Thứ 2, 25/11/2024, 07:50[GMT+7]

Giữ lửa nghề rèn

Thứ 3, 20/12/2022 | 21:29:37
5,801 lượt xem
Những tiếng búa vẫn vang lên ở làng rèn truyền thống An Tiêm, xã Thụy Dân (Thái Thụy) mặc cho quá trình đô thị hóa và vòng xoáy cơ chế thị trường đang tác động không nhỏ đến “ngọn lửa” của làng nghề.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề rèn, tuổi thơ của ông Lê Văn Chen đã gắn liền với chiếc búa, cái đe và ánh lửa lò rèn. Hơn 50 năm qua, ông Chen ngày đêm miệt mài bên lò lửa, khói bụi để cho ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, trở thành một trong những “tay búa” kỳ cựu trong làng. Tiếng búa râm ran suốt tháng, quanh năm đã đi vào tiềm thức của ông và nhiều người cao tuổi ở làng rèn An Tiêm. Nhắc về thời kỳ hoàng kim của làng nghề, ông Chen không khỏi bồi hồi, tự hào chia sẻ: Trước kia cả làng đều làm nghề rèn, người dân sống chung với tiếng búa, kiếm tiền nhờ tiếng búa. Ngày nào lò rèn còn đỏ lửa thì ngày ấy sẽ có tiền trang trải cuộc sống. Nhiều gia đình trở nên khá giả, có “của ăn, của để” nhờ nghề này. Năm nay đã 60 tuổi nhưng mỗi ngày tôi vẫn có thể làm được 40 sản phẩm, cho thu nhập khoảng 500.000 đồng.

Theo ông Chen, những tay búa có thâm niên như ông giờ đây chẳng còn nhiều. Tuổi tác, sự cạnh tranh khiến nhiều người buông tay búa, tắt lửa lò rèn. Lớp thanh niên hiện nay cũng rất ít người chọn nghề rèn để gắn bó, lập nghiệp lâu dài. Độ tuổi trẻ nhất còn giữ được “lửa nghề” khoảng 40 tuổi. Ngay cả con cháu trong làng rèn, biết chút ít nghề nhưng cũng tìm chọn những công việc khác nhẹ nhàng hơn để mưu sinh. “Gia đình tôi có 3 người con cũng đều được đầu tư ăn học và làm việc tại các thành phố lớn, không theo nghiệp của gia đình” - ông Chen cho biết.

Chồng đánh búa, vợ ngồi mài dao từ lâu đã trở thành hình ảnh thân thuộc của làng nghề An Tiêm. Thế nhưng, các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều thì các hộ làm nghề cũng dần thưa thớt. Đối với chị Nguyễn Thị Quyên, thay vì lựa chọn như nhiều chị em trong làng, chị lại quyết định “đồng lòng” cùng chồng phát triển nghề rèn truyền thống. Chị chia sẻ: Đối với phụ nữ, không ai thích theo nghề rèn vì vất vả. Môi trường làm việc của nghề rèn không được sạch sẽ như trong các công ty, xí nghiệp, cả ngày người ướt đẫm mồ hôi vì lửa nóng, bụi than lấm lem. Phụ nữ làm nghề hầu hết đều mắc các bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đau lưng vì thời gian ngồi nhiều. Gia đình nào có chồng làm nghề rèn thì vợ sẽ ở nhà làm cùng để phụ giúp.


Không giống như gia đình chị Quyên cả vợ cả chồng cùng theo nghề, anh Lê Quý Đại, 40 tuổi lại một mình gắn bó với lò rèn từ thời niên thiếu. Chia sẻ về khó khăn trong suốt quá trình theo nghề, anh Đại cho biết: Từ nhỏ tới lớn tôi chưa làm công việc nào khác ngoài nghề rèn truyền thống của cha ông. Nghề rèn vốn là một nghề không khó để học nhưng rất vất vả, đòi hỏi sức khỏe và sự tỉ mỉ. Đối với tôi, việc giữ lửa làng nghề truyền thống không bị mai một vừa là trách nhiệm vừa là niềm tự hào.

Từng có quãng thời gian khó khăn khi phải cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường, anh Đại cũng phải dành nhiều thời gian đi học hỏi ở nhiều nơi, tự mình tích lũy kinh nghiệm để cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường. Năm 2013 anh mạnh dạn đầu tư 180 triệu đồng mở xưởng sản xuất tại nhà, sản phẩm chính là các loại dao. Nhờ có búa máy hiện đại nên quá trình sản xuất tiết kiệm nhân công, bảo đảm kỹ thuật. Mỗi tháng anh sản xuất 500 - 600 chiếc dao, cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Chia sẻ về mục tiêu phát triển trong thời gian tới, anh Đại mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các trang thông tin, mạng xã hội để nhiều người biết đến sản phẩm của làng rèn truyền thống An Tiêm.

Ông Phan Thanh Sông, Trưởng thôn An Tiêm cho biết: Hiện nay, làng rèn truyền thống An Tiêm có 22 hộ còn duy trì sản xuất, chủ yếu sản xuất bằng búa máy. Thời gian tới, chúng tôi mong cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn đến việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của quê hương; chú trọng công tác định hướng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ; có cơ chế phù hợp hỗ trợ các hộ làm nghề mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư máy móc nhằm giảm bớt sức lao động, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Có như vậy mới có thể giữ được nguồn nhân lực trẻ, tránh được nguy cơ thất truyền nghề truyền thống.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày