“Thổi hồn” cho đầu lân truyền thống
Nhiều ngày qua, không khí tết Trung thu đã về trên những góc phố, đường làng cũng là lúc cửa hàng nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Tăng ở khu thị tứ Đồng Bằng, xã An Lễ (Quỳnh Phụ) lại tấp nập khách vào ra. Chỉ với một vài chiếc đầu lân truyền thống được ông trưng bày trước cửa nhà nhưng cũng khiến ai đi qua cũng phải dừng chân ngắm nhìn, chụp ảnh.
Dù ở xã Thái Giang (Thái Thụy) nhưng anh Trần Quang Thế vẫn lặn lội sang xã An Lễ từ sớm để đặt mua đầu lân của ông Tăng.
“Tết Trung thu cổ truyền không thể thiếu tiết mục biểu diễn múa lân cho các cháu xem. Cách đây mấy năm, tôi được mọi người giới thiệu nên đã đến tìm mua ở đây. Vì được làm thủ công nên đầu lân của ông Tăng không chỉ bền đẹp, giữ được nét truyền thống dân tộc mà còn có giá thành phù hợp hơn so với những nơi khác. Năm nay chúng tôi muốn có thêm một đôi lân nữa để phục vụ bà con, các cháu nên lại sang nhà ông để mua ủng hộ.” - anh Thế chia sẻ.
Với hơn 20 năm bén duyên với nghề này, ông Tăng là được coi là một trong số ít “nghệ nhân” còn duy trì nghề làm đầu lân truyền thống trong tỉnh. Sau khi nghỉ công tác tại địa phương, ông có nhiều thời gian tìm hiểu thêm về cách làm đầu lân qua ti-vi, sách báo và mua vật liệu về chế tác để phục vụ các chương trình văn nghệ, lễ hội của thôn. Lục tìm trong trí nhớ về hình ảnh chiếc đầu lân bọc báo của bố từng làm trước đây, ông Tăng đã kết hợp để tạo nên sản phẩm mang chất riêng của mình. Cũng từ đó, những chiếc đầu lân mang thương hiệu ông Tăng ra đời và được người dân đón nhận và đánh giá cao.
Khách hàng đến mua đầu lân của ông Nguyễn Văn Tăng.
Theo ông Tăng, để làm một chiếc đầu lân truyền thống, đầu tiên phải tìm được tre dựng khung ưng ý, không bị mối mọt để bảo đảm độ bền. Dựng khung là công đoạn khó nhất đòi hỏi tư duy về hình khối của người thợ, nếu khung không cân xứng đầu lân sẽ bị lệch và thiếu tính thẩm mỹ. Để chinh phục được những khách hàng khó tính thì đầu lân cầm trên tay phải nhẹ, cử động linh hoạt, không gian bên trong rất rộng khiến người múa lân có cảm giác thoải mái. Đặc biệt, toàn bộ đầu lân của ông Tăng làm đều được phủ hoàn toàn bằng vải, mỗi lớp vải được căn chỉnh và khâu bằng tay chính xác để không bị xô lệch, giữ được độ bền qua thời gian.
Bật mí về bí quyết “thổi hồn” cho những chiếc đầu lân, ông Tăng chia sẻ: Đôi mắt là thứ tạo nên vẻ oai nghiêm của con lân. Để làm được đôi mắt ưng ý, tôi phải thử qua rất nhiều chất liệu nhưng xốp vẫn là chất liệu phù hợp hơn cả. Mắt sẽ được bọc một lớp ni-lông bên ngoài, sơn phủ sau đó vẽ mắt bằng tay, mi mắt được làm riêng, cơ chế mắt chớp mở linh hoạt. Các họa tiết trang trí trên đầu lân cũng được ông Tăng khéo léo cách điệu từ hoa văn trống đồng Ðông Sơn mang lại sự gần gũi.
Các sản phẩm đồ chơi truyền thống được làm kỳ công và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa nhưng vẫn không tránh khỏi sự cạnh tranh trên thị trường. Các nghệ nhân hiếm dần, nghề truyền thống cũng dần mai một.
Trước đây, gia đình bà Hoàng Thị Bích, xã Tam Quang (Vũ Thư) cũng được coi là cơ sở sản xuất đầu lân truyền thống có tiếng. Tuy nhiên với sự cạnh tranh của các sản phẩm mới, hiện đại nên gia đình bà không thể duy trì sản xuất.
“Trước đây gia đình tôi tận dụng giấy đã qua sử dụng để làm các sản phẩm đầu lân truyền thống. Bây giờ nhu cầu chơi đầu lân của khách hàng và trẻ nhỏ cao hơn trước rất nhiều. Đầu lân phải có hình thức bắt mắt, có đèn thậm chí có âm thanh vui tai. Những chiếc đầu lân truyền thống làm ra cũng không có ai mua.” - bà Bích cho biết.
Sản phẩm đầu lân truyền thống của gia đình bà Hoàng Thị Bích, xã Tam Quang (thành phố Thái Bình).
Những chiếc đầu lân, đèn ông sao... không chỉ đơn thuần là món đồ chơi giải trí mà còn mang theo cả bề dày của nền văn hóa Việt. Đó cũng chính là những tinh hoa nghệ thuật của cha ông ta để lại nhiều đời nay. Hy vọng những món đồ chơi truyền thống sẽ tiếp tục được bảo tồn và đưa đến gần hơn với các bạn trẻ, góp phần gìn giữ nét đẹp tết Trung thu cổ truyền của dân tộc.
Trịnh Cường – Nguyễn Triệu
Tin cùng chuyên mục
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
Xem tin theo ngày
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025
- Kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực