Những người dệt mùa xuân
Yêu hoa cũng phải có nghề
Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuyển đổi trồng hoa, cây cảnh rộng gần 6.000m2, anh Nguyễn Đức Thảo, xã Hồng Việt say sưa giới thiệu về các loài hoa, cây cảnh mà anh dày công chăm sóc, trong đó có nhiều loài hoa đẹp phục vụ thị trường tết như: hoa đồng tiền, hải đường, mộc hương... Gần 30 năm gắn bó với nghề, anh Thảo chẳng còn lạ “tính khí” của mỗi loài hoa. Đôi bàn tay khéo léo, thuần thục chăm sóc từng cây hoa giống như một nghệ sĩ biểu diễn giữa cánh đồng hoa khoe sắc tôi nghĩ anh rất yêu hoa và coi chúng như những “đứa con bé bỏng” của mình. Anh Thảo chia sẻ: Trồng hoa tết tưởng đơn giản nhưng thực chất khó và rất vất vả, muốn thành công phải chú trọng từ khâu chọn giống, cải tạo đất, diệt mầm bệnh, hàng ngày phải theo dõi, tưới nước, bón phân, lặt búp, tỉa cành... Việc gì cũng phải tỉ mỉ, nhưng quan trọng nhất là canh thời tiết để hãm hoặc kích hoa nở đúng vào các ngày lễ, ngày tết mới bán được giá cao. Với hoa hải đường phải đảo cây lên chậu đúng thời điểm, khi chuyển cho khách sẽ chơi được tươi và lâu hơn. Năm nay, anh Thảo sẽ cung cấp cho thị trường tết 3 vạn hoa đồng tiền, 1.000 cây hoa hải đường cùng hàng nghìn các loại hoa khác, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng.
Yêu hoa, chăm hoa, vườn hoa của anh Nguyễn Đức Thảo, xã Hồng Việt luôn đẹp nhất xã.
Yêu hoa cũng phải có nghề. Đó là đúc kết kinh nghiệm của những người trồng hoa lâu năm. Để có thể làm giàu từ nghề trồng hoa, các chủ vườn phải có kiến thức sâu rộng về trồng và chăm sóc các loại hoa. Kiến thức và kỹ thuật đó họ học trên sách báo, ti vi, internet từ thực tiễn ở các mô hình thành công và đúc rút từ chính những bài học đắt giá sau mỗi lần thất bại của chính mình.
Chị Ngô Thị Phương Lan, xã Hồng Việt trải lòng: Hoa cũng như người, “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, mình phải hiểu đặc tính của từng loài để “chiều” thì mới có kết quả. Những người trồng hoa, nếu nhìn sơ qua sẽ thấy họ rất đỗi bình thường. Nhưng ẩn sâu trong dáng vẻ bình thường ấy là một tâm hồn vô cùng sâu sắc và tinh tế. Gần họ, tôi mới nhận ra rằng, cây cối cũng có sinh mệnh, nếu mình yêu cây bằng sự hiểu biết thì sinh mệnh ấy sẽ phát triển tốt, cũng sẽ mang đến niềm vui cho mình.
Anh Nguyễn Trọng Động, xã Phú Lương - ông chủ của gần 1.000 gốc đào bích, đào phai, trong đó có gần 50% là đào rừng cho biết: Nếu dành tình yêu đặc biệt cho hoa thì sẽ dễ dàng hiểu được ý nghĩa, đặc tính riêng của hoa để trồng đúng cách, chăm đúng kiểu, cho ra sản phẩm như ý và còn để tư vấn cho khách mua hoa. Đó cũng là bí quyết thành công của anh Động trong suốt 20 năm trồng đào tết.
Chong đèn “nuôi” hoa
Trời vừa sập tối là ông Mai Trọng Kê, xã Phú Lương đã bật hệ thống bóng điện thắp sáng cả vườn hoa cúc nhà mình. Vụ tết năm nay, ông Kê trồng 2,5 vạn hoa cúc các loại cung cấp cho thị trường. Để có một vườn cúc đẹp nở đúng độ, bố con ông Kê thay nhau thức đêm cùng hoa.
Ông Kê cho biết: Không chỉ chọn giống hoa tốt, chất lượng cao còn phải thắp đèn vào ban đêm để bổ sung ánh sáng cho cây sau trồng liên tục 2 tháng nhằm kích thích cây sinh trưởng, phát triển và thắp cả giai đoạn cây đã ra nụ để hạn chế hoa nở sớm. Sau trồng phải che lưới, bón phân NPK, tưới nước đủ ẩm cho đến khi cây ra hoa, bấm tỉa ngọn và nụ phụ... Tất cả các kỹ thuật này ông Kê đã thuần thục nhiều năm nay, vì vậy vườn cúc nhà ông cứ gần tết lại đua nhau khoe sắc đón xuân, màu sắc rực rỡ, bông to, cây khỏe, dễ tiêu thụ. Hoa năm nay được mùa, được giá, tết này gia đình ông Kê thu được gần 100 triệu đồng.
Vườn cúc của ông Mai Trọng Kê, xã Phú Lương khoe sắc đón xuân sang.
Với 22 năm kinh nghiệm trồng hoa cúc, anh Trương Văn Chính, xã Minh Tân cho biết: Việc thức đêm để chăm hoa, canh ánh sáng cho hoa là chuyện bình thường với chúng tôi. Thời tiết ấm thắp điện ít, rét thì thắp điện dài ngày hơn. Chỉ cần sơ sểnh một chút là hoa sẽ phát triển sai lịch, đồng nghĩa với mùa hoa thất thu. Cùng với xử lý ánh sáng phải trồng hoa cúc đúng thời điểm, thường thì trồng cuối tháng 8 đầu tháng 9. Được chăm bẵm bởi đôi bàn tay khéo léo của vợ chồng anh Chính trên 2 vạn cây cúc pha lê, tuyết, ánh bạc, ánh vàng, ánh tím đang vào nụ rất đẹp, hứa hẹn một vụ cúc bội thu.
Bức tranh mùa xuân do những người trồng hoa “vẽ” rực rỡ hơn bởi muôn sắc hoa đua nở. Và đi đến đâu ta cũng nghe thấy hơi thở của mùa xuân rạo rực qua những lời ca thiết tha: “Mỗi mùa hoa một mùa quê hương/ Mỗi màu hoa một màu yêu thương... Xanh trong mắt em một mùa xuân ngát hương”.
Hiếu Nghĩa
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Tục thờ tổ nghề ở Thái Bình 01.01.2023 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng