Thứ 2, 06/05/2024, 05:18[GMT+7]

Chổi đót Tam Quang và những câu chuyện thoát nghèo

Thứ 2, 22/07/2013 | 09:49:03
4,157 lượt xem
Ngoài việc thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng đời sống mỗi gia đình, nguồn thu từ những chiếc chổi còn giúp cho con em trong xã được học hành đầy đủ, các công trình phúc lợi của xã được xây dựng, góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp, nếp sống văn hóa được giữ vững trên từng nẻo đường, ngõ xóm.

Công việc hàng ngày của gia đình ông Hoàng Khắc Thư (thôn Nghĩa Khê).

Diện mạo nông thôn đang từng bước khởi sắc trên vùng đất Tam Quang (Vũ Thư). Những ngôi nhà cao tầng san sát, những con đường bê tông trải dài, rộng khắp thôn làng là dấu ấn về sự phát triển kinh tế nơi đây. Cùng với đó là hệ thống trường học khang trang, trạm y tế xanh, sạch... đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Có được điều đó, ngoài sự chỉ đạo đúng hướng của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành cùng sự quyết tâm, nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người dân trong xã, không thể không nhắc đến vai trò của những... chiếc chổi.

Trước kia, Tam Quang là một xã thuần nông không có nghề phụ, đời sống của người dân bấp bênh, quanh năm suốt tháng chỉ biết phụ thuộc vào 2 vụ lúa. Những năm được mùa thì không sao, vào năm mất mùa thì cực khổ trăm bề, người dân phải lo “chạy chợ” khắp nơi để mưu sinh, kiếm miếng cơm, manh áo.

Sau những năm tháng xuôi ngược vào Nam ra Bắc tìm, học nghề, người dân Tam Quang gặp được chổi đót (hay còn gọi là chổi chít), để từ đó họ “kết duyên” với chổi và cho đến tận ngày nay “mối nhân duyên” ấy vẫn được giữ vững. Thời gian đầu, chỉ có một số gia đình làm chổi nhưng sau đó, nhận thấy mặt hàng này có sức tiêu thụ lớn trên thị trường nên việc sản xuất chổi được nhân rộng ra toàn xã cùng với những cải tiến về mẫu mã và chất lượng. Hiện nay, Nghĩa Khê và Hợp Tiến là hai thôn chủ lực của xã sản xuất chổi đót, chổi thanh hao, chổi rễ... với hàng trăm hộ gia đình tham gia.

Ở Tam Quang, chổi không chỉ giúp địa phương giải quyết bài toán kinh tế, tận dụng được sức lao động trong lúc nông nhàn mà còn góp phần tạo thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống từng gia đình. Số hộ nghèo trong xã giảm đáng kể, những vấn đề xã hội từng bước được cải thiện. Một số gia đình trong xã đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu tiêu biểu là đại gia đình ông Hoàng Khắc Ngật (thôn Nghĩa Khê). Ông Ngật kể lại: gia đình tôi trước kia rất khó khăn, nhà chỉ có vài sào ruộng, năm nào lúa năng suất kém phải lo ăn từng bữa, mấy năm nay nhờ có chổi đót đời sống đã khấm khá hơn, cả 3 cháu nhà tôi đều tham gia sản xuất chổi và kinh tế gia đình các cháu đều khá giả.

 

Gia đình ông Ðoàn Xuân Phước bên máy se dây tự sáng chế

Cùng thôn với ông Ngật, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Sỹ Hoạch cũng có sự thay đổi tích cực từ khi sản xuất chổi, nhờ vào chổi mà ông nuôi được hai con ăn học, từng bước vươn lên làm giàu. Ông tâm sự: “Cháu lớn nhà tôi học đại học, may mà gia đình có nghề làm chổi chứ trông vào vài ba sào ruộng thì không biết xoay xở thế nào. Nói là nghề phụ nhưng nó lại nuôi cả gia đình”. Không riêng gia đình ông Ngật, ông Hoạch mà còn rất nhiều những gia đình khác ở Tam Quang đã thoát nghèo, ổn định và phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ vào việc sản xuất chổi.

Bên cạnh việc tạo việc làm cho người dân, giúp một số hộ kinh doanh, sản xuất chổi làm giàu, chổi còn tạo thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho người già hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bởi nhờ việc nhặt đót, quấn chổi, họ có thêm 50.000 đến 70.000 đồng/ người/ngày để có thể tự nuôi bản thân mà không phụ thuộc vào con cháu. “Từ khi có nghề làm chổi về làng gia đình tôi phấn khởi lắm. Trước kia sau khi cấy lúa xong, lúc nông nhàn không biết làm thế nào để kiếm thêm thu nhập, giờ tranh thủ làm thêm mỗi ngày cũng có vài chục nghìn...” đó là tâm sự của bà Hoàng Thị Sơn. Dù đã trên 70 tuổi nhưng ông, bà Ðoàn Xuân Phước (thôn Nghĩa Khê) hàng ngày vẫn se dây để có những cuốn sợi nhỏ góp phần tạo nên những chiếc chổi bền, chặt, mẫu mã đẹp, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Nhờ chổi, ông Phước còn phát huy tính sáng tạo, chế  ra “cỗ máy se dây” hữu ích, tiết kiệm sức lao động, nâng cao năng suất, giảm thiểu thời gian sản xuất chổi.

Ông Hoàng Trọng Thư, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: dù là nghề phụ của xã nhưng những năm qua nhờ có nghề sản xuất chổi mà nhiều gia đình thoát nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Sản xuất chổi còn tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội tại địa phương.

Ngoài việc thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng đời sống mỗi gia đình, nguồn thu từ những chiếc chổi còn giúp cho con em trong xã được học hành đầy đủ, các công trình phúc lợi của xã được xây dựng, góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp, nếp sống văn hóa được giữ vững trên từng nẻo đường, ngõ xóm. Với việc đón nhận danh hiệu làng nghề năm 2013, hy vọng trong thời gian tới, chổi đót Tam Quang sẽ khẳng định được vị trí của mình trên thương trường, tiếp tục có thêm những đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày