Thứ 5, 02/01/2025, 20:05[GMT+7]

Đưa sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu

Thứ 7, 01/04/2023 | 08:58:48
4,382 lượt xem
Gần 15 năm gắn bó với nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chị Phạm Thị Tiền, thôn Vị Giang, xã Chí Hòa (Hưng Hà) không chỉ tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương mà còn góp phần đưa các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu.

Chị Phạm Thị Tiền thường xuyên kiểm tra các mẫu mã để bảo đảm đúng kích thước, thiết kế của khách hàng.

Trong thời gian sinh sống và làm việc tại Đài Loan, bằng sự nhạy bén trong kinh doanh và vốn kiến thức về đồ thờ, chị Phạm Thị Tiền đã nhìn ra cơ hội để xuất khẩu sản phẩm mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường này. Trở về Việt Nam vào năm 2010, chị Tiền cùng chồng quyết định mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ để chủ động nguồn hàng xuất khẩu. Ban đầu chị mở xưởng tại huyện Quỳnh Phụ, tuy nhiên nguồn vốn ít, thợ lành nghề khan hiếm, thị trường xuất khẩu bấp bênh nên có lúc tưởng như không trụ được với nghề. Song, qua tìm hiểu, xã Chí Hòa thời điểm đó là nơi tập trung buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, chị Tiền đã mạnh dạn thuê đất mở xưởng để phát triển nghề.

Thăm xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của chị Tiền chúng tôi thấy được không khí lao động hăng say của hàng chục lao động cặm cụi, chau chuốt tỉ mỉ đường nét tinh tế cho từng sản phẩm như: hoành phi, câu đối, đèn lồng, tranh phù điêu trần nhà, cửa võng, tượng thờ... 

Anh Nguyễn Thế Hùng, xã Chí Hòa đã gắn bó với xưởng sản xuất của chị Tiền hơn 10 năm nay chia sẻ: Đối với những sản phẩm này, việc đầu tiên là phải chọn phôi gỗ đẹp, không bị sâu mọt; đồng thời, phải có bàn tay khéo léo và “gu” thẩm mỹ tốt. Trong quá trình sáng tạo sản phẩm, chúng tôi phải tập trung cao độ vào từng đường nét chạm đục, kênh bong; bám sát tuyệt đối bản thiết kế đã được in sẵn trên nền gỗ thì mới tạo lên được những sản phẩm tinh xảo, có hồn. Vì thế, không phải ai cũng gắn bó với nghề này được, nhiều khi đó là cái duyên.

Ngay từ khi thành lập, xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ chị Tiền đã chọn hướng đi riêng biệt đó là tập trung vào sản xuất các sản phẩm đồ thờ để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Lúc đầu xưởng của chị chủ yếu sản xuất những sản phẩm phục vụ cho các công trình thờ tự quy mô nhỏ, đến nay đã chế tác thành công hàng trăm sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ công trình đền, chùa lớn tại Đài Loan, tạo được thương hiệu cho riêng mình. 

Chị Phạm Thị Tiền cho biết: Khách hàng chỉ cần gửi thông số công trình và yêu cầu thiết kế, chúng tôi sẽ chế tạo sản phẩm theo yêu cầu, đóng container chuyển sang Đài Loan, sau đó mới lắp ghép, phối màu, sơn phủ. Làm như vậy, giá trị sản phẩm cao hơn rất nhiều, có những đơn hàng tôi nhận có trị giá vài chục tỷ đồng.

Dù có máy móc nhưng các công đoạn thực hiện vẫn chủ yếu nhờ bàn tay khéo léo của người thợ.

Việc chế tác công trình tâm linh đã khó nhưng chế tác được những công trình tâm linh cho khách hàng Đài Loan còn khó hơn gấp nhiều lần. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chị đã đầu tư thêm máy bào, máy cuốn, máy xẻ, máy định hình, tuy nhiên việc đục đẽo thủ công vẫn không có máy móc nào thay thế được. Chị Tiền cho biết thêm: Đài Loan là thị trường “khó tính”, yêu cầu khắt khe đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từng chi tiết nhỏ trong các công trình tâm linh phải được đục chạm hoàn toàn thủ công, đường nét chau chuốt, mài dũa tỉ mỉ; từ chim muông, rồng phượng đến những loài hoa cỏ cũng phải được chạm khắc mềm mại và sống động. Sau một thời gian, chúng tôi đã khẳng định được chất lượng sản phẩm, vì thế khách hàng tìm đến chúng tôi ngày một nhiều.

Trung bình mỗi năm, xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của chị Tiền xuất khẩu từ 7 - 10 container thành phẩm, giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động địa phương với thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Đinh Thị The, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà cho biết: Chị Phạm Thị Tiền là phụ nữ duy nhất trong huyện đã mạnh dạn tìm hướng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Không những thế, chị còn là hội viên nhiệt tình, năng nổ, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của cấp trên phát động và giúp đỡ các gia đình chị em có hoàn cảnh khó khăn. Những thành quả đạt được trong lao động, sản xuất của chị Tiền xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của người phụ nữ trong thời kỳ mới.

Hiện nay, xưởng sản xuất của chị Phạm Thị Tiền đang tạo việc làm cho trên 20 lao động. 

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày