Thứ 7, 20/04/2024, 11:58[GMT+7]

Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ đan giỏ xuất khẩu

Thứ 4, 09/11/2022 | 08:24:27
3,242 lượt xem
Với đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù và sự năng động, sáng tạo, chị Phạm Thị Thanh Nhàn, thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) đã làm giàu cho gia đình mình bằng nghề đan giỏ xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Chị Phạm Thị Thanh Nhàn, thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) kiểm tra sản phẩm chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu.

Chứng kiến cảnh nhiều người, nhất là chị em phụ nữ lúc nông nhàn, khi nuôi con nhỏ không có việc làm thêm trong khi đời sống còn khó khăn, chị Nhàn đã tìm hiểu, quyết định đi học và du nhập nghề đan giỏ đựng đồ xuất khẩu về địa phương. Chị chia sẻ: Nghề mây tre đan dễ học, dễ làm, chỉ học ít ngày là làm được những sản phẩm đơn giản, song để làm ra các sản phẩm tinh xảo, giá trị kinh tế cao thì phải học lâu hơn, vừa làm vừa học nâng cao tay nghề. Nhưng năm đầu triển khai cũng gặp khó khăn vì chị em còn e dè, phải tuyên truyền, vận động nhiều lần chị em mới đến học và tham gia làm nghề. Mình phải tổ chức dạy nghề, đầu tư cả nguyên liệu cho chị em thực hành. Sau một thời gian chị em lại rất hăng hái. Đến nay cơ sở tạo việc làm cho trên 100 người. Mọi người nhận nguyên liệu về nhà làm rồi mang sản phẩm hoàn thiện đến giao, nhận tiền công, tại cơ sở chỉ có vài người làm công đoạn hoàn thiện, kiểm tra, sửa hàng lỗi.

Bà Phạm Thị Riêng, 65 tuổi, thôn Phạm, xã Phú Châu cho biết: Tôi tuổi đã cao, chồng tôi sau tai biến cần có người trông nom, chăm sóc, bởi vậy việc đi làm kiếm tiền ở nơi khác khó thực hiện. Rất may, cô Nhàn đưa nghề đan giỏ về địa phương, còn dạy tôi đan, tôi được mang nguyên liệu về nhà vừa tranh thủ đan vừa chăm chồng, lo việc nhà lại có thêm thu nhập. Mỗi ngày tranh thủ đan cũng được 70.000 - 100.000 đồng.  

Đến nay, cơ sở của chị Nhàn đã làm được hàng chục mặt hàng với nhiều mẫu mã khác nhau theo đơn đặt hàng của khách từ nguyên liệu là mây tre. Để làm một chiếc giỏ đẹp cần trải qua nhiều công đoạn nhưng quan trọng nhất là lựa chọn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, sáng tạo mẫu mã sản phẩm, phối màu sắc, kỹ thuật đan... Vì thế, hàng năm chị Nhàn đều tổ chức dạy nghề cho người mới và nâng cao tay nghề cho người cũ. Chỉ từ những cây tre, cây mây rất đỗi bình thường, dưới bàn tay khéo léo của chị Nhàn và các chị em xã Phú Châu đã cho ra đời nhiều sản phẩm mây tre đan hoàn hảo, kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại, được khách nước ngoài ưa chuộng. Hàng năm, cơ sở của chị Nhàn xuất khẩu 18.000 - 24.000 bộ sản phẩm sang các nước Australia, Nhật Bản, Đức..., mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Sự phát triển của công nghệ hiện đại đã khiến một số làng nghề trên địa bàn huyện Đông Hưng bị mai một. Thế nhưng, bằng đam mê và tâm huyết với nghề, chị Nhàn đã và đang góp phần phát triển nghề đan giỏ ngay tại quê hương, giúp nhiều người “ly nông không phải ly hương”, tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, mục đích giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn của chị hiện đang gặp khó khăn về nguồn lao động, nhất là lao động có tay nghề. 

Chị Nhàn cho biết: Thị trường tiêu thụ sản phẩm rất lớn nhưng lao động đan giỏ cho cơ sở hầu hết là người có tuổi, phụ nữ có con nhỏ. Người già thì hay ốm đau, người trẻ thì khi con đến tuổi đi mẫu giáo là họ vào công ty làm. Lao động không ổn định dễ dẫn đến việc giao hàng không đúng hạn, khách hàng có thể cắt hợp đồng. Mong các chị em có sức khỏe, có điều kiện tích cực tham gia làm nghề để nghề ngày càng phát triển, mở rộng. Dù thu nhập không cao song công việc tranh thủ này cũng giúp các chị có nguồn thu ổn định.  

Theo ông Phạm Thế Chung, Chủ tịch UBND xã Phú Châu: Không chấp nhận sống trong nghèo khó, những năm gần đây, người dân xã Phú Châu rất năng động, nhạy bén trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Một số người mạnh dạn du nhập nghề mới về địa phương, không chỉ làm giàu cho gia đình còn tạo việc làm cho nhiều người lúc nông nhàn. Cuộc sống của người dân nhờ thế đã khấm khá hơn trước. Tiêu biểu như chị Phạm Thị Thanh Nhàn. Đây là điển hình làm kinh tế giỏi của xã, cần nhân rộng. Xã sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để chị em vươn lên khẳng định mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày