Thứ 6, 22/11/2024, 10:05[GMT+7]

Chị Thêu làm giàu từ nghề mây tre đan

Thứ 4, 15/05/2024 | 21:44:57
8,319 lượt xem
Hàng ngày, cơ sở sản xuất mây tre đan của gia đình chị Trịnh Thị Thêu, xã Thụy Liên (Thái Thụy) luôn tấp nập người vào ra để nhận nguyên vật liệu, giao sản phẩm. Từ cơ sở này, chị Thêu không chỉ giúp cho hàng trăm hộ nông nhàn có thêm thu nhập mà còn làm giàu cho gia đình.

Cơ sở sản xuất mây tre đan của gia đình chị Trịnh Thị Thêu, xã Thụy Liên (Thái Thụy) cho thu nhập cao.

Trong khuôn viên cơ sở sản xuất của chị Thêu, những sợi mây vàng óng cùng hàng trăm sản phẩm có mẫu mã bắt mắt được phơi ở khắp nơi. Tiếng trò chuyện của người làm tạo nên không khí sản xuất nhộn nhịp. Chị Thêu chia sẻ: Sau khi lập gia đình, tôi quyết định lựa chọn nghề móc sợi để phát triển kinh tế. Thế nhưng, khi tìm hiểu về nhu cầu thị trường, tôi dần chuyển sang sản xuất các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu. Ban đầu tôi xây dựng cơ sở nhỏ với diện tích khoảng 150m2 để sản xuất và làm kho chứa sản phẩm. Đến nay, gia đình tôi duy trì nghề được 7 năm, sản xuất đa dạng mặt hàng gồm giỏ hoa, các loại khay, đĩa, sản phẩm trang trí... 

Là mặt hàng thủ công nên người làm các sản phẩm mây tre đan đòi hỏi phải có tay nghề để bảo đảm hoàn thiện đúng kỹ thuật, mỹ thuật, mẫu mã của đơn hàng. Vì vậy, bên cạnh việc cung cấp nguyên, vật liệu cho các hộ, chị Thêu cũng phải dành thời gian hướng dẫn cho mọi người cách làm khi có mẫu mã mới. Theo chị, khi bắt đầu làm người dân chưa có kinh nghiệm nên chị phải kiên trì chỉ dẫn trong hơn 1 tháng. Nhờ sự quyết tâm, chăm chỉ của hai vợ chồng nên cơ sở đã thu hút hàng trăm lao động tham gia sản xuất mây tre đan tại nhà.

Anh Lê Huy Thao, chồng chị Thêu chia sẻ: Việc sơ chế nguyên liệu là bước quan trọng nhất trong quy trình sản xuất. Mây phải được ngâm, làm sạch tạo ra một bề mặt bóng mịn và phơi sấy để khô mây lấy màu tự nhiên. Chẻ sợi là công đoạn quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất bởi các sợi không được dày cũng không được mỏng quá, tạo ra độ dẻo dai cho nguyên liệu để có thể tạo ra những sản phẩm khác nhau. Tại cơ sở đang có 4 công nhân cùng tôi làm các công việc từ sơ chế nguyên liệu, đóng gói đến chỉnh sửa hoàn thiện sản phẩm. Hơn 10 năm trước, khi số lượng đơn hàng, sản phẩm ngày càng nhiều, gia đình tôi đầu tư mua xe tải để vận chuyển hàng hóa. Nhờ phân chia các tổ để sản xuất nên việc quản lý, thu gom hàng hóa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

“Hầu hết người làm cho gia đình chị Thêu đều là người cao tuổi như chúng tôi. Tùy vào sức khỏe, cách sắp xếp thời gian của mỗi người sẽ làm ra lượng sản phẩm khác nhau. Trung bình mỗi ngày tôi làm được 8 - 10 sản phẩm nhỏ, với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng” - bà Bùi Thị Khẩm, 67 tuổi, xã Thụy Bình chia sẻ. 

Chị Thêu cho biết thêm: Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của tôi đầu tư khoảng 100 - 150 triệu đồng để mua mây tươi và hơn 200 triệu đồng để trả lương cho các hộ tham gia sản xuất. Mỗi năm chúng tôi sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm các loại theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài, cho thu nhập hàng tỷ đồng. 

Cùng với tiếp tục duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người dân, chị Thêu cũng mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, tổ chức Hội Nông dân để được thuê đất mở rộng diện tích kho, cơ sở sản xuất. 

Ông Lê Văn Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã đánh giá: Chị Trịnh Thị Thêu là một trong những hội viên làm kinh tế giỏi tiêu biểu của địa phương. Gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đồng thời tích cực tham gia các phong trào, đóng góp vào công tác an sinh xã hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chị Thêu mở rộng sản xuất; tuyên truyền, vận động các hộ dân học hỏi, làm theo mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Thêu. 

Sản phẩm mây tre đan tại cơ sở sản xuất của chị Trịnh Thị Thêu. 

Nguyễn Triệu   

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày