Thứ 6, 22/11/2024, 14:38[GMT+7]

“Hái” hàng trăm triệu đồng từ nấm sò

Thứ 4, 02/11/2022 | 08:21:53
3,237 lượt xem
Không chỉ là phát thanh viên Đài Truyền thanh xã An Mỹ (Quỳnh Phụ), chị Phạm Thị Dịu còn là chủ cơ sở trồng nấm sò thu lãi 100 - 150 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng nấm sò của gia đình chị Phạm Thị Dịu, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ).

Trước khi bén duyên với nấm sò, vợ chồng chị Dịu đã trải qua nhiều nghề nhưng kinh tế vẫn khó khăn. Năm 2012, nhận thấy trồng nấm sò nhàn, cho giá trị kinh tế cao, vợ chồng chị vay 100 triệu đồng để dựng 2 lán trại rộng 200m2, đầu tư giàn treo và đưa cây nấm về trồng. Tuy nhiên, trại nấm đi vào hoạt động chưa lâu thì cơn bão Sơn Tinh với sức tàn phá khủng khiếp đã “thổi bay” cả 2 lán trại, chị Dịu trắng tay. Song điều đó không làm người phụ nữ nhỏ bé nản lòng mà càng thêm quyết tâm làm giàu từ nấm sò. Chị bắt tay làm lại từ đầu, dựng trại bài bản, vững chãi hơn trước. Thành công đến với chị khi vụ nấm này nối vụ nấm kia được xuất bán với giá cao. Năm 2015, nấm sò bị nhiễm khuẩn, nấm dại phát triển mạnh khiến cả trại nấm bị phủ một màu xanh, số tiền thiệt hại khoảng 30 triệu đồng.

“Thua keo này bày keo khác”, chị Dịu khăn gói sang Hải Phòng học kinh nghiệm hồi sinh mô hình trồng nấm. Sau thời gian chịu khó học hỏi, chị đã kiểm soát được các bệnh của nấm. Khi đã ổn định sản xuất, chị Dịu mạnh dạn mở rộng trại, đầu tư mua sắm thêm máy móc hiện đại để xây dựng quy trình khép kín trong sản xuất nấm, tạo ra những sản phẩm nấm sạch, an toàn. “Kể từ khi có máy móc, thiết bị hiện đại, việc sản xuất nấm nhàn hơn, thu nhập cao gấp 5 lần so với trước”- chị Dịu chia sẻ.

Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình, nhìn nấm sò mọc sum suê trong trại, không giấu được niềm vui, chị Dịu cho biết: Mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được khoảng 3.000 bịch phôi nấm và thu hoạch trên 2 tạ nấm. Nấm được các thương lái đến tận nhà thu mua, tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó gia đình tôi đã trả được các khoản nợ, có tiền lo cho các con ăn học, đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang.

Theo anh Nguyễn Văn Bắc, chồng chị Dịu, nấm sò ưa lạnh và rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường. Quy trình sản xuất cũng rất khắt khe, rơm phải bảo đảm sạch và không ẩm mốc. Sau khi pha với vôi theo tỷ lệ phù hợp sẽ tiến hành ngâm, đảo. Sau 12 ngày sẽ đóng bịch phôi nấm và rạch những phôi đã chín để cho nấm mọc. Thời điểm giáp tết Nguyên đán, vợ chồng anh chị phải làm việc từ 2 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới có đủ nấm thành phẩm bán cho khách hàng.

Không chỉ cho thu nhập cao, mô hình trồng nấm của gia đình chị Dịu còn tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ tại địa phương, chủ yếu là người cao tuổi với thu nhập bình quân từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Cầm trên tay tiền công sau một ngày làm việc, bà Nguyễn Thị Vân phấn khởi: Tôi đã gắn bó với cơ sở của gia đình chị Dịu từ năm 2012. Công việc không quá vất vả, phù hợp với người cao tuổi như chúng tôi. Tiền công đủ để chúng tôi trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Tiếng lành đồn xa, mô hình trồng nấm sò của gia đình anh Bắc, chị Dịu được nhiều người dân địa phương và các tỉnh lân cận quan tâm, tìm đến học hỏi. 

Anh Trần Đăng Ruyện, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Trước kia tôi cũng chỉ trông cậy vào mấy sào lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi được vợ chồng chị Dịu truyền nghề, chia sẻ kinh nghiệm, trại nấm của tôi đã nhanh chóng đi vào ổn định, mang lại thu nhập cao.

Bà Phạm Thị Nội, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ cho biết: Ngoài việc làm tốt vai trò phát thanh viên Đài Truyền thanh xã và trồng nấm, chị Phạm Thị Dịu còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Đây là mô hình hiệu quả, Hội sẽ tuyên truyền, vận động hội viên học hỏi, nhân rộng để làm giàu mà không phải “ly hương”.


Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày