Thứ 3, 30/04/2024, 15:52[GMT+7]

Bách Thuận gắn sao cho cây cảnh

Thứ 4, 17/05/2023 | 10:54:53
2,656 lượt xem
Cây cảnh xã Bách Thuận là 1 trong 6 sản phẩm của huyện Vũ Thư được công nhận đạt OCOP 3 sao trong năm 2022. Nhận thấy lợi ích của việc gắn sao cho cây cảnh là cách để tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương, vừa giúp tăng giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo tồn làng vườn sinh thái, người dân xã Bách Thuận đang tập trung nâng cao chất lượng cây cảnh, phát triển các nhà vườn theo hướng nhà vườn sinh vật cảnh.

Ông Nguyễn Như Tuấn, thôn Toàn Thắng xã Bách Thuận đang chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh

Gia đình ông Nguyễn Như Tuấn, thôn Toàn Thắng có tổng diện tích trên 7.200m2, được quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà ở, sân, vườn, ao cá... sạch đẹp, tương tự khuôn viên của một gia đình nông thôn ở vùng quê Bách Thuận xưa. Điểm khác là, toàn bộ cây cảnh như sanh, mộc, nhài, mẫu đơn... được trồng hay trưng bày ở sân, vườn đều là những cây có dáng, thế đẹp, có giá trị kinh tế từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi cây. Năm 2019 và năm 2020, nhà vườn của gia đình ông được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu trong cả nước.

Ông Tuấn cho biết: Bách Thuận lâu nay được mọi người biết đến là làng cây cảnh, mình là người dân trong xã nên cũng cần có trách nhiệm xây dựng thương hiệu cây cảnh của Bách Thuận. Khi đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao rồi thì phải duy trì thương hiệu ngày càng tốt hơn. Chính vì vậy, gia đình xây dựng nhà vườn sinh vật cảnh, trước hết là muốn bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp cảnh quan làng quê truyền thống, duy trì thương hiệu cây cảnh Bách Thuận là sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình còn có thu nhập 1 - 2 tỷ đồng từ sản xuất, kinh doanh cây cảnh.

Nhà vườn của gia đình ông Nguyễn Như Tuấn.

Làng vườn Bách Thuận đến nay đã có gần 250 năm tuổi đời với 120ha chuyên canh hoa cây cảnh. Hầu như mỗi gia đình đều sở hữu một vườn cây rộng từ 0,5ha đến 1ha, với các loài cây ăn quả xen lẫn với cây cảnh, cây thế được chăm sóc, uốn tỉa công phu. Giá trị sản xuất bình quân đạt gần 400 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 0,5 tỷ đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Với tổng diện tích 20.000m2, gia đình anh Phạm Bá Anh, thôn Chiến Thắng có khuôn viên tổng thể gồm nhà, sân trưng bày cây cảnh, ao nuôi cá koi, còn lại là vườn cây trồng hoa, cây cảnh. Nhà vườn cây cảnh tạo không gian sinh hoạt thoáng đãng, xanh mát cho gia đình và đặc biệt, tạo sân chơi, thu hút người yêu cây khắp nơi đến giao lưu, chiêm ngưỡng, từ đó thuận lợi trong buôn bán, nâng cao giá trị cây cảnh hàng hóa của gia đình. Nhà vườn của anh Anh cũng là 1 trong 6 nhà vườn ở Bách Thuận được công nhận nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu cấp quốc gia. 

Anh Phạm Bá Anh chia sẻ: Nhận thấy cây cảnh đẹp, có tiềm năng, giá trị kinh tế anh đầu tư, vừa để trưng bày, chơi cây ở sân vườn nhà, vừa kết hợp tiếp tục chăm sóc, uốn tỉa để ngày càng nâng cao giá trị và thương hiệu cây cảnh là sản phẩm OCOP 3 sao.

Một góc nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu của gia đình ông Phạm Bá Anh.

Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: Cùng với chăn nuôi thì trồng, kinh doanh cây cảnh là nguồn thu chủ yếu của người dân địa phương. Tùy quy mô và đầu tư khác nhau, mỗi hộ nhà vườn sinh vật cảnh ở địa phương có thu nhập từ một vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Với lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển hoa, cây cảnh, xã Bách Thuận đã xác định một số sản phẩm hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực được khuyến khích đầu tư phát triển như: cây bonsai, các loại cây công trình. Việc phát triển nhà vườn sinh vật cảnh mang gắn với xây dựng thương hiệu OCOP cho cây cảnh mang lợi ích kép vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo tồn, lưu giữ nét đẹp cảnh quan truyền thống của làng vườn Bách Thuận. Địa phương tiếp tục khuyến khích, nhân rộng mô hình nhà vườn sinh vật cảnh, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Bách Thuận sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiên Dung 

(Đài TTTH Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày