Thứ 3, 23/04/2024, 16:35[GMT+7]

Đặc sản tinh bột sắn dây và nghệ Đông La

Thứ 2, 19/09/2022 | 14:41:58
4,569 lượt xem
Vốn là những nông sản thực phẩm dân dã truyền thống của địa phương nhưng với hình thức sản xuất mới, tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ của xã Đông La (Đông Hưng) đã trở thành đặc sản, tạo ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân.

Sản phẩm bột sắn dây nguyên chất của Hợp tác xã Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La.

Xã Đông La có nghề truyền thống chế biến bột sắn dây, bột nghệ cách đây hàng trăm năm. Bà con nơi đây có bí quyết tạo ra tinh bột sắn trắng trong, còn tinh bột nghệ giữ nguyên màu sắc tự nhiên và ăn không có vị đắng, chát như bột nghệ ở nhiều nơi khác làm. 

Ông Bùi Phó Kể, thôn Anh Dũng chia sẻ: Chúng tôi được các cụ trao lại một số kỹ thuật chế biến để tạo ra tinh bột nghệ giàu dinh dưỡng, màu vàng tươi và ăn có vị ngọt ngon. Một trong những bí quyết đó chính là khâu xay nghệ thành bột, đem ngâm nước sạch rồi lọc 3 lần lấy tinh bột nhằm loại bỏ xơ, vỏ để bột nghệ ăn không đắng. Còn giữ cho bột nghệ màu vàng tươi tự nhiên thì chúng tôi phơi bột trong bóng râm, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu rọi hoặc đưa vào lò sấy cho đến khi bột khô và tơi mịn.

Là nghề truyền thống lâu năm của địa phương nhưng ở Đông La không có nhiều người giàu lên được từ nghề vì trước đây bà con sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng ít chỉ đủ phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc bán ra một số địa phương lân cận. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, một số người dân biết đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sắn dây, nghệ cho thu nhập cao thì nghề sản xuất bột sắn dây, tinh bột nghệ đã trở thành sinh kế của nhiều gia đình. Đặc biệt, khi HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La ra đời tập hợp những hộ sản xuất lớn lại, ứng dụng máy móc công nghệ mới vào sản xuất và tập trung xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra tiêu thụ thì sản phẩm bột sắn dây, tinh bột nghệ Đông La đã có thương hiệu, trở thành đặc sản của địa phương.

Ông Mai Đức Nhân, Giám đốc HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La cho biết: Để biến sản phẩm truyền thống thành hàng hóa có thương hiệu chúng tôi phải dày công thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi giống cây trồng, xây dựng quy trình chế biến bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX có 11 xã viên tham gia sản xuất, chế biến. Tổng diện tích trồng sắn dây và nghệ hiện có hơn 10ha, sản lượng đạt trên 300 tấn củ tươi/năm, sau chế biến thu được hơn 90 tấn bột sắn dây và tinh bột nghệ. Tuy nhiên, do sản phẩm mới chưa tiếp cận được thị trường tiêu thụ nên bước đầu HTX chỉ chế biến khoảng hơn 30 tấn nguyên liệu, còn lại sơ chế bán cho các thương lái ở trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm tinh bột nghệ của Hợp tác xã Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La. 

Sản phẩm bột sắn dây và tinh bột nghệ của HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La được đóng trong hộp, bao bì với nhiều quy cách vừa đẹp mắt vừa tiện lợi cho người tiêu dùng. Thương hiệu đã đăng ký bảo hộ độc quyền, mỗi sản phẩm đều có mã số, mã vạch, mã QR Code cung cấp đầy đủ thông tin, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tinh bột nghệ và bột sắn dây Đông La còn có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Các sản phẩm của HTX được nhiều cửa hàng nông sản thực phẩm sạch, cửa hàng tiện ích đặt hàng phân phối, bán lẻ và thông qua kênh thương mại điện tử khách hàng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã biết, đặt mua online. Đây là tín hiệu đáng mừng để HTX nâng công suất, sản lượng chế biến trong thời gian tới.

Theo bà con xã viên HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn dây và nghệ không đòi hỏi nhiều công sức và chi phí không đáng kể. Mỗi năm 1 vụ, bình quân 1 sào cho thu hoạch khoảng 1 - 1,2 tấn củ sắn dây, củ nghệ tươi cho thu nhập 10 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi 9 triệu đồng. Nếu bà con chế biến thành sản phẩm tinh bột nghệ, bột sắn dây thì cho giá trị gấp 4,5 lần so với bán củ tươi. Nhiều bà con nông dân ở xã Đông La phấn khởi khi biết sản phẩm của mình đang được đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP và được tỉnh giới thiệu kết nối cung cầu, cơ hội cho bà con mở rộng diện tích trồng, tăng sản lượng chế biến để làm giàu từ loại nông sản quen thuộc của quê hương.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày