Thứ 4, 30/04/2025, 12:37[GMT+7]

Nghề nấu rượu Mai Hạ

Thứ 5, 29/08/2013 | 18:13:59
6,276 lượt xem
Người Việt có câu "Vô tửu bất thành lễ" để nhấn mạnh tầm quan trọng của rượu trong lễ nghi giao tiếp. Mỗi địa phương trên đất nước ta đều có những loại rượu rất đặc trưng và trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở đó. Sa Pa có tinh tuý rượu táo Mèo, Bắc Giang đượm hồn quê trong rượu Làng Vân, Bình Định nổi tiếng với rượu được nấu bằng gạo lứt có tên Bầu Đá, Long An có mỹ tửu rượu đế Gò Đen và Hoà Bình được nhắc đến nhiều hơn cả bởi men say Mai Hạ.

Khẳng định thương hiệu rượu Mai Hạ, quảng bá rượu Mai Hạ ra thị trường trong nước và quốc tế với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với quảng bá văn hoá là việc làm cần thiết hiện nay.

 

Rượu Mai Hạ - một thương hiệu đang dần được khẳng định.

 

Tháng 6, chúng tôi vào thăm xóm Chiềng Hạ, xã Mai Hạ (Mai Châu) nơi được coi là thủ phủ của rượu Mai Hạ. Vừa tới đầu xóm đã ngửi thấy trong gió phảng phất mùi rượu thơm. Xóm Chiềng Hạ yên bình với hơn 90% người dân là bà con dân tộc Thái nên nơi đây vẫn còn lưu giữ lại được tương đối nguyên vẹn bản sắn văn hoá dân tộc Thái từ ngôi nhà sàn truyền thống, trang phục, ẩm thực cho đến chén rượu cay nồng. Điểm đặc biệt nhất ở rượu Mai Hạ là men rượu do người dân nơi đây tự làm.

 

Chị Vì Thị Tồn (xóm Chiềng Hạ) đã có kinh nghiệm gần 20 năm nấu rượu cởi mở: Kỳ công nhất của rượu Mai Hạ là công đoạn làm men. Các loại lá làm men không bao giờ có bán sẵn mà phải do người dân tự đi hái, nhiều loại hiện nay quanh khu vực Mai Châu đã không còn nữa, phải đi xa mới hái được. Khoảng hơn chục các loại lá, củ, quả nhưng riềng dại, gừng, nhòng nhạnh, cú đin, bưởi, ổi, hồng bì được hái về rửa sạch, phơi khô, giã nhỏ, rây thành bột rồi đem trộn với bột gạo và bột sắn làm thành nắm men. Tỷ lệ các loại lá, củ, quả làm men sẽ quyết định hương vị, độ thơm ngon của rượu. Đây cũng là bí quyết riêng được các gia đình truyền lại cho con cháu.

 

Nắm men rượu Mai Hạ to nhưng những chiếc bánh bao, xốp và nhẹ. Hông nấu rượu truyền thống của người Mai Hạ là một thân cây khoét rỗng. Cái rượu được làm từ sắn, cả củ sấy khô, thường được để lâu ngày trên gác bếp. Sắn càng sấy khô, càng để lâu ngày càng hết độc tố, rượu càng trong và không có vị đắng. Sắn được đồ chín, tãi ra nia trộn đều với men lá rồi đem ủ. Cái rượu ủ càng lâu càng ngấu, càng được rượu và hương thơm càng thơm. Sau khi đã lên men, cái rượu được chưng cất bằng dụng cụ chưng cất truyền thống bằng gỗ, theo nguyên lý chưng cất thuỷ.

 

Được tinh cất từ lá cây của đại ngàn, sắn ngô của đất, qua bàn tàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, rượu Mai Hạ trong veo, hơi rượu thơm nồng. Uống rượu Mai Hạ không có cảm giác gắt hay nóng cổ, nếu có trót lỡ chén thì cũng không cảm thấy đau đầu. Rượu Mai Hạ đã làm hài lòng cả những ẩm khách khó tính! Vượt qua phạm vi làng xã, không còn đơn thuần là tự sản, tự tiêu rượu Mai Hạ đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm nhấn đặc biệt của thung lũng du lịch Mai Châu. Dần dần, thương hiệu rượu Mai Hạ đã được hình thành, khẳng định!

Nguồn langnghe.org

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày