Thứ 2, 06/05/2024, 12:03[GMT+7]

Phong trào thi đua phát triển nghề, xây dựng làng nghề ở Thái Xuyên

Thứ 6, 07/06/2013 | 08:40:56
1,734 lượt xem
Với phương châm tận dụng tối đa lợi thế của địa phương về lao động, vốn, nguyên liệu, mặt bằng để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân, Thái Xuyên luôn là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển nghề, xây dựng làng nghề của tỉnh.

Lớp dạy nghề mây tre đan ở Thái Xuyên thu hút đông đảo người dân tham gia.

Thái Xuyên là xã nội đồng nằm phía nam huyện Thái Thụy, cách trung tâm huyện 10 km. Toàn xã có 1.358 hộ, 4.650 nhân khẩu được chia làm 4 thôn. Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Thái Xuyên chọn cho mình hướng phát triển nghề và làng nghề phát động cán bộ, nhân dân  đẩy mạnh triển khai nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Với phương châm tận dụng tối đa lợi thế của địa phương về lao động, vốn, nguyên liệu, mặt bằng để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân, Thái Xuyên luôn là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển nghề, xây dựng làng nghề của tỉnh.

 

Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Cường, Thái Xuyên phát triển đa dạng các ngành nghề, trong đó phát triển nhất là nghề mây tre đan xuất khẩu. Trong những năm qua Thái Xuyên đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề cho 3/4 thôn trong xã. Năm 2012, nghề và làng nghề tiếp tục phát triển đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản ở Thái Xuyên đạt 25 tỷ 700 triệu đồng, đạt 98,5% so với kế hoạch, tăng 12,24% so với năm trước, thu hút được 1.200 lao động trong độ tuổi. Giá trị hoạt động thương mại, dịch vụ đạt trên 36 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011.

 

Tận dụng lợi thế phát triển nghề và làng nghề như có nguồn nguyên liệu tại chỗ, có lao động dồi dào, có doanh nghiệp mây tre đan xuất khẩu Thanh Bình đóng trên địa bàn, nghề mây tre đan dễ học, dễ làm, phù hợp với nông dân và nhiều lứa tuổi bởi không yêu cầu kỹ thuật quá cao, có thể tranh thủ làm lúc nông nhàn, làm tại nhà... nên thu hút đông đảo lao động tham gia. Hiện trong xã đã hình thành 15 cơ sở, tổ sản xuất mây tre đan, móc sợi, giải quyết việc làm cho 800 lao động, thu nhập bình quân từ 1,2 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng/người/tháng. Riêng doanh nghiệp mây tre đan xuất khẩu Thanh Bình thu hút 50 lao động tại chỗ và 20.000 lao động vệ tinh, doanh thu từ 20 đến 25 tỷ đồng/năm.

 

Từ năm 2012, do đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng cao, vì thế ngành nghề chế biến nông sản, thực phẩm ở Thái Xuyên phát triển mạnh. Nhiều hộ phát huy nghề xay xát gạo, nghiền thức ăn gia súc, nấu rượu, làm đậu phụ, giết mổ phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân trong vùng, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

 

Ở Thái Xuyên, nghề chế biến gỗ cũng khá phát triển, trong đó có cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, hiện giải quyết việc làm cho từ 45 đến 50 lao động. Phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở trong xã, trong vùng, 14 tổ xây dựng trên địa bàn xã Thái Xuyên năm qua đã thu hút hơn 200 lao động tham gia, thu nhập bình quân đạt từ 3,4 triệu đến 3,6 triệu đồng/người/tháng. Với lợi thế địa bàn có bến xe khách, có chợ Lục là trung tâm thương mại dịch vụ buôn bán trong vùng, nghề vận tải hành khách và hàng hóa ở Thái Xuyên khá phát triển. Ngoài Công ty xe khách Tuấn Linh, Thái Xuyên còn có 15 hộ có xe chở khách và vận chuyển hàng hóa, thu hút 75 lao động có việc làm thường xuyên.

 

Ngoài ra trên địa bàn xã Thái Xuyên còn có các nghề khác như sửa chữa xe máy, xe đạp, gò hàn, sửa chữa đồ điện tử, trồng cây cảnh... Để tạo điều kiện cho ngành nghề phát triển, duy trì bền vững, trong năm, Thái Xuyên đã tổ chức hai lớp dạy nghề mây tre đan, móc sợi, một lớp tập huấn bảo quản nguyên liệu sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp cho các tổ nhóm và doanh nghiệp mây tre đan, thu hút hàng trăm học viên theo học. Những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân xã Thái Xuyên trong thi đua phát triển nghề và làng nghề được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.

 

Năm 2012, Thái Xuyên vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen “Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua phát triển nghề và làng nghề”. Tìm hiểu về kinh nghiệm trong thi đua phát triển nghề và làng nghề, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết, ngay từ đầu năm Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề. UBND xã xây dựng kế hoạch, chương trình công tác với các nhiệm vụ cụ thể, sát với thực tế trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời tổ chức ký kết, phát động  sâu rộng phong trào thi đua đến toàn thể hội viên, đoàn viên, nhân dân trong xã. UBND xã cũng tạo mọi điều kiện về hành lang pháp lý, mặt bằng mở rộng cơ sở sản xuất, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa nghề mới về địa phương, đồng thời phối hợp với Phòng Công Thương, Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh mở các lớp dạy nghề tại địa phương, tạo điều kiện cho các hộ gia đình được vay vốn sản xuất. Xã cũng tích cực kêu gọi, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã. Đồng thời bố trí cán bộ thường xuyên quan tâm, tổ chức xuống thôn, đơn vị kiểm tra tình hình thực tế, nắm rõ khó khăn, phối hợp tháo gỡ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển .

Bài, ảnh: Hà Dung

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày