Chủ nhật, 08/12/2024, 09:45[GMT+7]

Hải Triều, chiếu Hới tiến vua

Chủ nhật, 29/10/2023 | 07:38:23
16,152 lượt xem
Làng Hới có tên chữ là Hải Triều, nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Từ thế kỷ XV, chiếu Hới đã được người ở nhiều vùng biết đến qua những giai thoại về Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ - người làng này đi sứ sang Trung Quốc học được kỹ nghệ dệt chiếu gon về truyền cho dân làng để mở mang nghề dệt chiếu. Dân gian gọi ông là Trạng Chiếu và tôn thờ là Tổ nghề dệt chiếu. “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” là ước mơ của các thế hệ cư dân vùng Bắc Bộ. Tương truyền, theo định lệ hàng năm, chiếu Hới thường được dâng tiến vua.

Công đoạn in hình thủ công chiếu Hới. Ảnh: Thanh Thủy

Theo các nguồn sử liệu thì vùng đất ven sông thuộc hạ lưu sông Luộc, từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIII) đã có nghề dệt chiếu. Làng Hải Triều sở dĩ có tên Hải Thị vì nằm kề ngã ba sông, nơi con sông Hồng chảy vào sông Luộc vốn sớm tấp nập trên bến dưới thuyền. Hàng hóa, nông sản đã sớm từ vùng đất này ngược dòng sông Hồng, sông Luộc tỏa đi các phủ lộ, ngược lên kinh đô, ngang qua phố Hiến. Cho nên, sự tôn thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ là Tổ nghề dệt chiếu hoặc dân gian tôn xưng ông là Trạng Chiếu thì cũng chính là sự tôn vinh vị quan Trạng đã có công lao đưa kỹ thuật mới về để mở mang thêm nghề dệt chiếu.

Sách “Danh nhân Thái Bình” cho biết: “Nghiên cứu về sự phát triển của kỹ thuật dệt chiếu ở Hải Triều thấy có 2 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1: bàn dệt đứng, không có ngựa đỡ sợi. Giai đoạn 2: bàn dệt nằm có ngựa đỡ sợi. Giai đoạn 2 của kỹ thuật dệt chiếu tiến bộ hơn. Sợi đay căng thuận lợi cho người trao gon (tức trao cói), chiếu dệt ra đẹp hơn, sợi đan đều hơn và dĩ nhiên, vì thế, sản phẩm càng được ưa chuộng hơn... Công lao cải tiến kỹ thuật này, theo tài liệu văn hóa dân gian, thuộc về Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Như vậy, dòng họ Phạm từ thế kỷ X - XI đã có công lao truyền bá nghề dệt chiếu vào miền duyên hải, trong đó có Hải Triều. Trải gần 5 thế kỷ tồn tại và phát triển đến cuối thế kỷ XV, kỹ thuật dệt chiếu có sự cải tiến do chính ông Trạng nguyên họ Phạm và bảo lưu đến ngày nay, tạo nên một truyền thống kỹ thuật của thủ công nghiệp chiếu ở Bắc Việt Nam nói chung, Hải Triều nói riêng”.

Theo định lệ truyền thống, hàng năm dân làng Hới mở hội làng vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch ngay tại đình làng thờ quan Trạng. Trong những ngày hội có nhiều trò diễn xướng, đua tài nhưng cuốn hút khách ở các phường dệt chiếu xa gần là tục tế Tổ nghề và tục thi dệt chiếu. Đầu xuân, khách trảy hội về làng Hới cũng cố tìm mua cho được đôi chiếu để cầu may.

Đón tết Nguyên đán xong, cả làng Hới nô nức vào hội. Các gia đình trong làng bày chiếu ra bán la liệt ở các trục đường làng, ngõ xóm. Phiên chợ Hới đầu năm được coi là chợ chiếu với một rừng chiếu xuân bạt ngàn đủ các sắc màu: chiếu in hoa, chiếu kẻ màu, chiếu song hỷ, chiếu phúc - lộc - thọ, chiếu cạp điều, chiếu cải, chiếu đậu, chiếu đót, chiếu trơn... Sự mua bán chiếu trong phiên chợ xuân ở làng Hới thường theo tâm thức mua bán để cầu may hơn là giá cả, kinh doanh.

Khi ngoài chợ đang chen vai, thích cánh xem chiếu, mua bán chiếu thì trong sân đình lại náo nức với cuộc thi dệt chiếu của các giáp trong làng. Theo xếp đặt của từng giáp, các dàn dệt đã sẵn sàng mắc sợi và chuẩn bị đầy đủ các loại cói màu. Đề bài thi do chủ khảo xin Thánh ban và được giữ bí mật đến phút chót. Có thể là dệt một lá chiếu cài hoa hình rồng, phượng. Cũng có thể dệt chiếu cài màu thành chữ song hỷ hoặc chữ phúc, chữ lộc, chữ thọ... Mỗi giáp được phép chọn hai thợ giỏi vào dự thi. Một người trao gon, một người đập go, phối hợp nhịp nhàng. Khi trống hiệu nổi lên, cuộc thi bắt đầu, tiếng hò reo vang dậy của mỗi giáp cổ vũ cho giáp của mình. Theo thời gian quy định, chiếu phải dệt xong. Tiêu chí chấm là dệt nhanh, đúng kỹ thuật và đẹp. Giải cao thấp với mỗi giáp không chỉ là điềm may đầu năm mà còn là tiếng tăm lan truyền về tài nghệ của từng phường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín làm nghề của cả giáp. Để khích lệ dân trong giáp thuần thục với các công đoạn của nghề dệt chiếu, trong những ngày hội làng, các giáp còn tổ chức các cuộc thi làm go, xe đay, chẻ cói...

Chiếu Hới có nhiều loại khác nhau: cải, đậu, đót, trơn, kẻ dọc màu, in hoa, cạp điều, sợi xe... với các kích thước khác nhau. Chiếu mới có màu trắng ngà, ưa nhìn, mùi thơm dễ chịu của cói đồng. Chiếu dùng lâu ngả sang màu vàng, trơn nhẵn, độ mềm vừa phải, dễ giặt, thoáng sạch, thoát nước nhanh, phơi mau khô.

Nguyên liệu dệt chiếu là cói và sợi đay. Cói dễ thích ứng với những vùng đất còn chua mặn. Đay rất thích hợp với đồng đất ở các triền sông, bãi bồi nhiều phù sa. Sau khi thu hoạch, các loại cây này được chế biến qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ để thành nguyên liệu dệt chiếu. Tùy theo những loại chiếu cần dệt mà nguyên liệu được nhuộm màu theo những yêu cầu khác nhau. Thợ chiếu Hới thường dệt cải chữ thọ, bông hoa, chân dung, chữ lồng hoặc họa in hay vẽ. Đây cũng chính là phương pháp dệt chiếu khó nhất, đòi hỏi phải có những bí quyết, sáng tạo kỹ thuật và kinh nghiệm.
Dệt chiếu là một nghề thủ công truyền thống, vốn có ở nhiều làng xã của Việt Nam. Riêng ở huyện Hưng Nhân (cũ) có tới hơn 20 làng làm nghề dệt chiếu. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, vào thế kỷ XVIII, chiếu của vùng này đã được các lái buôn nhà Thanh tìm đến mua về nước. Những năm đầu thế kỷ XIX, một số người Hoa đã sang mở xưởng sản xuất đưa về nước hoặc đưa sang thị trường Hồng Kông và một số nước châu Âu. Vào thời kỳ này, nhiều xưởng dệt chiếu và các cơ sở tiêu thụ chiếu cói của các nhà tư bản người Việt, người Hoa, người Pháp được mở ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Thái Bình như ở Luật Trung (Kiến Xương), Diêm Điền (Thái Thụy) nhưng so với chiếu của các nơi khác thì chiếu Hới có kỹ thuật cải điêu luyện. Những hình hài tạo ra đa dạng và sinh động, nhiều nơi chưa làm được. Phương ngôn có câu: “Mua chiếu xem biên, người hiền xem mặt”. Người làng Hới có đôi tay bắt biên theo kỹ xảo riêng làm cho biên chiếu bền, đẹp để làm tăng thêm giá trị của chiếc chiếu mang tên làng mình.

Từ sau năm 1945, các xưởng dệt chiếu của người nước ngoài không còn nhưng nghề dệt chiếu ở làng Hới vẫn tồn tại vì chiếu là mặt hàng không thể thiếu cho mỗi gia đình ở mọi thời kỳ lịch sử. Đương nhiên, do chiến tranh và do phương thức sản xuất, do cơ chế của từng thời điểm nên vào những năm 1955 - 1985, nghề chiếu Hới cũng trải nhiều thăng trầm. Ở thời kỳ bao cấp, các thợ dệt chiếu làng Hới được tổ chức vào các HTX sản xuất chiếu. Do cơ chế sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch được giao và việc thu mua cói và chiếu cói chỉ chú trọng đến số lượng nên chất lượng chiếu Hới bị sa sút nghiêm trọng. Hầu hết nghệ nhân có tay nghề cao thường ít chuyên tâm dệt ra những chiếc chiếu bền, đẹp như họ vẫn thường làm. Chiếu Hới nhạt nhòa dần trong mặt hàng chiếu phân phối ở thời bao cấp.

Từ những năm 1986 - 1990 trở lại đây, trong xu thế cạnh tranh, thương hiệu chiếu Hới từng bước được khôi phục, nghề dệt chiếu làng Hới đã phát triển và mở rộng hơn bao giờ hết. Không chỉ làng Hới mà các làng khác trong xã Tân Lễ đã giàu lên nhờ nghề dệt chiếu. Đến thời điểm năm 2010, ở nhiều làng nghề khác trong tỉnh Thái Bình giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nhưng làng Hới và cả xã Tân Lễ sống chủ yếu bằng nghề chiếu. Thường thì trong một năm nghề chiếu chỉ tập trung sản xuất cao độ khoảng 8 tháng, còn lại 4 tháng có thể dành thời gian cho sản xuất nông nghiệp nên nhiều hộ gia đình trong xã vẫn nhận ruộng cấy lúa nhưng phần đông là thuê khoán người làm từ những người không có nghề hoặc từ các nơi khác đến làm thuê. Nghề chiếu đã thu hút đa phần số lao động của làng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng chiếu làm ăn ổn định và phát đạt. Mặt hàng chiếu Hới truyền thống xuất ra các thị trường trong và ngoài nước ngày một thêm nhiều. Chắc chắn nghề dệt chiếu làng Hới sẽ phát triển bền vững như đã nổi danh từ nhiều trăm năm trước.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày