhỏ, lại đứng ra làm trung gian cho các cơ sở khác nên mức thu nhập của người lao động hiện nay vẫn thấp, trung bình từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng.

Thời điểm cuối năm 2011, Thái Thụy có 7/27 làng nghề bị suy giảm. Để khôi phục các làng nghề, năm 2012 một số địa phương đã tạo điều kiện về thủ tục, đất đai, quy hoạch các cụm công nghiệp, phối hợp thực hiện các chương trình khuyến công... tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề phát triển. Huyện cũng đã hỗ trợ 14 cơ sở, 2 doanh nghiệp đào tạo nghề cho 3.000 lao động nông thôn, khôi phục lại 3 làng nghề là Chính Thôn, Hòe Nha, thôn Miếu (xã Thụy Chính) và xây dựng mới làng nghề Khúc Mai (xã Thụy Thanh).

Kết quả đến nay, 100% xã, thị trấn ở Thái Thụy tổ chức sản xuất các ngành nghề TTCN gồm: chế biến nông sản thực phẩm, hải sản, mây tre đan, móc sợi, thêu ren, may mặc, mộc, cơ khí, vật liệu xây dựng… thu hút 13.036 lao động tham gia. Toàn huyện có 24 làng nghề và 2 xã nghề (Thụy Dân và Thụy Hải) được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Tuy nhiên đến thời điểm này, Thái Thụy còn 4 làng nghề không đủ điều kiện để cấp đổi bằng đợt I giai đoạn (2011-2015) gồm: làng nghề ươm tơ Hồng Phong (xã Thái Hòa), làng nghề chế biến cói, thực phẩm Cam Đông (Thụy Liên), làng nghề sản xuất cói Hạ Tập (Thụy Bình), làng nghề đan vó và sản xuất cói Vạn Đồn (Thụy Hồng). Nguyên nhân suy giảm là do sản phẩm của những làng nghề trên khi sản xuất ra không tìm được thị trường tiêu thụ, thu nhập của người lao động thấp nên họ chuyển sang những nghề khác có mức thu nhập cao hơn. Còn đối với 24 làng nghề đủ điều kiện cấp đổi bằng thì trong đó một số làng nghề sản xuất cũng gặp khó khăn do suốt thời gian dài phải “chống đỡ” với khủng hoảng và suy thoái kinh tế.

Bên cạnh những nghề mộc, rèn, cơ khí, may mặc cho thu nhập cao (trung bình từ  2 đến 3 triệu đồng) thì một số nghề: mây tre đan, móc sợi, làm muối công của người lao động làm nghề thấp (300.000 đồng - 1 triệu đồng/người/tháng) nên người dân chưa thực sự gắn bó với nghề, thậm chí nhiều người nay làm mai bỏ gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Quy mô sản xuất của hầu hết các làng nghề ở Thái Thụy hiện nay còn nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng được thương hiệu sản phẩm nên thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, không ổn định. Nhiều xã cũng chưa thực sự quan tâm chú trọng phát triển làng nghề, tạo việc làm cho người dân mà để cho doanh nghiệp, cơ sở tự tổ chức sản xuất theo kiểu “được ăn-lỗ chịu”. Vì vậy, số doanh nghiệp trong làng nghề, xã nghề của huyện còn ít, trình độ quản lý và tổ chức sản xuất hạn chế, thiếu vốn, thiếu thông tin về thị trường, sản phẩm đầu ra còn phụ thuộc vào các đầu mối trung gian nên chi phí và giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh kém.

Phát triển nghề và làng nghề là giải pháp then chốt giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Vì vậy, để nghề và làng nghề phát triển ổn định, bền vững, Thái Thụy cần có một giải pháp khắc phục tổng thể. Đối với làng nghề truyền thống, sản phẩm vẫn có thị trường tiêu thụ nhưng bị suy giảm thì cần tập trung đầu tư, hỗ trợ, khôi phục bảo tồn làng nghề. Đối với những  làng nghề suy giảm mà sản phẩm làng nghề  không còn thị trường, thu nhập của người lao động quá thấp thì cần mở rộng, du nhập nghề mới cho dân.

Bên cạnh đó, huyện cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cả cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân về tầm quan trọng của nghề và làng nghề. Tập trung hoàn thiện các quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, có cơ chế khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Ưu tiên bố trí nguồn vốn, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hưởng thụ các chính sách ưu đãi trong sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm… nhằm tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày