Thứ 5, 02/01/2025, 22:00[GMT+7]

Làng nghề làm đũa đước

Thứ 5, 02/05/2013 | 10:08:22
8,858 lượt xem
Nghề làm đũa đước ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển (Cà Mau) đang mở ra nhiều cơ hội thoát nghèo cho cư dân sinh sống trên lâm phần rừng ngập mặn của tỉnh này, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giảm áp lực xã hội đối với tài nguyên rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Mặc dù các loại đũa sản xuất từ vật liệu nhựa, hợp kim nhôm, tre, dừa ...đã được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng những đôi đũa làm bằng gỗ đước vẫn xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình ở Cà Mau và các vùng lân cận bởi sự bền đẹp của nó. Đây là nguyên nhân nghề truyền thống này không mất đi và đũa nhựa, đũa hợp kim nhôm, đũa tre, đũa dừa… không thể thay thế đũa đước.

 

Sản xuất đũa đước có lợi thế là đầu tư máy móc, thiết bị không quá lớn, phù hợp với khả năng kinh tế của hộ nghèo; sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, lợi nhuận khá; có nguồn nguyên liệu gỗ đước tại chỗ dồi dào. Mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất đũa đước xuất hiện tại nhiều địa phương có rừng ngập mặn đang tạo đà phát triển mạnh cho nghề truyền thống này trong thời gian tới.

 

Điển hình như HTX sản xuất đũa đước Đoàn Kết, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển với 20 xã viên, mỗi năm chỉ hoạt động khoảng 6 tháng, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 120.000 đôi đũa, doanh thu khoảng 120 triệu đồng và thu nhập bình quân của mỗi xã viên từ 100.000 đồng/ngày trở lên. Sản xuất đũa gồm các khâu chính như: đoạn khúc dài 27 cm, xẻ ván, xẻ thanh vuông, phơi nắng, chuốt tròn, đánh bóng và đóng gói.

 

 

Ông Hồ Văn Thành, xã viên HTX sản xuất đũa đước Đoàn Kết cho biết: Gia đình tôi có 4 lao động, sản xuất hơn 1.000 đôi đũa/ngày, trừ các khoản chi phí còn lãi trên 500.000 đồng. Gỗ đước được chọn làm đũa có độ tuổi từ 15 năm trở lên. Tùy vào khả năng kinh tế, từng hộ xã viên có thể đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất đũa đước từ 30 đến 50 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các HTX sản xuất đũa đước là thiếu nguyên liệu, mặc dù những hợp tác xã này nằm trong vùng nguyên liệu là lâm phần rừng đước. Ông Phan Quốc Toán, Chủ nhiệm HTX sản xuất đũa Đoàn Kết cho biết: Do nguyên liệu gỗ đước phụ thuộc vào các đơn vị quản lý lâm nghiệp và hàng năm khi khai thác họ chỉ bán tập trung, với số lượng lớn, không bán nhỏ lẻ.

 

Trong khi đó, HTX thiếu vốn, không thể mua dự trữ gỗ nguyên liệu phục vụ hoạt động cả năm mà khả năng chỉ mua gỗ dự trữ sản xuất đũa nhiều lắm là 6 tháng. Nhiều xã viên cho rằng, nếu giải quyết tốt vấn đề nguyên liệu sẽ giúp họ vươn lên làm giàu chính đáng từ nghề truyền thống làm đũa đước bằng công sức lao động của chính mình.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã vào cuộc cùng với hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển hỗ trợ các HTX sản xuất đũa đước giải quyết vấn đề về nguyên liệu, đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật với mục tiêu sản xuất ra sản phẩm đũa đẹp hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; giới thiệu sản phẩm đũa đước tại các điểm du lịch, hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá, xây dựng thương hiệu, hướng đến xuất khẩu, đưa đũa đước Cà Mau đi xa hơn nữa.

 

Cư dân sinh sống trên lâm phần rừng đước, nhất là những hộ gia đình đã làm đũa đước nhiều năm nay mong muốn ngành chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực để họ yên tâm gắn bó với nghề làm đũa đước, phát triển thành làng nghề truyền thống, góp phần phát triển du lịch sinh thái nơi vùng đất mũi Cà Mau. Đây còn là tín hiệu tốt lành trong việc nâng cao ý thức khôi phục, bảo vệ phát triển rừng của cư dân, tạo nguồn tài nguyên rừng dồi dào phong phú, bảo vệ môi trường sinh thái và thảm rừng đước Cà Mau mãi mãi một màu xanh ngút mắt nơi mảnh đất chót cùng của cực Nam Tổ quốc.

Nguồn Internet

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày