Thứ 4, 13/11/2024, 18:29[GMT+7]

Nghề đan lát truyền thống ở xã Nguyên Xá: Vắng dần tiếng vào cạp, dồn phên...

Thứ 4, 20/09/2023 | 08:19:45
8,031 lượt xem
Cùng với nghề mộc, đan lát là một trong hai nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Nguyên Xá (Vũ Thư). Tuy nhiên, nếu nghề mộc ngày càng hưng thịnh thì nghề đan lát đang dần mai một. Những tiếng gõ “cạch... cạch...” khi vào cạp, dồn phên của thợ đan dần thưa vắng ở làng nghề một thời sôi động này.

Chỉ còn ít người cao tuổi ở xã Nguyên Xá gắn bó với nghề đan lát.

Thời sôi động

Với nhà nhà, người người làm nghề, làng Vàng (nay là thôn Hoàng Xá), xã Nguyên Xá trước kia lúc nào cũng nhộn nhịp. Sân nhà, ngõ xóm phơi đầy tre, nan, rổ rá, thúng mủng, bà con tập trung thành các nhóm nhỏ vừa đan vừa trò chuyện râm ran. Thế nhưng giờ đây cả làng chỉ còn hơn chục hộ duy trì làm nghề. 

Ở tuổi ngoài 70, sức đã yếu nhưng đôi tay gân guốc của ông Hoàng Văn Miện, thôn Hoàng Xá vẫn ngày ngày bền bỉ với những tấm phên đan. Ông chia sẻ: Không biết nghề đan lát ở làng Vàng có từ bao giờ, chỉ biết các bậc cha chú truyền nghề cho tôi từ khi tôi còn học vỡ lòng và cứ thế theo tôi suốt gần 70 năm qua.

Theo ông Miện, nghề đan lát ở Nguyên Xá hưng thịnh suốt nửa thế kỷ, khoảng từ năm 1960 đến những năm đầu thế kỷ XXI. Thời kỳ đó, cả làng, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết đan. Dân làng Vàng chuyên làm thúng, còn các làng bên như Kiến Xá, làng Thái chuyên đan rổ, rá, dần, sàng. Làm thúng đòi hỏi kỹ thuật cao và tốn công sức hơn cả; 100% các khâu được làm thủ công từ mua tre, chặt tre, chẻ tre, đan phên, uốn cạp, róc mây buộc cạp, hun khói để thúng bền, chắc hơn... Nếu đan tấm phên thúng đòi hỏi kỹ thuật đan tốt, khéo tay thì công đoạn vào cạp thúng đòi hỏi thợ phải có sức khỏe tốt, hầu hết do đàn ông đảm nhiệm.
Làm được 1 chiếc thúng cầu kỳ, vất vả là thế nhưng trước kia một chiếc thúng chỉ đổi được vài bơ gạo. Nhà nào đông con, thúng đan xong chưa kịp hun khói đã phải bán để đổi gạo. 

Nhà nào dư dả, cứ đan nhiều thúng cất lên gác bếp để dành, khi nhà có công việc quan trọng mới mang ra bán, đỡ hẳn việc phải bán thóc. Xưa kia, phụ nữ các nơi thích lấy chồng làng Vàng vì có công việc mưu sinh để làm, khi đi đám xứ không phải thấp thỏm lo bán thóc. Nghề đan thúng ở làng Vàng tuy vất vả và không giúp bà con làm giàu nhưng các hộ đều có thêm thu nhập cho sinh hoạt, chi tiêu.

Xa xưa, Nguyên Xá có 4 làng thì 3 làng có nghề đan lát, bởi vậy đời sống bà con cũng có phần khấm khá, no đủ hơn so với người dân xã bạn. Sản phẩm thúng, mủng, dần, sàng, rổ, rá... của Nguyên Xá phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh, thậm chí từng gắn bó, quen thuộc với những người công nhân đội than, xây dựng ở Quảng Ninh, Hải Phòng. 

“Tôi nhớ nhất những tiếng gõ “cạch... cạch...” của thợ đan khi vào cạp, dồn phên. Thời cả làng đan, đi từ đầu làng đã nghe thấy những tiếng gõ đều đều quen thuộc ấy. Giờ không còn nữa” - ông Miện kể trong tiếc nuối.

Mai một nghề truyền thống

Hơn 10 năm nay, các sản phẩm bằng nhựa, inox, nhôm ồ ạt ra đời, lại có lợi thế hiện đại, bền đẹp, tiện lợi hơn nên sản phẩm đan lát từ tre của làng nghề Nguyên Xá khá ế ẩm. Một đôi thúng cần 2 - 3 ngày công để hoàn thiện hiện chỉ có giá từ 150.000 - 160.000 đồng nhưng vẫn khó tiêu thụ. Bởi vậy, thay vì đan các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như thúng, rổ, rá, hầu hết người dân làng Vàng đã chuyển sang đan những chiếc giỏ cua, giá thành chỉ từ 7.000 - 8.000 đồng/chiếc, dân làng Kiến Xá chuyển sang làm chổi tre, rễ tre giá từ 10.000 - 15.000 đồng/chiếc, vừa dễ tiêu thụ và kỹ thuật đan thì rất đơn giản. Giá trị sản phẩm thấp nên thu nhập của người làm nghề đan không cao. Một thợ đan cần mẫn khoảng 12 - 13 tiếng/ngày có thu nhập khoảng 50.000 - 70.000 đồng, còn thông thường chỉ đạt từ 30.000 - 40.000 đồng/người/ngày. Làng nghề đan lát Nguyên Xá hiện chỉ còn ít người cao tuổi ở hai thôn Hoàng Xá và Kiến Xá vẫn duy trì làm nghề, lớp trẻ đều đã đi làm công ty, xí nghiệp, riêng thôn Thái không còn hộ làm nghề đan.

Bà Nguyễn Thị Hoa, 61 tuổi, thôn Kiến Xá có hơn 50 năm làm nghề đan lát, là một trong những thợ đan giỏi của xã. Nhưng cách đây 3 năm, bà đã xin đi làm nhân viên vệ sinh cho một công ty. Bà Hoa chia sẻ: Làm một sản phẩm mây tre đan rất vất vả, cầu kỳ nhưng sản phẩm khó tiêu thụ, giá thành sản phẩm và thu nhập của lao động làng nghề quá thấp. Nếu không có hướng đi mới thì làng nghề sẽ mai một, thậm chí có thể biến mất trong tương lai gần, chúng tôi xót xa lắm.

Ở một góc sân của gia đình ông Hoàng Văn Tam, thôn Hoàng Xá, chiếc khuôn bê tông vốn dùng để uốn tre làm cạp thúng, chiếc lò đắp bằng đất dùng để ủ trấu và lá tre hun khói cho những chiếc thúng sau khi hoàn thiện... giờ nằm trơ trọi. Mặc dù tay nghề đan khá điêu luyện, tinh xảo nhưng vợ chồng ông Tam hiện không đan thúng nữa mà chuyển sang đan giỏ cua - mặt hàng chỉ cần tay nghề thô sơ cũng có thể làm được. Mỗi chiếc giỏ cua có giá bán từ 7.000 - 9.000 đồng, tùy từng thời điểm, trong đó chi phí tre, lạt khoảng 1.500 - 2.000 đồng/sản phẩm, như vậy công đan còn từ 5.500 - 7.000 đồng/sản phẩm. Mỗi ngày vợ chồng ông Tam làm từ sáng sớm đến tối mịt, trung bình được 10 chiếc giỏ cua, ước tính được 55.000 - 70.000 đồng. Nếu không đan giỏ cua như ông Tam, có thợ đan chuyển sang đóng lồng gà, lồng chó, mèo, chõng tre... để bán, thu nhập chỉ đạt dăm bảy chục nghìn mỗi ngày.

Ông Phạm Văn Lưỡng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Đến nay, nghề mộc duy trì và phát triển ổn định, tuy nhiên nghề đan lát truyền thống đang dần mai một. Ngoài nguyên nhân khách quan như xu hướng thị trường, nhu cầu sản phẩm mây tre đan giảm thì thực tế cho thấy thợ đan của địa phương hiện nay đều là người cao tuổi, chưa nhạy bén học hỏi, chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm mây tre đan thủ công mỹ nghệ tinh xảo, cao cấp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, do đó sản phẩm khó tiêu thụ, giá trị thấp. 

Chúng tôi rất trăn trở điều này nhưng cũng chưa tìm được hướng đi mới cho làng nghề, trước mắt động viên bà con duy trì nghề đan để tăng thu nhập cho gia đình lúc nông nhàn.

Một thợ đan ở Nguyên Xá chuyển sang đóng những vật dụng bằng tre để thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm.

 Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày