Thứ 3, 30/04/2024, 22:53[GMT+7]

Trăn trở xây dựng thương hiệu cốm Thanh Hương

Thứ 6, 21/04/2023 | 09:59:34
3,114 lượt xem
Mỗi năm, làng nghề truyền thống Thanh Hương (xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư) cung cấp ra thị trường trong nước 2.000 - 3.000 tấn cốm với chất lượng sản phẩm được đánh giá sánh ngang cốm làng Vòng (Hà Nội). Thế nhưng, đến nay, hầu hết người tiêu dùng không biết đến đặc sản cốm Thanh Hương. Xây dựng thương hiệu riêng cho hạt cốm của làng là ước mơ, trăn trở của người dân nơi đây.

Làng nghề sản xuất cốm truyền thống Thanh Hương có hơn 100 năm tuổi.

Phải “núp bóng” thương hiệu khác

Mỗi ngày, gia đình ông Hoàng Đình Nhẫn, thôn Thanh Hương 1, xã Đồng Thanh sản xuất và thu mua 5 - 6 tạ cốm. Mỗi mẻ cốm làm xong, được gia đình ông Nhẫn đóng thành bao tải từ 50 - 60kg/bao, không có nhãn mác, bao bì, cung cấp cho các đại lý, cơ sở sản xuất cốm, bánh cốm nổi tiếng ở tỉnh ngoài với giá thành rất thấp. 

Ông Nhẫn buồn rầu chia sẻ: Về chất lượng, cốm Thanh Hương không hề thua kém cốm của các vùng nổi tiếng như cốm làng Vòng, cốm Tú Lệ nhưng do không có thương hiệu nên cốm của chúng tôi bị cạnh tranh, ép giá gay gắt. Chất lượng ngang nhau nhưng giá bán của cốm Tú Lệ đắt gấp 3 - 4 lần, cốm làng Vòng đắt gấp 8 - 10 lần so với cốm Thanh Hương.

Không xây dựng được thương hiệu còn khiến làng nghề Thanh Hương gặp khó khăn, thậm chí phải “mượn danh”, “núp bóng” các thương hiệu cốm nổi tiếng khác để tiêu thụ sản phẩm. 

Anh Lưu Đức Bình, thôn Thanh Hương 3, xã Đồng Thanh chia sẻ: Thực tế từ trước đến nay, chúng tôi chỉ quan tâm đến việc làm sao sản xuất ra chất lượng cốm ngon nhất, sản lượng cốm nhiều nhất, chứ chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhưng hiện nay, vai trò của thương hiệu đối với sản phẩm rất lớn. Vì không có thương hiệu nên khi nói cốm Thanh Hương thì khách hàng lại chưa đủ tin tưởng, không mua, không chuộng, hoặc ép giá sản phẩm, chính vì thế một số hộ làm cốm ở Thanh Hương phải “mượn danh” các thương hiệu cốm nổi tiếng khác mới tiêu thụ được sản phẩm. Rõ ràng hạt cốm do chính tay mình làm ra mà cứ phải nói là cốm nơi này, nơi khác để tiêu thụ, chúng tôi rất xót xa.

Bị ép giá, giảm giá trị, khó tiêu thụ sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, hiệu quả sản xuất của nghề và phát triển làng nghề theo hướng bền vững là những tác động lớn mà làng nghề sản xuất cốm ở Thanh Hương gặp phải khi không xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường.

Xây dựng thương hiệu sẽ giúp cốm Thanh Hương (xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư) nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trăn trở xây dựng thương hiệu

“Xây dựng được thương hiệu cho hạt cốm của làng nổi tiếng như cốm làng Vòng, cốm Tú Lệ là khao khát, ước mơ không chỉ của riêng tôi mà của người làm cốm Thanh Hương từ nhiều năm nay. Tôi luôn mong chờ một ngày gần đây, cốm Thanh Hương sẽ có một thương hiệu chính thức để chúng tôi có thể tự tin giới thiệu với khách hàng trong cả nước về đặc sản của làng nghề truyền thống hơn 100 năm tuổi của quê mình” - chị Lương Thị Phương, thôn Thanh Hương 2, xã Đồng Thanh chia sẻ.

Anh Lưu Đức Bình cho biết thêm: Khi thương hiệu đủ mạnh, chúng tôi sẽ không cần phải “mượn danh” các thương hiệu cốm khác hoặc qua khâu trung gian để tiêu thụ sản phẩm, mà có thể bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng, như vậy giá trị hạt cốm sẽ được nâng lên, tiêu thụ thuận lợi hơn, thu nhập của người lao động và cơ sở sản xuất cốm gia truyền cũng được nâng lên.

Mặc dù hiểu ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu và có mong muốn xây dựng thương hiệu cho hạt cốm của làng nhưng những năm qua, người làng nghề Thanh Hương vẫn phát triển sản xuất cốm theo hướng tự phát, “mạnh ai người ấy làm” và chưa thực sự quyết liệt trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cốm của làng. Thậm chí, một số người có tư duy “mượn danh” cũng được, miễn là tiêu thụ được sản phẩm. Những hộ có mong muốn thì không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào để xây dựng thương hiệu cho cốm quê hương.

Gia đình ông Hoàng Đình Nhẫn hiện là hộ duy nhất của xã mạnh dạn đăng ký và thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn để đưa cốm truyền thống của gia đình trở thành sản phẩm OCOP. “Đây cũng là một cách hiệu quả để chúng tôi quảng bá hình ảnh, từng bước xây dựng thương hiệu cốm Thanh Hương trên thị trường” - ông Nhẫn cho biết.

Gia đình ông Hoàng Đình Nhẫn, thôn Thanh Hương 1 (xã Đồng Thanh) đăng ký tham gia chương trình OCOP nhằm từng bước xây dựng thương hiệu cho cốm Thanh Hương.

Làng nghề sản xuất cốm Thanh Hương, xã Đồng Thanh có từ hơn 100 năm trước. Hiện xã có hơn 40 hộ sản xuất, kinh doanh cốm, cung cấp ra thị trường từ 2.000 - 3.000 tấn cốm mỗi năm. Sản lượng lớn, tuy nhiên do phát triển sản xuất theo hướng tự phát, chưa chú trọng quảng bá hình ảnh nên đặc sản cốm Thanh Hương chưa xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường, gây khó khăn, thiệt thòi cho người sản xuất. 

Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch UBND xã Đồng Thanh cho biết, để xây dựng được thương hiệu cốm Thanh Hương, xã có chủ trương tập hợp, liên kết các hộ làm cốm tại địa phương để thảo luận, bàn bạc, tìm các giải pháp hiệu quả để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm cốm đặc sản của làng nghề. Xã cũng sẽ khảo sát, vận động các cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, hiện đại hóa quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của cốm Thanh Hương trên thị trường. Đặc biệt, vận động các hộ ghi tên thương hiệu làng nghề trên các bao bì sản phẩm trước khi xuất ra thị trường. Xã khuyến khích, hỗ trợ các hộ tham gia chương trình OCOP, thông qua đó sẽ khẳng định chất lượng, quảng bá hình ảnh sản phẩm cốm của địa phương.  

Xây dựng được thương hiệu sẽ giúp cốm Thanh Hương nâng cao giá trị, mở rộng được thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cốm, đồng thời phát triển làng nghề truyền thống theo hướng bền vững.

Quỳnh Lưu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày