Thứ 2, 25/11/2024, 07:04[GMT+7]

Phương La Mẹo dệt, Mẹo giàu

Thứ 6, 13/10/2023 | 17:11:22
12,990 lượt xem
Phương La có tên Nôm làng Mẹo, được hình thành từ một bãi bồi ven sông Hồng thuộc phía Bắc tỉnh Thái Bình. Từ năm 1977, Phương La cùng các làng Hà Nguyên, Nhân Xá, Xuân La, Trác Dương hợp thành xã Thái Phương, huyện Hưng Hà. Từ xa xưa, Phương La là một làng dệt cổ truyền, làng văn vật nổi tiếng trong tứ trấn. Những năm gần đây, Phương La từng được giới truyền thông ca ngợi là “Ngôi làng nhiều tỷ phú nhất Việt Nam”.

Ảnh tư liệu

Tương truyền nghề dệt vải, dệt lụa ở làng Mẹo - Phương La có từ thời Trần. Hiện chưa tìm thấy tài liệu thành văn nào chép cụ thể về nghề dệt của làng này từ thời Lê trở về trước nhưng truyền thuyết và nhiều giai thoại về làng Phương La cho biết nghề trồng bông, dệt vải và nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở đây đã có từ nhiều trăm năm trước. Trong kho tàng ca dao tục ngữ của người Việt có những câu: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/Có về làng Mẹo với anh thì về/Làng Mẹo buôn bán trăm nghề/Sáng đi bán lụa, tối về mua tơ...”. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, đa phần các gia đình trong làng đều có khung dệt.

Sách Tiên Hưng phủ chí viết vào đầu thế kỷ XX cho biết: “Các nơi trong phủ đều có khung dệt vải, trong đó đáng kể nhất là làng Bơn, xã Hậu Tái cùng các xã Thượng Hộ, Tịnh Xuyên, Đặng Xá, Thanh Nga, Do Đạo là những nơi có vải dệt đẹp được nhiều người ưa chuộng... Dân các xã Phương La, Trác Dương, Yên Nghiệp, huyện Hưng Nhân thường đi mua kén tằm đem về kéo thành tơ sợi, chia ra làm mấy loại. Loại sợi tơ mảnh đem dệt thành lụa gọi là lụa sồi. Loại sợi tơ hơi thô dệt ra thành lụa nái, rồi đem đi bán ở chợ các nơi”.

Về nghề thủ công truyền thống của huyện Hưng Nhân, tác giả sách Chú thích về tỉnh Thái Bình đã viết: “Dù rằng trong huyện không có một xưởng nào, lụa Phương La vẫn có tiếng, thường gọi là lụa Mẹo hoặc lụa Duyên Hà”.

Trải những năm kháng chiến chống Pháp, nghề dệt vải, dệt lụa bị đình đốn. Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Hưng Hà: “Huyện Hưng Nhân có nghề dệt vải ở thôn Phương La, nổi tiếng từ lâu đời. Trong kháng chiến chống Pháp, khung cửi bị tàn phá, nhân dân không trồng dâu, nguyên liệu ngoại không nhập được, việc đi lại buôn bán bị ách tắc, do đó sản xuất bị ngưng trệ. Sau ngày hòa bình lập lại, nghề dệt vải ở Phương La được phục hồi. Cả thôn đã có 318 khung cửi, gồm 342 gia đình dệt vải cho mậu dịch (chiếm hơn 50% số hộ trong làng). Số hộ làm nghề dệt vải có thu nhập khá, đời sống ổn định”.

Từ những năm tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp đến những năm kháng chiến chống Mỹ, diện tích trồng bông, trồng dâu của làng Phương La cũng như của cả Thái Bình ngày một thu hẹp dần nhường chỗ cho diện tích cấy lúa, trồng rau màu hoặc các loại cây công nghiệp khác. Nghề dệt lụa ở Phương La lùi dần vào dĩ vãng. Nghề dệt vải vẫn còn nhưng thăng trầm theo kế hoạch giao của Nhà nước. Thợ dệt được tổ chức thành tổ sản xuất cùng với các tổ sản xuất thủ công khác do HTX nông nghiệp kiêm quản lý.    

Là một làng điển hình về đất chật người đông. Bình quân diện tích canh tác mỗi người có chừng 250m2 (khoảng 0,7 sào Bắc Bộ). Nếu không có nghề dệt và các ngành nghề khác mà chỉ chuyên tâm vào nông nghiệp thì chắc chắn chuyện xóa đói giảm nghèo ở Phương La không dễ dàng gì chứ chưa nói đến chuyện trở thành tỷ phú.

Thời vận để các ông chủ cơ sở dệt ở Phương La trở thành tỷ phú vào hạng nhất nhì trong ngành dệt của Việt Nam mà báo chí viết với tiêu đề “Ngôi làng nhiều tỷ phú nhất Việt Nam” có thể tính từ nửa cuối những năm 1980. Cái mẹo làm giàu của người Phương La thì thật khôn lường nhưng cũng có người đã cho rằng thời cơ tiếp sức cho sự bừng dậy của làng dệt Phương La bắt đầu từ phi vụ cháy kho tơ của Nhà nước ở Hải Phòng vào năm 1986. Khi đó hàng vạn tấn tơ mới được nhập vào kho ở cảng Hải Phòng bị cháy nên phải thanh lý. Các cơ sở dệt ở Phương La liền kéo nhau ra mua lại với giá rẻ như cho để đưa về tái chế. Việc dân Phương La ra mua tơ cháy ở Hải Phòng mang về tái chế là chuyện có thật. Nhưng nếu nói là do gặp được số tơ phế liệu này mà Phương La phất lên để trở thành “Ngôi làng nhiều tỷ phú nhất Việt Nam” thì chắc chắn là chưa hẳn đúng.

Gặp thời kỳ đất nước mở cửa, làng dệt Phương La đã sớm biết chớp thời cơ đầu tư vào nghề dệt vốn có danh tiếng từ truyền thống. Nhiều tổ hợp dệt tư nhân, đặc biệt là xí nghiệp dệt, nhuộm, in hoa tư nhân Bình Minh, Hương Sen, Hồng Quân, Minh Ngọc... lần lượt ra đời và trụ vững. Các mặt hàng vải đũi, vải thổ cẩm, khăn... được dệt từ chất liệu tốt đã khiến Phương La nổi tiếng. Phương La trở thành một trung tâm dệt của tỉnh Thái Bình, được bạn hàng trong nước, ngoài nước biết tiếng, nhớ tên. Có những thời điểm, sản phẩm dệt ở Phương La hầu như không bán trong nước mà xuất sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Canada, các nước EU...

Điều đáng chú ý là người Phương La rất có sở trường về các công đoạn trong nghề dệt. Khi nghề dệt của làng này mới được khôi phục, hầu hết các cơ sở dệt đều tận dụng diện tích thổ cư của gia đình để tổ chức sản xuất. Khi xong công đoạn dệt thô phải vận chuyển đi tẩy - nhuộm ở một cơ sở khác cách xa hàng chục ki-lô-mét. Để triển khai công đoạn này đỡ phức tạp hơn, một chủ cơ sở dệt trong làng đã mày mò tìm cách đầu tư đưa công nghệ tẩy - nhuộm về làng.

Nếu không kể đến những mẹo tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nghề dệt vải của những ông chủ cỡ bự của làng Mẹo thì khá đông người dân Phương La lại giỏi về kỹ nghệ tự chế tạo, tự lắp đặt máy dệt để gia công thuê cho doanh nghiệp ngay tại chính nhà mình. Cái giỏi của người nông dân làm nghề dệt khăn sợi bông ở Phương La là còn biết cải tiến, hoàn thiện dần máy dệt trong quá trình sản xuất. Vào những năm hưng thịnh, hầu như mỗi hộ dân trong làng đều có máy dệt, nhà ít thì 1 - 2 máy, nhà nhiều có tới 10 máy. Vào lúc cao điểm cả làng có tới trên 4.000 máy dệt và 5.000 lao động, mỗi ngày Phương La xuất xưởng chừng 60 tấn khăn dệt sợi bông đưa đi tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài nước.

Do nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nghề dệt, nhiều hộ đã vươn ra khỏi làng nghề Phương La lên thành phố, ra các tỉnh thành mở công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong số này, một số đã trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành thu hút hàng vạn lao động. Đương nhiên, từ xu thế đó, nghề dệt Phương La lại có điều kiện phát triển rực rỡ hơn. Nhiều chủ doanh nghiệp trong làng kế tiếp cha anh đã hình thành và đứng vững. Xã Thái Phương đã xây dựng cụm công nghiệp làng nghề. Một số doanh nghiệp trong làng nghề có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng nghìn lao động, doanh số sản xuất mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.

Do phất lên từ nghề dệt, những năm gần đây, hầu hết các hộ gia đình trong làng Phương La đều trở lên khá giả. Nhà cao tầng với những tiện nghi đắt tiền mọc lên san sát. Một số đại gia cỡ bự trong làng xây những ngôi biệt thự sang trọng với hàng chục tỷ đồng. Đường làng ngõ xóm láng nhựa hoặc rải bê tông thênh thang, ô tô, xe máy vào ra tấp nập. Cảnh quan làng Phương La đổi thay sâu sắc, không khác gì một thành phố nhỏ giữa làng quê. Một số con em của Phương La từ xuất phát điểm sản xuất, kinh doanh ngành dệt ở làng đến nay đang làm chủ sở hữu những tập đoàn kinh tế đa ngành với số vốn điều lệ nhiều nghìn tỷ đồng, trở thành những doanh nhân có đấng bậc của Việt Nam...

Tuy nhiên, môi trường của “Ngôi làng nhiều tỷ phú nhất Việt Nam” này cũng đang trong tình trạng báo động vì ô nhiễm. Khi hầu hết các gia đình trong làng đều có máy dệt, khi cả làng có tới mấy nghìn máy dệt lại có cả cơ sở tẩy - nhuộm đặt ngay trong làng với lượng nguyên liệu nhập vào, hàng hóa xuất ra mỗi ngày hàng trăm tấn thì sự ô nhiễm thật khôn lường. Vào thời điểm hiện tại, Phương La là làng dệt có cụm công nghiệp trong làng nghề nổi tiếng nhất tỉnh Thái Bình nhưng đồng thời cũng là một trong những ngôi làng có tình trạng môi trường bị ô nhiễm đáng báo động. Đó là bài toán chưa dễ tìm lời giải thỏa đáng.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày