Cần sức sống mới cho làng nghề chạm bạc
Đã có thời, HTX chạm bạc Phú Lợi là niềm tự hào của xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương. Nơi những người thợ thủ công nhộn nhịp làm việc, nơi tấp nập người tứ phương về chiêm ngưỡng tay nghề và sản phẩm, rồi mua, bán, đặt hàng. Giờ đìu hiu, thưa vắng bóng người.
Anh Nguyễn Hoàn, một nghệ nhân chạm bạc ở thôn Văn Hanh chia sẻ: Trước đây, HTX chạm bạc Phú Lợi tổ chức sản xuất tập trung và giao đơn hàng cho các hộ làm nhờ ký kết được nhiều hợp đồng sản xuất, nhưng giờ gặp nhiều khó khăn do cơ chế thị trường. Hoạt động dịch vụ của HTX cũng thiếu sức cạnh tranh nên không thu hút được người dân làng nghề tham gia. Đơn cử như Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng bể mạ đồng cho HTX tổ chức dịch vụ hóa mạ sản phẩm nhưng giá thành quá cao khiến các hộ làm nghề không sử dụng mà tự làm tại gia đình. Dẫu biết rằng không làm tập trung sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng nếu không như vậy thì chi phí sản xuất tăng, giá sản phẩm cao, có làm ra cũng khó bán.
Nghệ nhân Nguyễn Hoàn bên những tác phẩm chạm đồng tinh xảo có giá trị cao.
Vai trò dẫn dắt làng nghề của HTX chạm bạc Phú Lợi dần mất một phần vì cơ chế thị trường, phần còn lại bởi nhân sự của HTX đã không còn sự nhanh nhạy, năng động do tuổi tác đã cao. Đặc biệt, với tư duy cũ “bán những gì mình làm ra” của không ít người thợ có thời gian dài gắn bó với nghề là nguyên nhân dẫn đến sản phẩm tuy đẹp mà bán thì ế. Cái nghề vốn đã vất vả, khắt khe về tay nghề, đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ nhưng thu nhập lại thấp nên lớp trẻ trong làng không mấy mặn mà nối nghiệp. Phần lớn lao động nông thôn trẻ, khỏe ở xã Lê Lợi lựa chọn vào các công ty, xí nghiệp trong huyện, trong tỉnh làm công nhân may, cơ khí, điện tử vì công việc, thu nhập ổn định. Làng nghề chạm bạc giờ chủ yếu là người già, trung niên ngại chuyển đổi nghề và phụ nữ tranh thủ lúc nông nhàn.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi chia sẻ: Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm còn duy trì được như hiện nay là nhờ sự năng động, nhạy bén của một số ông chủ trẻ. Những người mà theo bà con trong làng đánh giá là vừa có trình độ tay nghề giỏi vừa tháo vát kinh doanh. Chính họ là những người đưa sản phẩm của làng nghề đi tiêu thụ khắp trong và ngoài nước, mang đơn hàng sản xuất về cho bà con. Làng nghề vẫn giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, mỗi năm cho giá trị sản xuất gần 200 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Điều trăn trở nhất của chúng tôi hiện nay là nhân lực không có sự kế thừa, tiếp nối, thiếu những người thợ tay nghề bậc nghệ nhân. Cứ với đà này, 20 năm nữa không biết làng nghề có còn duy trì được không?
Không đợi đến lúc làng nghề cần “hà hơi thổi ngạt”, ngay từ bây giờ, cấp ủy, chính quyền xã Lê Lợi đã sớm triển khai một số giải pháp nhằm không chỉ gìn giữ danh tiếng mà còn phát triển nghề chạm bạc của quê hương. Nói như ông Nguyễn Văn Ca, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã thì lúc này chúng ta phải phả một luồng sinh khí mới tạo sức sống mới cho làng nghề.
Sản phẩm chạm bạc, chạm đồng Đồng Xâm nổi tiếng là vậy nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có một tước hiệu nào. Chính vì vậy, việc xã Lê Lợi tập trung hỗ trợ các hộ sản xuất làm hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP vừa để khẳng định thương hiệu vừa tạo “giấy thông hành” cho sản phẩm làng nghề tham gia vào các sân chơi lớn cả trong và ngoài nước.
Chị Phạm Thị Nhung, thôn Văn Hanh có 20 năm làm nghề chạm bạc chia sẻ: Nếu đạt được chứng nhận OCOP cộng với sản phẩm được quảng bá, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, nhất định đầu ra cho sản phẩm của làng nghề sẽ rộng lớn hơn, giá trị sản phẩm cao hơn, ngày công lao động của người thợ cũng tốt hơn để yên tâm gắn bó với nghề.
Cùng với tăng khả năng nhận diện thương hiệu cho sản phẩm, cấp ủy, chính quyền xã Lê Lợi cũng đang hỗ trợ hộ làm nghề tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Tín dụng nhân dân, đã có hàng trăm hộ được vay với tổng dư nợ hơn 230 tỷ đồng. Có vốn, nhiều hộ đã đầu tư máy móc hiện đại cho năng suất cao, nhà xưởng mở rộng thoáng mát cho công nhân làm.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Văn Ca cho biết thêm: Một trong những giải pháp tăng sức sống cho làng nghề là phải đổi mới mô hình, chất lượng hoạt động của HTX chạm bạc Phú Lợi. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến cổ phần hóa HTX để thu hút nhân sự trẻ, năng động, có tài vào quản lý, điều hành hoạt động. Trong điều kiện ngân sách địa phương có hạn, việc cổ phần hóa sẽ huy động được nguồn lực đầu tư cho HTX từ cơ sở vật chất đến tổ chức sản xuất, quản lý, trưng bày, quảng bá sản phẩm. Có như vậy, HTX mới thực sự trở thành đầu mối quản lý chất lượng, tiêu thụ và giúp các hộ trong làng nghề có đơn hàng sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ, tổ sản xuất của làng nghề đi theo hướng chuyên nghiệp, chuyên biệt hóa sản xuất từng dòng sản phẩm nhằm tạo ra sự tinh xảo, chất lượng cao chinh phục khách hàng.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình