Thứ 2, 12/08/2024, 00:18[GMT+7]

Bền bỉ giữ nghề

Chủ nhật, 11/08/2024 | 21:29:07
201 lượt xem
Bền bỉ giữ nghề mây tre đan, anh Vũ Duy Hảo, thôn 3 Đồng Hòa, xã Thụy Phong (Thái Thụy) đã gây dựng được công ty của riêng mình và tạo việc làm cho hơn 600 người.

Anh Vũ Duy Hảo (người bên trái) kiểm tra sản phẩm tại xưởng.

Cơ sở mây tre đan của anh Hảo được thành lập hơn 20 năm trước. Mục đích là nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho những người lớn tuổi, những người làm nông nghiệp trong lúc nông nhàn và duy trì nghề truyền thống tại địa phương. 

Anh Hảo cho biết: Mây tre đan không phải là một nghề kén người làm, dù là già hay trẻ, nam hay nữ đều có thể tạo ra được những sản phẩm mây tre đan đẹp mắt. Xưa làng nghề vốn chỉ quẩn quanh sản xuất mẹt, rổ, rá... với những họa tiết đơn giản, ít sáng tạo nên thu nhập cũng không cao. Năm 2014, anh thành lập Công ty TNHH Sản xuất mây tre đan Tiến Huy, đưa những kỹ thuật mới vào làm nghề, ký kết sản xuất sản phẩm với nhiều đối tác, cũng vì thế mà người dân có thêm việc làm, thu nhập cao hơn.

Từ địa điểm khởi nghiệp ban đầu là ngôi nhà nhỏ của gia đình, hiện tại anh đã mở được 2 xưởng sản xuất mây tre đan. Công ty của anh Hảo tạo việc làm cho hơn 600 lao động, thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/người/ tháng. 

Bà Đặng Thị Duyên, thôn 2 Đồng Hòa, xã Thụy Phong cho biết: Tôi năm nay hơn 60 tuổi, không còn trẻ để làm tại các công ty, xí nghiệp nên làm mây tre đan cho anh Hảo. Thu nhập của tôi tính theo sản phẩm nên thời gian không bị gò bó, có thể tranh thủ mọi lúc, mọi nơi. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với những người có tuổi, mỗi ngày được trả công 100.000 đồng, thêm thu nhập ổn định hàng tháng mà vẫn có thể làm các công việc khác.

Ngoài sản phẩm từ mây tre, Công ty của anh Hảo cũng sản xuất các mặt hàng từ bèo tây. Các sản phẩm được anh thu nhận từ các cơ sở vệ tinh, đưa về 2 xưởng để điều chỉnh tỉ mỉ, tạo ra sự hoàn hảo và tinh xảo trước khi giao cho các công ty thương mại. Sau đó sẽ được xử lý bảo đảm chất lượng để xuất khẩu. Hàng tháng, Công ty của anh Hảo xuất các mặt hàng với giá trị khoảng 1 - 2 tỷ đồng, lợi nhuận từ 8 - 10%. 

Anh Hảo cho biết: Làm nghề không tránh khỏi những lúc rủi ro, thất bại. Có những lúc thiếu vốn, hàng hóa không đủ cung cấp, có khi hàng hóa chưa bảo đảm chất lượng, thiếu nhân công, không kịp tiến độ giao hàng. Tuy vậy, vợ chồng tôi vẫn kiên trì, bám trụ với nghề, dần dần tạo được uy tín, khách hàng tự tìm đến và gắn bó lâu dài, có những đơn hàng lớn với Công ty. Có những thời điểm khó khăn, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là Huyện đoàn Thái Thụy, Đoàn xã Thụy Phong luôn tin tưởng, đồng hành, tháo gỡ khó khăn giúp tôi. Năm 2003, tôi được Đoàn Thanh niên xã bảo lãnh, tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm để mở cơ sở. Số vốn này rất có ý nghĩa với tôi lúc bấy giờ, để tôi có thêm động lực phát triển mô hình. Đến nay, tôi vẫn tiếp tục vay vốn qua Đoàn Thanh niên xã.

Anh Đặng Văn Tuấn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thụy Phong đánh giá: Trước kia anh Vũ Duy Hảo từng là cán bộ đoàn. Tinh thần vượt khó làm kinh tế của anh Hảo và một số thanh niên tiêu biểu đã lan tỏa tới các thanh niên khác. Dù 45 tuổi nhưng anh Hảo vẫn nhiệt tình tham gia, ủng hộ các phong trào hoạt động của Đoàn Thanh niên xã. 

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Hảo cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô xưởng sản xuất mây tre đan ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh để người lao động có cơ hội làm việc gần, tạo thêm việc làm cho bà con và hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho Công ty.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày