Thứ 2, 06/05/2024, 17:40[GMT+7]

Buồn vui chuyện nghề và làng nghề ở Đông Lĩnh

Thứ 3, 16/07/2013 | 09:10:51
1,718 lượt xem
Việc phát triển nghề và làng nghề được xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) xác định là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, những nghề mới du nhập chưa thu hút được nhiều lao động tham gia.

Phụ nữ xã Phú Lương ( Đông Hưng) với nghề móc hộp xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Linh

Với 2/5 thôn được công nhận làng nghề (thôn Xuân Phong được công nhận năm 2003, thôn Đông An năm 2005), Đông Lĩnh được biết đến với các nghề: dệt chiếu, mây tre đan, móc hộp, thêu ren. Hiện nay, còn xuất hiện thêm các nghề mới như làm vàng mã, cơ khí, khai thác cát,... Không thể phủ nhận nghề và làng nghề ở Đông Lĩnh phát triển đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đem lại giá trị sản xuất cao. Cụ thể như năm 2012, tổng giá trị sản xuất của 2 thôn Đông An và Xuân Phong đạt khoảng 14 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất từ nghề chiếm 36 - 40%. Giá trị sản xuất từ nghề năm sau luôn cao hơn năm trước, thôn Đông An năm 2012 đạt 2,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011; thôn Xuân Phong năm 2012 đạt 2,8 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2011.

Những nghề mang lại giá trị sản xuất cao như mây tre đan (1,8 tỷ đồng/năm), dệt chiếu (70 triệu đồng/năm), móc hộp (160 triệu đồng/năm). Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả mà nghề và làng nghề mang lại, ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Làng nghề ở Đông Lĩnh luôn phát triển theo hướng đa nghề, các thôn tiếp tục duy trì những nghề đã có và du nhập thêm  nghề mới phù hợp với thực tế lao động tại địa phương. Nhiều năm qua, nghề và làng nghề phát triển đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống còn 7,8% (năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo là 9%), góp phần tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình.

 Tuy nhiên, những nghề như mây tre đan, móc hộp, dệt chiếu trước đây thu hút đông lao động và là nghề sản xuất chính của làng thì gần một năm trở lại đây, những nghề này đang có xu hướng giảm lao động, một số cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc đang hoạt động cầm chừng. Điển hình như cơ sở sản xuất mây tre đan của gia đình bác Nguyễn Văn Chất (thôn Xuân Phong). Ở thời kỳ hưng thịnh, cơ sở của gia đình bác thu hút hơn 100 lao động, lúc nào cũng nhộn nhịp người đến trả hàng và lấy hàng. Thế nhưng một năm trở lại đây, cơ sở của bác đã phải ngừng hoạt động vì sản phẩm làm ra qua nhiều khâu trung gian nên giá trị ngày công không tương xứng với sức lao động dẫn đến tình trạng người dân tìm nghề khác để làm, cho thu nhập ổn định hơn.

Cùng chung hoàn cảnh với cơ sở của bác Nguyễn Văn Chất là cơ sở sản xuất mây tre đan của chị Phạm Thị Thu (thôn Đông An). Chị chia sẻ với chúng tôi: Trước đây, cơ sở của chị có khoảng 200 lao động nhưng tới nay chỉ còn 60 - 70 người. Do các công ty mở ra nhiều nên đã thu hút lượng lớn lao động trẻ và khỏe. Họ chọn đi làm tại các công ty vì thu nhập cao hơn và có nhiều chế độ ưu đãi với người lao động. Còn lại số ít những người không có điều kiện như lao động trung niên, chưa qua đào tạo mới bám trụ với nghề.

Ngoài ra, còn một số cơ sở khác như cơ sở móc hộp của chị Đặng Thị Mơ (thôn Đông Tiến), hiện nay, lượng lao động cũng đang giảm dần chỉ còn khoảng 30 lao động. Một số cơ sở dệt chiếu do chủ cơ sở chuyển địa điểm sang xã khác hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác nên việc duy trì và phát triển nghề đang gặp khó khăn. Những nghề mới như vàng mã, cơ khí, khai thác cát chỉ dừng lại ở việc khai thác lao động của gia đình hoặc nếu có thuê người làm thì cũng chỉ khoảng 3 - 5 người. Không chủ động được nguồn hàng, phụ thuộc vào chủ hàng cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều cơ sở gặp khó khăn trong việc phát triển bền vững ngành nghề.

Đông Lĩnh là xã phát triển đa nghề nên việc tạo điều kiện thuận lợi để hình thành thêm ngày càng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã là điều cần thiết. Đồng thời, xã cần thường xuyên bố trí cán bộ trực tiếp xuống các cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, có như thế mới tạo động lực thúc đẩy nghề và làng nghề phát triển bền vững.

Huyền Trang

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày