Thứ 4, 01/05/2024, 02:05[GMT+7]

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn từ nghề may

Thứ 6, 05/05/2023 | 08:38:50
6,622 lượt xem
Với khát vọng vươn lên làm giàu cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, vợ chồng chị Đào Thị Trà Giang, xã Liên Hoa (Đông Hưng) quyết định khởi nghiệp từ nghề may gia công, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương.

Chị Giang (người thứ ba từ phải sang) kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Trước khi thành công với nghề may gia công, vợ chồng chị Giang từng làm công nhân của một công ty lớn với thu nhập ổn định. Song, do phải đi làm cả ngày nên anh chị không có thời gian chăm sóc con nhỏ. Vì vậy, năm 2019 vợ chồng chị quyết định nghỉ việc ở công ty để mở xưởng may gia công tại nhà. 

Chị Giang chia sẻ: Còn trẻ, vốn liếng lúc đó chỉ có 30 triệu đồng, đưa ra quyết định nghỉ việc ở công ty để khởi nghiệp là rất khó khăn. Ban đầu vợ chồng tôi nhận gia công gấu bông, song mới được một thời gian thì dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở chuyển sang may khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế. Giữa năm 2020 cơ sở quay trở lại may gia công gấu bông và túi đựng gấu bông. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động sản xuất, kinh doanh không như mong muốn. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, một mặt chị sắp xếp lại việc sản xuất, mặt khác nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng gia công mới. Khi cơ sở may đi vào hoạt động ổn định, vợ chồng chị quyết định nâng cấp máy móc và mở rộng sản xuất.

Chị Giang chia sẻ thêm: Ban đầu cơ sở chỉ có trên 10 máy may, ngoài vợ chồng tôi còn một số các bà, các mẹ trong thôn, trong xã đến làm. Nhận thấy công việc cũng nhẹ nhàng, thời gian không gò bó như làm trong doanh nghiệp nên nhiều chị em đến xin làm, vợ chồng tôi quyết định mở rộng cơ sở. Cũng may là thời điểm này cơ sở được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng, cùng với tiền tiết kiệm vợ chồng tôi đầu tư mua 30 máy may công nghiệp mới thay thế máy cũ và mở rộng xưởng, thuê thêm lao động.

Đến nay, cơ sở may của gia đình chị Giang tạo việc làm cho 30 lao động, chủ yếu là phụ nữ trung tuổi, phụ nữ có con nhỏ. Nhiều chị em đến xưởng chưa biết may đã được anh chị tận tình dạy nghề, chỉ sau vài ngày là các chị có thể may hoàn chỉnh sản phẩm. Không chỉ tạo việc làm tại cơ sở, chị Giang còn cho trên 20 lao động vệ tinh trên địa bàn xã Liên Hoa và các xã lân cận lấy nguyên liệu về nhà làm, người nào có điều kiện thì tự mua máy về may, người nào không có điều kiện thì anh chị hỗ trợ máy may để làm. Làm việc tại cơ sở của chị Giang, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Mà công tính theo sản phẩm nên nhiều chị em tranh thủ làm thêm ngoài giờ hoặc mang hàng về nhà làm nên trung bình mỗi lao động được trả từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. 

Chị Bùi Thị Thùy, xã Liên Hoa cho biết: Trước đây tôi đi làm ở công ty, khi nhà chị Giang mở cơ sở may, tôi về làm đến nay đã được 3 năm, thu nhập mỗi tháng khoảng 6 - 7 triệu đồng. Công việc đều, không vất vả, chủ cơ sở và người lao động hài hòa, đoàn kết nên tôi sẽ gắn bó lâu dài ở đây, cố gắng làm tốt công việc, mong cơ sở có nhiều nguồn hàng cho chúng tôi làm.

Với nỗ lực không mệt mỏi, hơn 3 năm qua cơ sở của vợ chồng chị Giang hoạt động ổn định, đơn hàng ngày một nhiều lên. Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất trên 100.000 sản phẩm, doanh thu đạt 400 - 500 triệu đồng. Phần lớn lãi có được vợ chồng chị tái đầu tư vào việc mua máy móc, làm nhà xưởng và thành lập công ty bởi anh chị mong muốn có cơ hội phát triển nghề may ở địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động cũng như bảo đảm mọi quyền lợi cho người lao động.

Chị Đỗ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liên Hoa cho biết: Thời gian qua, Hội tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo bằng nhiều hình thức như: tín chấp với ngân hàng cho vay vốn; vận động chị em giúp nhau về giống, vốn; phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm... Nhiều chị em đã tận dụng được nguồn vốn vay và kiến thức được tập huấn không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho các chị em khác, điển hình là chị Giang. Thời gian tới, Hội sẽ tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình phát triển kinh tế này, tiếp tục đồng hành để mở rộng nhà xưởng như kế hoạch của vợ chồng chị Giang.   

Cơ sở may của chị Đào Thị Trà Giang hiện đang giải quyết việc làm cho trên 50 lao động tại chỗ và vệ tinh.

Thu Hiền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày