Thứ 4, 15/01/2025, 14:45[GMT+7]

Ứng dụng công nghệ giữ nghề dệt chiếu

Thứ 5, 15/08/2024 | 21:21:55
5,090 lượt xem
Xã An Vũ (Quỳnh Phụ) có nghề dệt chiếu cói từ lâu đời, trải qua những thăng trầm của thời gian đã có thời điểm nghề bị suy giảm. Thế nhưng tại địa phương có một thanh niên quyết tâm khôi phục nghề truyền thống bằng cách đưa công nghệ tiên tiến về làng, làm “sống dậy” làng nghề, đưa chiếu cói An Vũ vươn xa - đó là anh Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui.

Anh Nguyễn Văn Quý (người áo xanh) đầu tư gần 40 máy dệt chiếu để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hồi sinh làng nghề

Trước đây, dệt chiếu được xem như là nghề chính của người dân An Vũ, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng khi kinh tế phát triển, các loại chiếu công nghiệp như: chiếu tre, chiếu trúc, chiếu nhựa... với đủ chủng loại, mẫu mã lưu hành rộng rãi trên thị trường nên chiếu cói ít nhiều đã mất đi vị thế. Trong khi nhiều người dân trong xã không còn mặn mà với nghề dệt chiếu, bỏ nghề đi làm việc khác thì gia đình anh Nguyễn Văn Quý vẫn giữ được nghề. 

Anh Quý cho biết: Là người lớn lên, gắn bó và yêu nghề dệt chiếu, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giữ nghề của cha ông. Sau khi học xong đại học, hai anh em quyết định trở về quê hương nối nghiệp cha phát triển cơ sở sản xuất chiếu cói của gia đình. Cùng với chọn nguồn nguyên liệu cói tốt, tôi nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường để đổi mới, cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất; chú trọng đào tạo nghề cho người lao động nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chiếu cói chất lượng.

Nếu như trước đây 2 người dệt thủ công 1 ngày được 1 đôi chiếu thì nay 1 người đứng máy có thể dệt được 12 đôi chiếu. Với quy mô gần 40 máy dệt chiếu, bình quân mỗi năm Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui sản xuất được 270.000 lá chiếu các loại. Từ thực tiễn sản xuất, anh Quý đã sáng tạo ra thiết bị tự ngắt khi lá chiếu đủ chiều dài, xác định báo lỗi khi sản phẩm dệt không đúng yêu cầu kỹ thuật; thay thế phơi chiếu thủ công sang sấy chiếu bằng ánh sáng; đa dạng các loại mẫu mã sản phẩm; tận dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để bán hàng...

“Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, livestream bán hàng trực tiếp trên các kênh facebook, tiktok và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua mỗi phiên bán hàng khoảng 90 phút, chúng tôi bán được 100 chiếc chiếu các loại cho khách hàng trong cả nước, thậm chí có cả người nước ngoài đặt mua. Như vậy, doanh nghiệp không chỉ bán được hàng mà còn quảng bá được thương hiệu sản phẩm chiếu cói của địa phương. Hiện nay, sản phẩm chiếu cói Thân Vui đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả rõ rệt” - anh Quý chia sẻ.

Đưa làng nghề vươn xa

Lấy chữ tín làm đầu, đa dạng mẫu mã, coi trọng chất lượng sản phẩm đã giúp Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui ngày càng phát triển. Công ty đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ rộng khắp với 35 nhà phân phối, 1.200 cửa hàng bán sản phẩm trên cả nước; không chỉ sản xuất và bán các loại chiếu cói mà còn cung ứng nguyên liệu cói cho nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp hiện tạo việc làm cho gần 200 lao động ở địa phương với thu nhập từ 4 - 12 triệu đồng/người/ tháng, doanh thu đạt 8 - 10 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí lãi 1 tỷ đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Vũ Hạ, xã An Vũ cho biết: Tôi gắn bó với Công ty hơn 10 năm nay từ ngày còn là cơ sở sản xuất. Việc dệt chiếu cói giờ có máy móc làm hết, năng suất tăng hàng chục lần mà công nhân đỡ vất vả. Người làm trực tiếp tại xưởng được trả 10 - 12 triệu đồng/tháng nên chúng tôi cũng bảo đảm được cuộc sống.

Ông Trần Văn Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Vũ đánh giá: Trên địa bàn xã hiện có 5 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chiếu cói quy mô lớn. Trong đó, Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui có quy mô lớn nhất, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Bản thân anh Quý là thành viên Câu lạc bộ nông dân xuất sắc tỉnh Thái Bình, tích cực phổ biến kiến thức, hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất cho 15 hộ cùng làm nghề; ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương hàng chục triệu đồng và được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Anh Nguyễn Văn Quý cho biết thêm: Với mong muốn đưa làng nghề chiếu cói An Vũ vươn xa hơn, thời gian tới tôi tiếp tục liên kết với các cơ sở sản xuất chiếu cói trong và ngoài tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ và mua nguyên vật liệu; không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng; ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm, đồng thời mua thêm máy dệt để nâng sản lượng lên 300.000 lá chiếu các loại/năm.

Lớn lên bên cánh đồng cói, được nuôi dưỡng bằng những bàn tay dệt chiếu nên anh Nguyễn Văn Quý đã thành công “giữ lửa” cho nghề truyền thống của địa phương. Nhìn nhà xưởng rộng 5.000m2 cùng sự “thay da đổi thịt” trong đời sống của người dân trong vùng, chúng tôi thầm cảm kích trước những nỗ lực và thành công của chàng trai trẻ thế hệ 9X khi tiếp nối nghề và giữ nét văn hóa đặc trưng của vùng quê nơi đây. Trong tương lai, để làng nghề chiếu cói An Vũ nói riêng, các làng nghề truyền thống trong tỉnh vươn xa vẫn rất cần sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp để người dân các làng nghề truyền thống sống tốt từ nghề, từ chính cái nghiệp của ông cha.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày