Thứ 6, 23/05/2025, 11:33[GMT+7]

Chí Hòa Phát triển nghề và làng nghề

Thứ 4, 28/08/2013 | 10:23:24
1,465 lượt xem
Trước kia Chí Hòa là một trong những xã nghèo của huyện Hưng Hà, người dân chủ yếu sống bằng canh tác nông nghiệp một năm 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Những năm gần đây nhiều người dân trong xã mạnh dạn đầu tư mở xưởng may khăn, may túi, thêu ren, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Cũng từ đó đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

Với công việc hiện tại, mỗi tháng chị Nguyễn Thị Hương (thôn Vân Đài, xã Chí Hòa, Hưng Hà) thu nhập trên 2 triệu đồng.

Xã Chí Hòa có 6 thôn, 2.112 hộ với 6.328 nhân khẩu trong đó tổng số hộ tham gia làm nghề là 1.100 hộ (chiếm trên 50%). Xã có diện tích đất canh tác ít nên thu nhập của người dân từ sản xuất nông nghiệp không cao, kém ổn định. Trước thực trạng trên, chính quyền xã tuyên truyền vận động người dân ưu tiên phát triển nghề và xây dựng làng nghề. Thế mạnh của xã là đã có nghề may khăn xuất khẩu hình thành và phát triển từ năm 2005 đến nay.

Chúng tôi cùng đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Đức Thủy, đến thăm xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu của gia đình chị Phạm Thị Tiền, thôn Vị Giang. Vừa chỉ việc cho những lao động đang hoàn thành công đoạn cuối cùng của chiếc tủ, chị Phạm Thị Tiền cho biết: Hiện xưởng sản xuất của gia đình đang tạo việc làm cho 40 lao động, chủ yếu là thanh niên trong và ngoài xã, thu nhập được trả theo tay nghề, với mức từ 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Những năm trước, khi nền kinh tế chưa gặp khó khăn, thị trường rộng mở, công việc làm không xuể, lúc cao điểm xưởng sản xuất của gia đình chị có đến gần 100 lao động. Anh Nguyễn Duy Hải, thôn An Tiến chia sẻ: Trước khi về làm việc tại xưởng mộc của chị Tiền, anh từng làm công nhân may trong Nam, công việc vất vả mà thu nhập không cao, ngoài ra còn phải thuê nhà, sinh hoạt đắt đỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi xưởng sản xuất của chị Tiền đi vào hoạt động, anh Hải cùng nhiều thanh niên khác trong làng về đây học nghề và gắn bó với cơ sở, đến nay đã có thu nhập ổn định. Với tay nghề vững như hiện nay, anh Hải thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, mức khá cao so với nhiều lao động nông thôn.

Trái ngược với không khí sôi động và náo nhiệt ở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, bước vào thôn Vân Đài chúng tôi lại có cảm giác nhịp sống yên bình trong mỗi gia đình nơi đây. Vân Đài hiện có hơn 1.500 nhân khẩu, trong đó gần 700 nhân khẩu tham gia nghề may. Anh Nguyễn Trung Thông, chủ cơ sở may túi xuất khẩu dùng trong siêu thị cho biết: Từ thực tế nhân dân địa phương những năm qua chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, sau thời gian mùa vụ người dân không có việc làm, cuộc sống khó khăn.

Năm 2006, gia đình anh đầu tư mua 10 máy may công nghiệp, mở xưởng may khăn, ban đầu nhận hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho người lao động. Đến năm 2010, gia đình chuyển sang may túi dùng trong các siêu thị nước ngoài. Nhận thấy nhu cầu đặt hàng lớn, gia đình anh mở rộng cơ sở, tuyển thêm lao động; đến nay đã có 1 xưởng sản xuất rộng trên 100 m2 với 30 máy may, tạo việc làm cho trên 30 lao động, chủ yếu là phụ nữ trong thôn. Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Vân Đài đã có 3 năm gắn bó với nghề may cho biết: Sau ngày mùa, chị đến làm thêm tại xưởng may của gia đình anh Thông. Làm việc tại đây không bị gò bó về thời gian, chị có điều kiện chăm sóc cho gia đình và nuôi dạy con cái học hành. Ngoài thời gian làm việc tại xưởng, chị còn nhận thêm hàng về làm tại nhà vào buổi tối. Với thu nhập hiện nay khoảng 2 triệu đồng/tháng, cuộc sống của gia đình chị cũng dần được cải thiện.

Phát triển nghề và xây dựng làng nghề đang là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Trong thời gian tới, UBND xã Chí Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm phấn đấu để thôn Vân Đài được công nhận là làng nghề vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, theo ông Bùi Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND xã Chí Hòa, việc sản xuất và kinh doanh tại các cơ sở hiện đang gặp nhiều khó khăn. Cái khó nhất là các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu, nhưng hiện các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ nên chưa thể xuất trực tiếp mà vẫn qua nhiều khâu trung gian, do vậy thu nhập của người lao động thấp.

Bài, ảnh: Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày