Chủ nhật, 05/05/2024, 18:51[GMT+7]

Hiệu quả nuôi ong nội lấy mật

Thứ 3, 28/03/2023 | 08:49:00
5,733 lượt xem
Xã An Đồng (Quỳnh Phụ) có diện tích cây ăn quả lớn, đặc biệt là nhãn, vải với nguồn hoa phong phú, là môi trường lý tưởng để nuôi ong hút mật. Khai thác lợi thế này, ông Nguyễn Văn Đảm, thôn Bắc Dũng đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật, mang lại hiệu quả kinh tế khá.

50 thùng ong sau khi trừ chi phí ông Đảm thu lãi 50 triệu đồng/năm.

Đến với nghề nuôi ong lấy mật một cách tình cờ, ông Đảm đã làm quen rồi gắn bó với nghề này hơn 5 năm nay. Từ 1, 2 đàn đến ham nghề nuôi rồi tự mình học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay ông đã sở hữu 50 đàn ong nội. Ông chia sẻ: “Vạn sự khởi đầu nan” - đến với nghề nuôi ong tôi mới thấm thía ý nghĩa của câu nói này. Không biết bao nhiêu lần bị ong đốt, ong chết, ong bỏ đàn đi... tưởng chừng phải bỏ nghề; nhưng cũng bởi đam mê và ham nghề, sau mỗi lần thất bại tôi lại tự mày mò tìm hiểu qua sách, báo về kỹ thuật nuôi... Khi đã hiểu về con ong thì nuôi ong lấy mật rất dễ; không cần nhiều vốn; diện tích nuôi không cần quá lớn, có thể tận dụng diện tích vườn xung quanh nhà, sắp xếp thùng xung quanh đúng hướng cho ong đi lấy thức ăn. Trong quá trình chăm sóc, người nuôi phải nắm rõ đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa, bổ sung thức ăn cho ong là hoa quả, nước đường... Người nuôi cũng cần  kiểm tra, vệ sinh từng thùng ong hàng ngày để theo dõi tình trạng ong, đặc biệt là ong chúa, nếu ong chết hay đẻ kém thì phải thay ong chúa khác bởi ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong và những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho lượng mật nhiều. Nếu đáp ứng đầy đủ quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi sẽ giúp đàn ong sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, tăng sản lượng và chất lượng mật ong.

Theo ông Đảm, ong nội nuôi khó hơn ong ngoại bởi tập tính chia đàn. Trước mùa mật, mật độ ong đông, ong chúa đẻ mạnh, cầu con nhiều, ong sống trong thùng quá chật chội sẽ khiến đàn ong chia đàn tự nhiên. Những con ong trẻ, khỏe sẽ bay đi lập đàn mới làm giảm năng suất mật, do đó cần có biện pháp xử lý để hạn chế ảnh hưởng đến năng suất.

Trước mùa mật, ông Đảm thường xuyên kiểm tra cầu ong để phát hiện, cắt bỏ mũ chúa dưới góc bánh tổ khi mới hình thành. Mỗi thùng (một đàn ong) ông để 5 cầu ong, đến mùa mật ông bổ sung một cầu để đựng mật. Mùa mật bắt đầu từ giữa tháng 2 đến tháng 4 (âm lịch). Vào mùa mật, mỗi tuần ông quay mật một lần, thu gần 2 lít mật/thùng. Với giá bán 200.000 đồng/lít, mỗi tuần ông thu khoảng 20 triệu đồng. Năm 2022, thời tiết thuận lợi ông thu gần 400 lít mật, trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng. Ngoài bán mật, ông còn tự nhân giống, bán ong giống với số lượng khoảng 100 đàn/năm. Tuy nhiên, theo ông Đảm, không phải ai cũng giữ được đàn, khai thác được nhiều mật nếu không hiểu tập quán chia đàn tự nhiên của ong.

Hơn 5 năm gắn bó với nghề nuôi ong, ông Đảm đã tự trang bị cho mình vốn kiến thức về loài vật hữu ích này và khai thác chúng có hiệu quả. Ông nói vui đây là nghề “làm giả ăn thật” bởi nuôi ong không phải đầu tư nhiều, không tốn công chăm sóc, chủ yếu nuôi theo kiểu tận dụng nhưng mang lại thu nhập khá. Không chỉ nhân rộng đàn ong, bán ong giống và mật ong thương phẩm trong tỉnh, ông đang tiếp tục nỗ lực đưa sản phẩm của mình tiếp cận các thị trường ngoài tỉnh.

Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng cho biết: Toàn xã hiện có gần 20ha trồng nhãn, vải với nguồn hoa phong phú, là môi trường lý tưởng để nuôi các loại ong hút mật. Vốn đầu tư cho nuôi ong không lớn, chủ yếu mất vốn ban đầu để đóng thùng, mua đàn gốc, do đó mô hình nuôi ong của ông Đảm đang được khuyến khích và nhiều nơi đến học hỏi kinh nghiệm, hướng tới một nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị. Với mong muốn xây dựng thương hiệu mật ong, Hội Nông dân xã tiếp tục khuyến khích hội viên học tập, nhân rộng mô hình nuôi ong đồng thời hỗ trợ hội viên tiếp cận các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày