Chủ nhật, 22/12/2024, 13:19[GMT+7]

Từ nghề gầu giai đến thêu ren Minh Lãng

Chủ nhật, 13/08/2023 | 09:44:28
8,666 lượt xem
Làng Thanh Trai tục gọi làng Giai nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Bình, là quê hương của chiếc gầu giai, một nông cụ phổ biến thuở trước ở châu thổ Bắc Bộ, thời xưa thuộc đất Giai - Lạng, là một miền đất cổ có bề dày văn hiến, nổi danh là “đất học, đất nghề”. Thời nay, làng Giai cùng 6 làng: Súy Hãng, Lại Xá, Trung Nha, Bùi Xá, Phù Lôi, Thanh Nội hợp thành xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, được vinh danh là xã nghề với những làng đa nghề tiêu biểu. Riêng nghề thêu ren đã và đang phát đạt, mang thương hiệu thêu ren Minh Lãng.

Hầu hết những tay thêu ở Minh Lãng có kinh nghiệm thêu từ 30 - 50 năm. Ảnh: QUỲNH LƯU

Khá nhiều nguồn sử sách cùng truyền thuyết đã lưu danh những nhân vật lịch sử ở làng Giai đã có công mở mang các nghề thủ công ở làng như đan gầu giai, rèn, đúc, mộc, thêu… Theo Từ điển Thái Bình cho biết: Vào thế kỷ XVIII, tướng quân Phạm Sinh là người làng Giai đã sáng chế ra chiếc gầu đan bằng nứa để tát nước dập lửa trong một trận chiến, sau đưa về làng nhân rộng thành nghề và loại gầu này mang tên gọi gầu giai. Phạm Sinh được thờ làm Tổ nghề. Thoạt kỳ thủy, nghề làm gầu giai có xuất xứ từ làng Giai rồi lan truyền ra tứ trấn.

Trong sản xuất nông nghiệp, nước là khâu quan trọng xếp hàng đầu tiên trong các khâu “nước, phân, cần, giống”. Thuở trước, để tát nước vào ruộng, chống hạn, chống úng hoặc tát sông, tát ao… chỉ một số rất ít hộ nông dân khá giả mới đóng được chiếc guồng gỗ, còn lại hầu hết là tát bằng gầu giai và gầu sòng. Khi tát nước đổ ải với số lượng nước nhiều phải dùng gầu giai. Gầu sòng chỉ để tát nước tưới ở những chân ruộng cao. Giữa gầu sòng và gầu giai mỗi loại có tính năng tác dụng riêng. So với gầu sòng thì gầu giai có ưu thế hơn là khi tát không phải lội xuống nước và cho năng suất cao hơn, nhưng gầu sòng chỉ cần một người, gầu giai phải hai người tát. Những thước phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ghi lại hình ảnh Người đã cùng với bà con nông dân tát nước bằng gầu giai.

Về nghề rèn, nghề đúc ở làng Giai có nhà họ Vũ từ đất Nghệ An ra hành nghề và cư trú tại đây từ khá sớm. Sách Lịch sử Đảng bộ xã Minh Lãng cho biết: “Tháng 7/1786, sau khi đánh chiếm Thuận Hóa, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt chúa Trịnh phù vua Lê. Ở làng Thanh Trai có ông Vũ Xuân Lý, chuyên làm nghề rèn và đúc đồng ở xứ Nghệ An ra đã gia nhập nghĩa quân Tây Sơn. Ông đã được tuyển chọn vào binh xưởng rèn đúc vũ khí rồi hy sinh tại chốn kinh đô do có kẻ thù ám hại”. Nghề đúc đồng từ họ Vũ sau lan ra một số họ khác, trong đó họ Nguyễn và họ Trần ở làng Giai có một số hộ chuyên nghề đúc đồng. Ngoài đúc mâm đồng, nồi đồng, thợ đúc đồng làng này còn đúc cả cồng, chuông, tượng và đồ thờ. Tương truyền là chiếc cồng hiện còn tại đền Thượng của làng Lạng là một cổ vật quý hiếm vốn do cụ tổ họ Nguyễn ở đất này chế tác.

Nghề thợ mộc và cao cấp hơn là nghề điêu khắc gỗ và sơn thiếp trên gỗ ở làng Giai xưa khá nổi tiếng, từng đua tài với thợ làm đình, làm chùa ở Cao Đà (Hà Nam). Ngoài dựng đình chùa, thợ điêu khắc gỗ làng Giai còn giỏi làm đồ thờ với những cỗ kiệu bát cống, những cỗ ngai có hàng trăm họa tiết tinh xảo và những bức tượng thờ trong các đình, đền, chùa, miếu. Cho đến nay, dân trong vùng còn truyền tụng tài năng của cụ phó Thơm người làng Giai và cụ phó Ấn người làng Phù Lôi (cạnh làng Giai) giỏi chạm khắc gỗ và làm đình, chùa từng được triều đình trọng dụng và ban khen.

Trước năm 1945, ở làng Giai có các phường thợ may với những thợ giỏi nổi tiếng. Tương truyền, trong làng đã có thợ may được triệu vào kinh đô Huế may áo cho vua và hoàng tộc, được vua Bảo Đại ban khen.

Ngoài những nghề trên thì nghề thợ xây và nghề sản xuất vật liệu xây dựng như làm gạch, nung vôi ở làng Giai cũng phát triển khá sớm và duy trì ở nhiều thời kỳ lịch sử. Đặc biệt là nghề dệt vải con (khổ hẹp) vào nửa đầu thế kỷ XX đã thu hút khá nhiều lao động trong làng.

So với các nghề khác của làng Giai đa nghề thì nghề thêu ren ra đời muộn hơn nhưng nhờ nghề này mà một bộ phận dân làng đã trở nên thịnh vượng ở nhiều thời kỳ. Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Minh Lãng: “Tục truyền rằng: từ thời ông Phan Bá Vành khởi nghĩa dưới triều Nguyễn - Minh Mạng (1820 - 1825) người Minh Lãng theo đạo quân ông Vành dấy binh khởi nghĩa. Triều đình đem quân về dẹp, người Minh Lãng phiêu bạt lên kinh kỳ rồi sang cả Hà Đông. Tại đây, người Minh Lãng làm quen với nghề thêu. Sau khi đất nước tạm bình yên, cụ Nguyễn Như Khang, cụ Nghĩa, cụ Ca người họ Nguyễn là những người đầu tiên đưa nghề thêu về đất Minh Lãng. Lúc đầu các cụ thêu dù lọng, hổ báo, rồng phượng trên những bức trướng rồi nhập cho chủ thầu ở Hà Nội. Hàng thêu của Minh Lãng có hai loại, hàng cồn và hàng thắt. Hàng cồn là mặt hàng vải màu mỏng thêu chỉ trắng, làm đơn giản. Hàng thắt là loại hàng vải trắng, thêu chỉ trắng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn: Thắt luồn thêu, thêu mạng đột, sa hạt, quấn nhện… Hàng thêu của Minh Lãng phát triển khá mạnh từ năm 1930 đến năm 1942. Từ 1945 trở đi nghề thêu ở đây hầu như ngừng hoạt động, mãi cho đến khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng (7/1954) mới được khôi phục trở lại”.

Hàng thêu vốn là mặt hàng quý phái, cao cấp. Mươi năm, sau ngày miền Bắc được giải phóng mặt hàng thêu bị coi là xa xỉ. Mặt khác, do bài trừ “mê tín dị đoan”, các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo bị hoang phế, nhu cầu thêu đồ thờ với trướng đối, hổ báo, rồng phượng không còn thì nghề thêu tưởng chừng như bị mai một hẳn. Mãi đến khi ngành ngoại thương tìm được thị trường xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu thì nghề thêu ở Minh Lãng mới thực sự được khôi phục. Vào đầu những năm 1990, thị trường Liên Xô và Đông Âu không còn, nghề thêu Minh Lãng lại rơi vào bế tắc khoảng mươi năm. Khung thêu trong các gia đình bị bỏ xó và hư hao dần, thợ thêu phải bỏ nghề để tìm việc làm khác. Trong làng chỉ còn ít thợ làm nghề cầm chừng theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ của bạn hàng trong nước.

Cái khó không bó cái khôn, người Minh Lãng đã năng động tìm kiếm thông tin và tiếp cận được thị trường nước ngoài. Sau mươi năm hoạt động cầm chừng, nghề thêu Minh Lãng đã chấn hưng và phát triển ổn định từ thập niên đầu thế kỷ XXI.

Công việc của người thợ thêu rất vất vả, phải đòi hỏi phải có đôi tay khéo léo và cặp mắt tinh tường. Hơn thế, người thêu phải có khiếu thẩm mỹ tinh tế và tính cẩn thận, kiên trì. Để hoàn chỉnh một sản phẩm thêu, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn, từ ngắm mẫu, tô hình mẫu rồi căng bức thêu trên khung gỗ, sau đó tô sang mẫu bằng bút chì. Tiếp đó là chọn chỉ màu cho từng họa tiết, chuẩn bị đủ các loại loại kim to, nhỏ phù hợp với nét thêu, kiểu thêu cho từng đường nét...

Trước đây, các mặt hàng thêu và kỹ thuật thêu còn đơn giản, với một số gam màu chỉ cơ bản như xanh, đỏ, tím, vàng, lục... Ngày nay, người dân Minh Lãng đã biết cách thêu trên những chất liệu đắt tiền hơn, sang trọng, lịch lãm hơn như sa tanh hay lụa và bằng các loại chỉ tơ nhiều màu từ các hãng nổi tiếng trên thế giới. Thợ thêu Minh Lãng sáng tạo tìm được kỹ thuật thêu tinh xảo như thêu hàng trắng, hàng nổi, thêu kết hợp rua, ren... để mở rộng tính năng của các sản phẩm, cả sử dụng thông thường lẫn trang trí mỹ thuật.

Sau gần 2 thế kỷ, nghề thêu Giai - Lạng đã trải lắm thăng trầm. Từ vài mươi năm trước, hàng thêu Minh Lãng đã có thương hiệu, giàu sức cạnh tranh cao với bất kỳ một cơ sở thêu tay truyền thống nào của Việt Nam và đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Những thập niên gần đây, sản phẩm thêu của Minh Lãng rất phong phú, đa dạng về chủng loại, từ trang phục truyền thống như áo kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc tới gối, áo, khăn trải giường, tranh thêu chân dung, phong cảnh... Có thời điểm, mỗi chiếc áo kimono xuất khẩu có trị giá từ 2.000 - 3.000 USD nên đòi hỏi việc thêu ren cầu kỳ, tinh xảo từng chi tiết, có khi người thợ phải ngồi cả tháng bên khung thêu mới xong một chiếc. Ở Minh Lãng, từ các em nhỏ đến các cụ già đều có thể thêu. Nghệ thuật, kỹ thuật tranh thêu, áo thêu ở Minh Lãng ngày càng đa dạng. Phần lớn sản phẩm làm ra được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Bỉ...

Từ xuất xứ của chiếc gầu giai không thể thiếu trong các gia đình nông dân Việt Nam thời trước đến hàng thêu Minh Lãng có mặt ở nhiều thị trường sang trọng trên thế giới thời nay là cả chiều dài lịch sử phát triển, thăng trầm về các nghề thủ công của một làng quê. Hẳn là, phải có gen sáng tạo di truyền từ cách làm chiếc gầu giai bóng bẩy, thanh thoát đến những mặt hàng thêu ren lộng lẫy, kiêu sa nên người làng Giai, người Minh Lãng đã tinh nhạy vận dụng, phát huy nghề thủ công truyền thống trong mọi hoàn cảnh lịch sử.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày