Chủ nhật, 24/11/2024, 23:27[GMT+7]

Làng nghề gốm Chu Đậu

Thứ 3, 21/05/2013 | 08:58:53
5,413 lượt xem
Gốm Chu Đậu xuất hiện từ cuối thế kỷ 14 và rất phồn thịnh ở thế kỷ 15 và 16, chuyên sản xuất các loại gốm men cao cấp với đỉnh cao mà nó đạt đến là “trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông”.

Hải Dương nằm ở trung tâm vùng trọng điểm phát triển kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là một tỉnh có nhiều làng nghề thủ công truyền thống đặc sắc, trong đó gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, Huyện Nam Sách đã nổi tiếng trên thế giới từ hơn 500 năm nay. Các sản phẩm gốm Chu Đậu đang được lưu giữ tại nhiều bảo tàng quốc gia trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Hà Lan… và trong sưu tập cá nhân của nhiều nước trên thế giới.

 

Gốm Chu Đậu xuất hiện từ cuối thế kỷ 14 và rất phồn thịnh ở thế kỷ 15 và 16, chuyên sản xuất các loại gốm men cao cấp với đỉnh cao mà nó đạt đến là “trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông”. Các sản phấm gốm của Chu Đậu gồm: bát, đĩa, ấm, chén, bình, âu, liễn, chậu, bình vôi, lư hương … với hình dáng được chắt lọc kế thừa sự thanh thoát của thời Lý, chắc khoẻ của thời Trần. Các loại men nổi tiếng một thời của Chu Đậu được biết đến là men trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh rêu, vàng nhạt, vàng đậm, men tam thái (được vẽ bằng ba màu men là xanh lục, đỏ và vàng).

 

Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn. Hoa văn cổ của Chu Đậu phần nhiều là sen, cúc, dưới nhiều dạng khác nhau và hàng chục loại hoa văn cách điệu khác. Người thợ gốm xưa đã thổi hồn dân tộc vào những nét hoa văn phong phú, phản ánh sinh động thiên nhiên vào cuộc sống dân dã: hình người đội nón, áo dài, mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa đào, đàn chim ngói, chim cu bay trên cánh đồng... Phương pháp chế tạo và kỹ thuật của Chu Đậu đã đạt trình độ cao: chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều đoạn rồi lắp ghép lại, gia công bằng cách đắp nối, vẽ, khắc, vạch, nặn, đúc.

 

Gốm Chu Đậu từng được xuất khẩu đi các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng Đông Nam Á từ thế kỷ 15. Phong cách gốm Chu Đậu đã đưa gốm sứ Việt Namon> lên đến đỉnh cao vinh quang của nghệ thuật mà nhiều nước trên thế giới đến nay vẫn còn khâm phục. Lọ gốm hoa lam cổ của Chu Đậu từng được bán đấu giá với giá trúng thầu lên tới 521.000 USD.

 

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, làng gốm Chu Đậu ngày nay đang được làm sống dậy bởi những đôi bàn tay tài hoa của nhiều thế hệ người thợ, từ thợ vuốt gốm bằng tay đến thợ vẽ hoa văn trên gốm…đang làm việc tại Xí nghiệp Gốm Chu Đậu. Định hướng của xí nghiệp là phục hồi toàn bộ những màu men cổ xưa của làng nghề Chu Đậu, đưa những mẫu gốm phỏng cổ ra thị trường thế giới vốn đã nổi tiếng với thương hiệu của gốm Chu Đậu. Các sản phẩm hiện đang sản xuất phổ biến tại Chu Đậu gồm có: các loại chậu hoa, bình hoa, quà tặng, tượng, bát đĩa mỹ nghệ... với số lượng hàng trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng đã được xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ... và được khách hàng trên thế giới đánh giá rất cao.

 

Gốm Chu Đậu là niềm tự hào của nghệ thuật gốm Việt Namon> và phong cách gốm Chu Đậu là một phong cách thuần nhất của gốm Việt Namon>.

Nguồn Internet

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày