Thứ 4, 15/01/2025, 14:35[GMT+7]

Tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn từ nghề may

Thứ 2, 08/07/2024 | 11:12:19
6,320 lượt xem
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và khát vọng vươn lên làm giàu, vợ chồng chị Bùi Thị Sim, xã Phúc Khánh (Hưng Hà) quyết tâm thành lập công ty may xuất khẩu, tạo thu nhập cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương.

Công ty của chị Bùi Thị Sim giải quyết việc làm cho 150 lao động tại chỗ và hơn 20 lao động vệ tinh.

Cùng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tới thăm Công ty TNHH May TSC của gia đình chị Sim với doanh thu mỗi tháng trên 1 tỷ đồng, tôi thật sự khâm phục sự năng động, tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của người phụ nữ trẻ. Năm 2009, vợ chồng chị Sim bắt tay vào mở xưởng sản xuất khăn bông với số vốn ban đầu ít ỏi, vay vốn ưu đãi thông qua các hội tại địa phương. Sau vài năm, xưởng khăn của chị phát triển, có thu nhập ổn định nhưng giá thành sản phẩm thấp, không thu hút được nhiều lao động địa phương đến làm việc. Với sự cần cù, chịu khó, chị Sim sang tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm, nhận thấy tiềm năng, cơ hội của ngành sản xuất hàng quần áo xuất khẩu nên quyết tâm học nghề may quần áo, mở rộng quy mô xưởng sản xuất. 

Chị chia sẻ: Nhận thấy tại địa phương vẫn chưa có nghề bền vững, hầu hết chị em trong xã ngoài làm ruộng chưa có việc làm thêm lúc nông nhàn hoặc hàng ngày phải bắt xe buýt rất xa đến các cụm công nghiệp tỉnh ngoài làm công nhân, tôi đã bàn với chồng đi học nghề, liên kết với công ty và mở xưởng may quần áo để nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động trong xã. 

Nghĩ là làm, chị Sim dành 2 năm đi học nghề, sau về hướng dẫn cho chị em trong xưởng cùng làm. Chị cho biết: Học nghề xong, tôi sang Nam Định nhập vải về vừa làm vừa đào tạo nghề cho công nhân. Toàn bộ số tiền dành dụm được sau 7 - 8 năm làm xưởng khăn bông, cùng với vay vốn tín chấp, năm 2018 tôi dồn hết vào mở xưởng may quần áo, rồi thành lập Công ty TNHH May TSC. Tôi xác định nghề may vất vả, thua lỗ vài năm đầu nhưng lại rất tiềm năng, sau ổn định, thu nhập nâng cao, chị em trong xã có việc làm ổn định. Thời gian đầu, Công ty gặp không ít khó khăn do đơn hàng ít, thị trường đầu ra chưa ổn định, công nhân mới tuyển tay nghề chưa cao. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ những lô hàng bị lỗi, không đạt chất lượng, đến nay sản phẩm do Công ty làm ra đều bảo đảm về mẫu mã, chất lượng. Với xưởng may rộng hơn 1.000m2 tại thôn Sòi 1, xã Phúc Khánh có 150 máy may đã tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động tại địa phương và hơn 20 lao động vệ tinh.

Làm việc lại Công ty TNHH May TSC, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, công tính theo sản phẩm nên trung bình được trả từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đối với những công đoạn dễ, người già cũng có thể làm chị đều ưu tiên cho các bà kiếm thêm thu nhập. 

Bà Nguyễn Thị Viết, thôn Sòi năm nay 70 tuổi vui mừng chia sẻ: Chị em trong xã vào Công ty của chị Sim chưa biết nghề được dạy nghề, tôi già rồi nên có thể làm những công đoạn đơn giản, không đòi hỏi tay nghề, hàng tháng thu nhập 3 - 4 triệu đồng. Công việc đều, không vất vả, chị em rất đoàn kết, hỗ trợ nhau. Tôi mong Công ty phát triển, mở rộng để nhiều người có việc làm và thu nhập cao. 

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, từ năm 2021 đến nay, Công ty TNHH May TSC hoạt động ổn định, nhiều đơn hàng lớn xuất khẩu sang các nước châu Âu, Hàn Quốc. Trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất hơn 65.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Chị Sim chia sẻ thêm: Phần lớn lãi doanh thu tôi dành để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc, dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống cho công nhân, bảo đảm việc làm thường xuyên và tăng thu nhập người lao động. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Sim còn là thành viên tích cực trong các hoạt động của Chi hội Phụ nữ thôn, tham gia Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Mỗi năm chị trích kinh phí tặng 10 thẻ bảo hiểm thân thể cho phụ nữ yếu thế trên địa bàn xã; quyên góp và vận động bà con xây dựng đường giao thông trong thôn. Mô hình phát triển kinh tế của vợ chồng chị Sim không chỉ giúp gia đình chị vươn lên làm giàu mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn xã. Chị Sim trở thành điển hình trong phong trào thi đua “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” của xã Phúc Khánh. 

Chị Bùi Thị Sim hướng dẫn công nhân may tại doanh nghiệp của mình. 

Hà Tuyết  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày