Thứ 3, 23/04/2024, 19:39[GMT+7]

Làng nghề hồi sinh

Thứ 6, 10/02/2023 | 08:25:35
4,444 lượt xem
Đã có lúc làng nghề mây tre đan xã Phúc Thành (Vũ Thư) tưởng bị xóa sổ vì sản phẩm của làng nghề không còn chỗ đứng do những sản phẩm công nghiệp làm từ nhựa lấn át. Nhưng bằng tình yêu nghề của những người thợ, với giá trị bền vững của sản phẩm thủ công chất liệu tự nhiên, làng nghề vẫn tồn tại và dần tìm được chỗ đứng.

Nghề mây tre đan tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động trung, cao tuổi xã Phúc Thành.

Trở lại Phúc Thành sau hơn 15 năm thấy mọi thứ đã đổi khác nhiều. Con đường nhỏ lầy lội khi mưa xuống đã được thay bằng đường bê tông rộng, phẳng, xe ô tô chạy bon bon tới các thôn xóm. Những căn nhà cấp 4 cũng thưa dần nhường chỗ cho nhà mái bằng kiên cố, những căn biệt thự nhà vườn xinh xắn. Từng đó đủ cho thấy diện mạo nông thôn và đời sống của bà con nơi đây đã đổi mới đi lên.

Đưa chúng tôi đi thăm các hộ làm nghề mây tre đan, ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã khơi dậy sức mạnh đoàn kết của nhân dân tham gia đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, phát triển các mô hình kinh tế mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ mang lại hiệu quả thiết thực. Làng nghề cũng duy trì và từng bước phát triển sau thời gian dài trầm lắng góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Nói đến nghề đan lát ở Vũ Thư trước đây có hai làng nghề nổi tiếng là Nguyên Xá và Phúc Thành. Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phúc Thành chủ yếu là nông cụ và đồ gia dụng được đan từ tre như gầu tát nước, dậm đánh cá, giỏ, thúng, rổ, rá, nong, nia... Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Nghề đan tạo nguồn thu nhập chính cho hàng trăm gia đình. Thời hoàng kim, xã Phúc Thành có tới 400 - 500 hộ với hơn 1.000 lao động tham gia đan lát. 

Ông Lại Hoàng Đạt, thôn Phúc Trung Bắc cho biết: Trước đây, khi công nghiệp chưa về làng người dân chúng tôi sống dựa vào nông nghiệp là chính nên đủ ăn đã là quý. Nhà nào làm nghề mây tre đan thì có thêm thu nhập, cuộc sống khấm khá hơn vì có đồng ra đồng vào tiêu pha, vì thế nghề đan ngày càng phát triển. Cao điểm, cả thôn có hơn 200 hộ thì có tới 60% số hộ làm nghề. Từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết đan và đan giỏi, hàng hóa bán khắp nơi trong huyện và cả ở tỉnh ngoài.

Vào những năm 2000, sản phẩm công nghiệp sản xuất từ nhựa như rổ, rá, chậu... ra đời với giá rẻ, tiện lợi đã hấp dẫn người tiêu dùng. Đây cũng là lúc các sản phẩm mây tre đan bị thất sủng. Bà con làm ra khó tiêu thụ, nhiều hộ phải bỏ nghề khiến nghề đan lát ở Phúc Thành suy giảm nhanh chóng. Cùng thời điểm đó, công nghiệp tràn về nông thôn với các doanh nghiệp may mặc, cơ khí đã thu hút toàn bộ lực lượng lao động trẻ vì điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Làng nghề chỉ còn những người trung niên, cao tuổi yêu nghề cố gắng bám trụ.

Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Lợi cho biết thêm: Nhìn làng nghề truyền thống hàng trăm năm đi xuống, nhiều người không khỏi xót xa. Cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con, nhất là các nghệ nhân cao tuổi nỗ lực duy trì, tìm cách đổi mới sản phẩm để thích nghi, tồn tại với nhu cầu thị trường. Chúng tôi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho bà con làng nghề. Với chính sách đó, vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 đã có một số doanh nghiệp về địa phương liên kết, chuyển giao kỹ thuật đan lồ, sọt xuất khẩu cho bà con làng nghề. Đáng mừng là hiện nay nhu cầu sử dụng các đồ gia dụng làm từ mây tre đan đang có xu hướng tăng trở lại vì nó thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe. Đây là cơ hội cho nghề đan thủ công hồi sinh. Bên cạnh đan hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp, bà con còn phát triển lại nghề đan thúng, mẹt, sảo, rổ, rá, nong, nia theo hướng vừa hàng gia dụng vừa hàng mỹ nghệ nên cho thu nhập khá.

Làng nghề mây tre đan Phúc Thành đang trên đà phát triển. Hiện toàn xã có hơn 400 hộ dân làm nghề, tập trung chủ yếu ở hai thôn Phúc Trung Bắc và Phúc Trung Nam. Hàng năm, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã đạt xấp xỉ 140 tỷ đồng, trong đó làng nghề đóng góp khoảng 30%. Làng nghề góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người trung, cao tuổi, đưa thu nhập bình quân đầu người của xã lên 55 triệu đồng/người/năm, gấp gần 2 lần so với thời điểm địa phương bắt tay xây dựng nông thôn mới (năm 2011). Đời sống được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang đã và đang tạo động lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phúc Thành thi đua phấn đấu sớm đạt xã nông thôn mới nâng cao.

Nghề đan lát ở xã Phúc Thành (Vũ Thư) đang phát triển trở lại.


Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày