Thứ 2, 06/05/2024, 11:06[GMT+7]

Nam Hà Điểm sáng làng nghề

Thứ 5, 20/06/2013 | 10:07:49
1,766 lượt xem
Những năm gần đây, trong các kỳ báo cáo về kết quả sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Phòng Công Thương huyện Tiền Hải không thể không điểm đến xã Nam Hà. Bởi nghề thủ công truyền thống nơi đây không những phát triển ổn định mà địa phương còn tuyên truyền, vận động tiếp thu thêm nhiều ngành nghề mới phù hợp, hiệu quả để tạo việc làm, thu nhập cho nhân dân.

Phụ nữ xã Nam Hà (Tiền Hải) với nghề làm nón lá truyền thống. Ảnh: Thành Tâm

Không có tài liệu chính xác cho biết nghề khâu nón lá về với mảnh đất Nam Hà tự bao giờ. Có người bảo xuất hiện từ 300 – 400 năm trước, người lại cho rằng du nhập từ khi Nguyễn Công Trứ về mở đất, lập nên huyện Tiền Hải (năm 1828). Với người dân nơi đây, nghề làm nón lá đã trở thành nghề truyền thống, trải qua nhiều thăng trầm trên đất Nam Hà trong cơ chế thị trường. Ở bất kỳ thời nào, bên cạnh giá trị sử dụng che nắng, che mưa, nón lá còn là điểm nhấn văn hóa của người Việt Namon> với bạn bè quốc tế. Nón lá luôn gắn bó với người lao động, nhất là nông dân vì vậy nghề làm nón ở Nam Hà và các địa phương khác vẫn trường tồn, phát triển. Nam Hà có 4 thôn với 2.000 hộ dân và hơn 7.000 nhân khẩu.

Trước đây, nghề làm nón chủ yếu ở thôn Hướng Tân và Đông Quách. Với nhận thức nghề thủ công chỉ là nghề làm thêm do vậy tuy là nghề truyền thống nhưng cũng chỉ thu hút 30 – 40% số hộ tranh thủ làm vào buổi trưa, buổi tối, lúc nông nhàn. Quán triệt Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy (khoá XVI), cấp ủy, chính quyền đã thay đổi nhận thức, coi đó là thời cơ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nghề làm nón lá được thổi vào luồng sinh khí mới. Từ hai làng Hướng Tân, Đông Quách, nghề làm nón đã lan sang 2 thôn Đông Hào và Vĩnh Trung, trong đó Đông Hào trở thành làng thứ 3 được công nhận làng nghề.

Năm 2012, tổng số nón Nam Hà làm ra đạt hơn 2 vạn chiếc, gấp 1,5 lần số nón lá của năm 2001. Số lượng nón khá lớn, vậy Nam Hà tổ chức tiêu thụ ra sao? Trả lời câu hỏi này, bà Trương Thị Ngoãn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, xã có 5 cơ sở dịch vụ đầu ra, mỗi tháng trung bình có 6 chuyến xe ô tô đến thu mua  nón lá không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền Nam và sang cả Trung Quốc. Hai trong số 5 điểm dịch vụ bao tiêu nón lá lớn là cơ sở Hương Khùa và Mạnh Thỏa, rất có tín nhiệm với bà con. Nhiều gia đình có đông lao động làm ra nhiều sản phẩm còn mang nón đến các chợ phiên trong vùng tiêu thụ cũng khá hiệu quả. Vì vậy nghề làm nón tuy bình quân thu nhập không cao, nhưng thu hút tới 75% số lao động trong tổng số 2.000 lao động toàn xã. Giá trị sản xuất từ nghề làm nón chiếm 50% trong tổng giá trị sản xuất CN – TTCN – XDCB của xã  đạt 28 tỷ đồng/năm.

Ngoài nghề làm nón lá, đến nay Nam Hà có thêm nhiều nghề mới. Do nhu cầu của xã hội, những người đi làm phụ nề, xách vữa đã học hỏi trở thành thợ chính, về quê hương Nam Hà dạy cho lớp lao động mới lớn. Cộng với sự năng động của một số người nên số nhóm thợ và lao động vẫn tiếp tục tăng theo thời gian. Đến nay, xã có 300 lao động xây dựng thường xuyên đi làm ở các địa phương khác. Nghề may cũng khá thịnh hành với 400 lao động, trong đó 2 xưởng của anh Thường và anh Nghiêm thu hút khoảng 100 lao động, còn lại là may gia công tại gia đình. Dọc theo các con đường liên xã, liên thôn ở Nam Hà, các hộ còn mở nhiều cơ sở sửa chữa cơ khí, trang trí nội thất, chế biến nông sản...,

Cùng với 2 xưởng may xuất khẩu, Nam Hà đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn đầu tư xây dựng xí nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, 1 doanh nghiệp tư nhân sản xuất gạch tuylen, thu hút hàng trăm lao động, trong đó có nhiều lao động tàn tật, giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Nguyên nhân chính để Nam Hà phát triển nghề và làng nghề ổn định là do cấp ủy, chính quyền vào cuộc rất tích cực, bố trí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã kiêm cán bộ khuyến công. Hội Phụ nữ phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn mở được nhiều lớp dạy nghề đạt kết quả cao; đồng thời đứng ra tín chấp để hộ làm nghề vay vốn của các tổ chức tín dụng đầu tư mở rộng sản xuất.

Nam Hà đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và đã hoàn thành nhiều tiêu chí quan trọng. Trong những tiêu chí chưa đạt có tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo còn cao (7,8%). Vì vậy, cùng với đổi mới toàn diện sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nhân dân, Nam Hà phấn đấu có thêm 1 thôn được công nhận làng nghề để 4/4 thôn đều là làng nghề. Căn cứ quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã dành 5 ha đất để xây dựng cụm công nghiệp làng nghề. Tiếp tục “chiêu hiền đãi sĩ”, mời gọi thêm một số cơ sở sản xuất công nghiệp vào hoạt động, đồng thời động viên các hộ có điều kiện đầu tư lĩnh vực dịch vụ, giúp “đầu ra” của làng nghề luôn ổn định.

                                           Phan Anh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày