Để làng nghề cất cánh
Nghề phụ thành nghề chính
Nói là làng nghề nhưng thực ra cả xã đều làm nghề, gọi là nghề phụ nhưng thực chất lại là nghề chính - đó chính là cái hay của một số làng nghề ở huyện Kiến Xương. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, làng nghề truyền thống ở nơi đây vẫn phát triển đa dạng và duy trì 25 làng nghề. Nhiều làng nghề, sản phẩm làng nghề có chiều hướng phát triển tốt như chạm bạc Đồng Xâm, mây tre đan Thượng Hiền, dệt đũi Nam Cao, gạo rươi Hồng Tiến... Ngoài phát triển ổn định các nghề truyền thống, huyện đã du nhập thêm một số nghề mới như dệt chiếu nilon, móc sợi, làm lông mi giả... góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Đến nay toàn huyện có 6 nghệ nhân được công nhận nghệ nhân cấp quốc gia, có 3 sản phẩm là chạm bạc Đồng Xâm, mắm cáy Hồng Tiến, gạo rươi Hồng Tiến đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề. Nhiều làng nghề nhộn nhịp, hối hả, làm việc quanh năm và là nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương.
Nghề mây tre đan ở Thượng Hiền phát triển tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.
Điển hình như ở xã Thượng Hiền, nhờ có nghề phụ người dân nơi đây thu nhập ổn định từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Xuân Hợp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Làng nghề truyền thống mây tre đan có cách đây trên 100 năm nhưng đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân trong xã. Nghề này có nhiều công đoạn khác nhau và đa dạng các sản phẩm từ mặt mây đến các hàng hoa, giỏ hàng phục vụ xuất khẩu nên chưa bao giờ làng nghề dừng hoạt động. Đến nay toàn xã vẫn duy trì 75% số hộ làm nghề, có hai doanh nghiệp lớn và hàng chục cơ sở chuyên cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Điều đặc biệt nhất là những người ngoài độ tuổi lao động, học sinh, trẻ em, cán bộ, công chức đều có thể làm nghề cho thu nhập cao.
Cùng với đó, huyện Kiến Xương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tiểu thủ công nghiệp, nghề và làng nghề. Vì thế, mô hình sản xuất nghề và làng nghề đang từng bước thay đổi sang hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, dịch chuyển dần từ các hộ làm nghề cá thể sang thành lập các doanh nghiệp tư nhân để tăng khả năng phát triển, tăng cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, toàn huyện có 18 doanh nghiệp, hợp tác xã và 256 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong làng nghề với trên 10.000 lao động. Điển hình như làng nghề chạm bạc Đồng Xâm hiện có trên 300 hộ làm nghề thu hút khoảng 4.000 lao động, tập trung ở 3 xã: Hồng Thái, Lê Lợi, Trà Giang. Năm 2022, giá trị sản xuất từ nghề đạt trên 1.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2018 - 2022 đạt 13,5%/năm, thu nhập bình quân 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Đánh thức tiềm năng du lịch làng nghề
Cần phải đánh thức tiềm năng du lịch làng nghề, đó là một trong những định hướng mới trong phát triển làng nghề ở Kiến Xương nhằm đẩy mạnh quảng bá nét đẹp văn hóa làng nghề, qua đó gìn giữ, phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, phát triển bền vững làng nghề, thu hút thêm nhiều du khách đến với làng nghề nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.
Ông Nguyễn Văn Dực, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Các làng nghề ở huyện được đánh giá vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để xây dựng sản phẩm phục vụ hoạt động du lịch. Nhiều làng nghề còn giữ được nhiều nét đẹp xưa, tạo ra nhiều điểm hấp dẫn và mới lạ cho du khách. Để làng nghề trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc, Kiến Xương sẽ quy hoạch, lựa chọn đầu tư, bảo tồn, gìn giữ những làng nghề đặc trưng, hướng đến nhiều đối tượng khách; xây dựng không gian văn hóa làng nghề; tạo ra những sản phẩm hàng hóa hấp dẫn để thu hút du khách mua sắm; gìn giữ những nét đẹp truyền thống của làng nghề; phát triển hệ thống giao thông tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan. Điển hình như đối với dệt đũi Nam Cao trong thời gian qua không chỉ trở thành điểm sáng về mô hình, cách làm mới khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống mà còn gắn với du lịch làng quê và du lịch trải nghiệm. Kiến Xương đã và đang hình thành chuỗi du lịch làng nghề từ chạm bạc Đồng Xâm đến dệt đũi Nam Cao sang mây tre đan Thượng Hiền tạo ra những sản phẩm, dấu ấn cho du khách trải nghiệm, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại ở các địa phương. Đối với làng nghề dệt đũi Nam Cao, UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng tư liệu để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể làng nghề.
Những chiếc khung cửi và những người thợ điêu luyện đam mê với nghề.
Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX Lụa đũi Nam Cao chia sẻ: Việc khôi phục lại làng nghề đã là một thành công lớn nhưng quan trọng nhất là tôi đã dần hình thành được điểm du lịch trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan mua sắm. Mô hình này được kết hợp giữa nông dân, HTX và công ty, tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm, thu hút hơn 200 hộ dân ở Nam Cao làm nghề và cơ sở Hanh Silk trên Hà Nội chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm. Điều đặc biệt là làng nghề ở Nam Cao vẫn giữ được hồn cốt, hình ảnh độc đáo của làng quê Việt trước đây như những căn nhà quê xưa, con đường làng nhỏ uốn lượn cùng những hàng cây cảnh, bức tường gạch cổ và những khung cửi gỗ, tiếng máy dệt và những người già cần mẫn làm nghề tạo nên bức tranh ấn tượng, thú vị đối với du khách. Khi về làng nghề, du khách sẽ được tham quan ngắm cảnh làng quê, lắng nghe câu chuyện phục dựng lại làng nghề, chiêm ngưỡng và trải nghiệm đánh ống, se tơ, dệt lụa qua đó hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của làng nghề truyền thống Việt Nam. Vì thế, định hướng của HTX là sẽ xây dựng phát triển nghề dệt đũi kết hợp du lịch trải nghiệm trên quy mô 5ha có đầy đủ cơ sở hạ tầng để đón 50.000 khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 1.000 lao động, đưa doanh thu từ hoạt động thương mại, du lịch tăng trưởng 30%/năm.
Như vậy, phát triển du lịch làng nghề được coi là giải pháp quan trọng trong gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho khu vực nông thôn ở Kiến Xương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Do đó, ngoài việc ban hành cơ chế, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ góp phần khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nghề và làng nghề Kiến Xương sẽ tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, mời gọi thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển làng nghề, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình