Chủ nhật, 17/11/2024, 20:18[GMT+7]

Người cao tuổi xã Tam Quang: Hăng say làm kinh tế với cây chổi đót

Thứ 7, 08/10/2022 | 10:25:00
2,522 lượt xem
Nghề làm chổi đót ở xã Tam Quang (Vũ Thư) đã có từ rất lâu. Nhờ gắn bó với bông đót, sợi mây, dây cước..., nhiều gia đình trong xã, trong đó có rất nhiều người cao tuổi có thu nhập ổn định.

Nghề làm chổi đót giúp nhiều người cao tuổi ở xã Tam Quang có thu nhập ổn định.

Đều đặn vào 6 giờ và 13 giờ, bà Hoàng Thị Khiếu, 70 tuổi lại đi bộ khoảng 2km đến cơ sở làm chổi đót tại thôn Hợp Tiến. Công việc này đã gắn bó với bà suốt 15 năm qua. Bằng bàn tay khéo léo, các công đoạn để làm ra một chiếc chổi đót đều được bà làm rất thuần thục và nhanh nhẹn. Bà Khiếu chia sẻ: Trước kia, tôi chỉ cấy lúa, thời gian rỗi tranh thủ đi cấy thuê nhưng thu nhập vẫn thấp, cuộc sống khó khăn. Ở độ tuổi này, người cao tuổi như chúng tôi rất khó để tìm được việc làm trong các công ty. Nhưng kể từ ngày đi làm chổi đót ở cơ sở của anh Hoàng Khắc Giang, tôi có dịp phát huy tay nghề vốn đã được cha ông truyền cho từ nhỏ, lại có thêm thu nhập. Không những vậy, tôi vừa đi làm vừa đi bộ tập thể dục để rèn luyện sức khỏe.

Theo bà Khiếu, với tay nghề của bà và nhiều người cao tuổi khác trong cơ sở, mỗi ngày có thể làm được 50 - 60 cây chổi, thu nhập khoảng 120.000 - 130.000 đồng. “Công việc làm chổi đót nhàn hơn so với cấy lúa, không đòi hỏi nhiều về sức khỏe, phù hợp với người cao tuổi. Nhờ thu nhập từ nghề làm chổi đót, tôi có thể tự trang trải cuộc sống mà không phải nhờ con cháu nữa” - bà Khiếu chia sẻ.

Nghề làm chổi đót không kén thợ nên già trẻ, gái trai ai cũng làm được. Đối với nghề này, để có được một chiếc chổi đót bền, đẹp thì phải trải qua nhiều khâu xử lý nguyên liệu, sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ. Theo cách làm thủ công là tra bó đót vào cán, bện chổi, sau đó được kết chặt vào cán chổi bằng sợi cước chuyên dụng. Bó cổ chổi là công đoạn khó nhất quyết định chất lượng của sản phẩm. Nếu người bó không khéo léo, tay không đủ lực thì bó đót không đều, chổi xấu và dễ gãy, nhanh hỏng.

Thấy được lợi ích kinh tế từ nghề làm chổi đót, anh Hoàng Khắc Giang đã học nghề làm chổi từ các cụ cao niên trong xã, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất chổi đót. Anh Giang cùng nhiều cơ sở sản xuất chổi đót tại địa phương đã góp phần lưu giữ nghề truyền thống, phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó có người cao tuổi như bà Hoàng Thị Khiếu. Anh Giang cho biết: Mỗi tháng cơ sở của tôi xuất ra thị trường khoảng 9.000 sản phẩm, thu nhập trung bình khoảng 200 triệu đồng. Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương, chủ yếu là người cao tuổi với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Thời gian đầu, tôi phải dành nhiều thời gian hướng dẫn các bà làm quen với cách làm chổi đót để bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Bằng số vốn tích lũy sau nhiều năm, bà Bùi Thị Chi, thôn Hợp Tiến cũng mạnh dạn đầu tư mở cơ sở sản xuất chổi đót tại nhà. Bà Chi không ngần ngại “cầm tay chỉ việc” cho 4 người cao tuổi khác trong xã cùng làm. Không chỉ làm ra những cây chổi đót thủ công bền, đẹp, chắc, bà Chi còn chịu khó học hỏi để làm ra những sản phẩm hợp với nhu cầu của thị trường. Bà Chi cho biết: Bên cạnh sản phẩm chủ lực truyền thống là chổi đót, cơ sở của gia đình còn làm chổi cán mây, chổi cán nhựa, chổi dây cước, chổi hộp... được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ rộng khắp trong tỉnh và các địa phương như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam... Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Ông Vũ Ngọc Dân, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tam Quang cho biết: Toàn xã có khoảng 280 hộ làm nghề sản xuất chổi đót. Nhờ có nghề truyền thống đã giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho trên 100 người cao tuổi tại địa phương. Hội Người cao tuổi xã luôn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để người cao tuổi tích cực tham gia phát triển kinh tế, góp phần duy trì, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng thương hiệu để chổi đót của xã Tam Quang sớm trở thành sản phẩm OCOP.

Sự phát triển của nghề chổi đót cùng nhiều ngành nghề khác đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân của xã Tam Quang. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 57 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,36%. Tuy vậy, nghề làm chổi đót của địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu làm thủ công, tự tiêu thụ. Thời gian tới, chính quyền địa phương cần huy động các nguồn lực, sự hỗ trợ của cấp trên tạo điều kiện, khuyến khích các hộ mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết lao động, nâng cao thu nhập, xây dựng thương hiệu chổi đót Tam Quang ngày càng tiến xa hơn.

Công đoạn quấn chổi được bà Hoàng Thị Khiếu thực hiện rất thành thục. 

Nguyễn Phú

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày