Thứ 6, 22/11/2024, 12:17[GMT+7]

Tài hoa thợ mộc làng Mĩ Giạc

Thứ 2, 29/04/2013 | 09:06:42
6,740 lượt xem
Làng Mĩ Giạc, tên nôm là làng Diệc, xã Tân Hòa (Hưng Hà) đã có hơn 500 năm làm nghề mộc. Trải qua sự biến thiên của thời gian, nhiều cánh thợ một thời nổi danh đất Bắc, thi công những công trình có tiếng trong cả nước giờ đã về với tổ tiên. Lớp con cháu hậu bối còn giữ được những bí quyết hành nghề, giữ được cái hồn nghề tạc mộc giờ cũng đã lên lão. Người trẻ tuổi nhất cũng đã ngũ tuần.

Những hoa văn tạo tác cần đến những đôi tay vàng.

Làng Mĩ Giạc là tên cổ có hàm ý một mảnh đất dài, phì nhiêu, màu mỡ; nơi bao đời nay đã hun đúc, nuôi dưỡng những người thợ mộc tài hoa thổi hồn vào mỗi tấc gỗ. Mĩ Giạc ngày đó có hàng chục cánh thợ tỏa đi muôn nẻo hành nghề kiếm sống. Có người đi không trở lại quê hương mà đóng đô ở vùng đất mới sinh cơ lạc nghiệp. Số thợ ở lại quê hương bám nghề rất ít. Cũng có thể điều ấy đã làm nghề truyền thống chạm trổ gỗ của làng Mĩ Giạc dần mai một. Chạy đua cùng thời gian, những tay thợ cuối cùng của làng đang từng ngày nỗ lực vực nghề cho lớp con cháu mai sau kế tục, không để mất đi vốn nghề của cha ông.

 

Chúng tôi đến gia đình người thợ phó cả Nguyễn Công Bình, thôn Diệc khi cánh thợ của ông đang khẩn trương hoàn thành một ngôi nhà gỗ cổ cho một khách hàng ở xã bên. Những khúc gỗ lim, táu mật… nằm ngổn ngang ngoài sân. Gần chục cụ đang mải miết tay dùi, tay đục tạo tác trên mặt gỗ. Ông Bình năm nay đã 53 tuổi, theo nghề mộc từ năm 11 tuổi. Gia đình ông bốn đời, chuyên đi nhận công trình trong nam ngoài bắc tạo việc làm thường xuyên cho 15 thợ làng. Không giống như những làng nghề mộc khác trong huyện như làng Nứa, làng Me, làng Vế hay làng nghề Ðồng Kỵ (Bắc Ninh)… luôn hướng tới những sản phẩm gỗ dân dụng hiện đại, những người thợ Mĩ Giạc lại chọn cho mình nghề cổ như giữ lại những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

 

Mỗi công trình được hoàn thành là nhân thêm niềm tự hào của người thợ tài hoa làng Mĩ Giạc. Mỗi họa tiết hoa văn, mỗi ngôi nhà, ngôi chùa đều mang nét tài hoa riêng của những cánh thợ làng Mĩ Giạc. Ông Dương Như Xích, người 55 năm làm mộc tự hào nói: “Có những kỹ thuật làm kèo, vì, mòi… chỉ người làng Mĩ Giạc mới làm được. Nhiều công trình, hai cánh thợ cùng làm mà có sự ăn ý đến lạ lùng. Khi dựng thành nhà mà như một, không có sự khác biệt. Ðấy là cái riêng không làng mộc nào có”.

 

Những người như ông Bình, ông Xích, ông Tùy, ông Tèo… cùng cánh thợ mộc Mĩ Giạc thuở nào nay là những thợ cả, thợ phó tuổi xế chiều. Nhưng những đôi bàn tay vàng vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi, họ tâm huyết truyền nghề, giữ nghề cho hậu bối, những tuyệt xảo mà chỉ có cầm tay chỉ việc mới làm được. “Nghề chạm trổ những họa tiết, hình thù cũng như những hoa văn đòi hỏi độ tinh xảo. Ví dụ như để trạm trổ được cánh võng, cửa thờ, hoa văn trên sập gụ, tủ chè thì phải học nghề liên tục trong 5 năm. Ðể có kinh nghiệm thì trong quá trình học phải tự mày mò, học hỏi các thợ đi trước. Có yêu nghề mộc thì mới thả hồn vào gỗ được”. Ông Bình tâm sự.

 

Làm nghề mộc mỹ nghệ đã gian nan, vất vả, học nghề mộc càng cần phải có lòng tâm huyết, sự tôi luyện. Những người thợ mộc ở làng Mĩ Giạc không bao giờ ỷ lại sự giàu có từ nghề mà vẫn luôn bó bện với cây lúa củ khoai là chính. Ðiều lạ lùng mà chúng tôi nhận thấy khi đến làng cổ Mĩ Giạc, không có gia đình nào trong làng mở xưởng gỗ, sản xuất số lượng nhiều như các làng bên. Họ chỉ là những người thợ đi làm thuê. Nhận công trình về làm tại nhà hoặc đến tận nơi làm. Ðây chính là một nét đặc trưng mà không phải làng nghề nào cũng thế.

 

Người thợ mộc làng Mĩ Giạc tự quảng bá tay nghề và trình độ của mình qua những công trình nghệ thuật, những ngôi đền, đình, chùa tôn nghiêm. Ở những nơi ấy người thưởng lãm đến và đi như một quy luật bất biến, chỉ có tài hoa của người thợ trong từng nét trạm trổ vẫn trường tồn cùng công trình. Ông Ðỗ Văn Tùy (70 tuổi), người hơn 50 năm theo cánh thợ làng rong ruổi khắp nơi dựng chùa, cất nhà tâm sự: “Làm đình, làm chùa, nhà gỗ cổ không giống như làm cái bàn, cái ghế. Từ công đoạn lấy mực, chạm trổ hoa văn, làm mộc, làm mòi cho tới lắp ráp hoàn thiện phải có sự ăn ý của cánh thợ. Người đục, chạm phải hiểu người lên mực có ý đồ gì để làm theo. Người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn là có thể tự sáng tạo mà không sợ lệch chuẩn… Không thể đếm được bao nhiêu ngôi chùa, nếp nhà gỗ, nội thất… được làm ra qua đôi bàn tay của chúng tôi. Chỉ biết tóc đã bạc hết đầu mà chưa muốn nghỉ”.

 

Từ Namon> ra Bắc, thậm chí ở nước ngoài đã nức tiếng người thợ mộc Mĩ Giạc. Những ngôi chùa như chùa Ðồng Thiện, Chùa Dư Hàng Kênh, Chùa Tứ Liên, Chùa Hàng Cá, nhà Tổ Chùa Bồ Ðề (Hà Nội), nhà Tổ ở Hải Phòng, Cung Ðình Huế, Cung Ðiện hoàng gia Campuchia, ở Pháp… là những công trình nghệ thuật do chính đôi bàn tay người thợ làng Diệc (Mĩ Giạc) làm nên. Ngoài những công trình hiện giờ là di tích của quốc gia thì còn nhiều những ngôi đình, nhà gỗ; cho đến sập gụ, tủ chè, chướng, chàng kỷ, câu đối cũng được các người thợ tài hoa nơi đây sáng tạo ra. Có những công trình thực hiện kéo dài 4 đến 5 năm, giá trị vài tỷ đồng tùy thuộc vào khối lượng gỗ và quy mô của công trình. Tại chính ngôi làng cổ này còn lưu giữ nhiều chứng tích mà cha ông họ đã tạo lên bằng bàn tay, khối óc, thổi hồn nghệ thuật và sức sống thẩm mỹ, giá trị văn hóa còn lưu mãi với thời gian.

 

Ngôi cổ tự Diên Khánh Tự bao gồm quần thể đình - miếu - chùa làng Mĩ Giạc được cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993. Trong làng còn lưu giữ hơn 10 ngôi nhà cổ vô giá, đây chính là những món quà ý nghĩa mà lớp tiền bối của làng trao lại cho lớp cháu con. Song để giữ nghề truyền thống là cả một thách thức. Ông Bình cho biết: “Hiện nay thanh niên ít người còn lưu luyến, có tâm huyết với nghề mộc mỹ nghệ. Bằng cả tâm huyết những thế hệ đi trước đang nỗ lực truyền nghề cho thế hệ trẻ. Bản thân tôi đang dạy nghề cho hai đứa con trai đang học đại học của mình. Tranh thủ các ngày các cháu nghỉ học để truyền nghề một cách bài bản. Dù sao chỉ mong nghề không bị thất truyền”.

Bài, ảnh:  Tất Ðạt - Trần Luật

               (Hưng Hà, Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày