Thứ 6, 22/11/2024, 12:19[GMT+7]

Cứu đào bị ngập sau bão

Thứ 2, 23/09/2024 | 09:23:17
5,222 lượt xem
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều hộ trồng đào tại Thái Bình bị thiệt hại nặng, có nguy cơ “trắng tay” vì đào chết hàng loạt. Bà con đang tập trung tiêu nước, đội nắng đội mưa cứu đào, chủ động mọi phương án phục vụ sản xuất sau bão.

Ông Trương Văn Đãng, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) cắt tỉa cành, giữ gốc để cứu đào.

Những năm trước, vào thời điểm này, vườn đào của gia đình anh Trương Văn Chính, thôn Duy Tân, xã Minh Tân (Đông Hưng) đã được khách hàng đặt mua, cây đào cũng là nguồn thu nhập chính giúp anh vươn lên làm giàu. Thế nhưng, do ảnh hưởng của mưa bão, toàn bộ diện tích trồng hơn 1.300 cây đào các loại của gia đình bị gãy đổ, ngập úng. 

Anh Chính xót xa chia sẻ: Tôi trồng đào từ năm 1996 nhưng chưa bao giờ bị thiệt hại nặng nề như trận bão vừa qua. Đầu năm hì hụi san đất, đắp ụ, trồng cây, chăm bón, dốc toàn bộ công sức, tiền của chỉ trông chờ vào vụ đào tết. Gió giật mạnh khiến cây long gốc, bật gốc, đứt rễ, thậm chí gãy đôi thân khoảng hơn 400 cây, thiệt hại hơn 100 triệu đồng, diện tích còn lại ngập úng do mưa lớn kéo dài. 

Ngay sau khi bão tan, anh Chính đã bơm nước tiêu úng cho diện tích đào bị ngập và chăm sóc những cây còn khả năng cứu được. Hơn 1 tuần nay, anh thuê người dựng lại toàn bộ số cây đào bật rễ mong muốn cứu đào, phần nào giảm thiệt hại song cây ngâm nước lâu gặp nắng lên lá cũng héo lụi, cây khô dần.

Nhìn những cây đào đang héo dần, nhiều nông dân trồng đào tại thôn Hoàng Đức, xã Minh Tân dốc tâm sức chăm bón suốt gần 1 năm qua đều trong tâm trạng xót xa. 

Bà Nguyễn Thị Tâm ngậm ngùi cho biết: Nhà tôi có hơn 6 sào ruộng trồng đào, tiền thuê ruộng mỗi năm 1 triệu đồng/ sào, vốn vay mua giống từ quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng chưa trả hết, cơn bão đã qua đi nhưng đến nay chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến bao công sức đổ bể ngay trước mắt. Hơn 3,5 sào đào từ 2 - 3 năm tuổi trở lên nếu bán dịp tết có giá trị 1,5 triệu đồng/cây nhưng giờ mất trắng vì gió bão đã làm bật gốc, gãy thân, không còn khả năng khôi phục. Mảnh ruộng 2 sào đào còn lại vẫn ngập úng, rễ cây đang có hiện tượng thối đen, nhiều cây héo dần, giống đào kỵ nước, đã úng rễ thì không có cách nào cứu được. Gia đình tôi thiệt hại cả tỷ đồng, bây giờ chỉ mong các cấp, các ngành hỗ trợ được phần nào những nông dân như chúng tôi để có vốn trồng rau màu vụ đông, cây hoa ngắn ngày trên những ruộng trồng đào đã chết, yên tâm ươm vụ đào năm sau.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc HTX DVNN xã Minh Tân cho biết: Toàn xã có trên 70ha trồng đào của 800 hộ, là nguồn thu nhập chính, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu, vùng trồng nhiều nhất ở các thôn Hoàng Đức, Đình Phùng, Duy Tân. Ngay sau khi bão số 3 tan, UBND huyện có văn bản hướng dẫn kê khai thiệt hại tài sản do thiên tai đến từng địa phương, theo thống kê, toàn bộ diện tích trồng đào, cây cảnh, rau màu và lúa đều bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Diện tích trồng đào thiệt hại nặng nhất do gió giật, ngập úng không thể khôi phục khoảng 50%, diện tích cứu được cây sống, giữ được giống cho vụ đào năm sau khoảng 30%, còn lại là diện tích không bị ảnh hưởng, có thể khắc phục được để bán ra thị trường tết năm nay, ước tính thiệt hại gần 10 tỷ đồng. HTX đã hướng dẫn nông dân kịp thời khoanh vùng, tiêu úng nhanh, bảo đảm không để cây đào bị ngập sâu trong nước thời gian dài; đồng thời phổ biến các biện pháp kỹ thuật chăm sóc những diện tích đào bị bão làm đổ, úng ngập. Bên cạnh đó cũng tích cực vận động các hộ trồng đào thiệt hại, đặc biệt các hộ mất trắng trồng thay thế bằng những cây màu ngắn ngày như ngô nếp, khoai tây, rau màu vụ đông, loại hoa thay thế ngay trên những thửa ruộng đào chết. HTX cùng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đồng hành cùng bà con trong chọn giống, hỗ trợ vay vốn để bà con vẫn có thu nhập dịp tết tới, ổn định tâm lý đợi vụ đào sang năm.

Vườn đào tại xã Minh Tân (Đông Hưng) đang héo dần do ảnh hưởng của thiên tai.

Tại làng trồng đào Sa Cát, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình), nhiều hộ trồng đào cũng chung cảnh điêu đứng do mưa, bão và nước ngoài sông dâng cao. Trước khi bão số 3 đổ bộ, nông dân trồng đào phường Hoàng Diệu đắp ụ đất cao, thế nhưng hệ thống thoát nước thủy lợi tê liệt hoàn toàn do nước ngoài mương cao hơn trong ruộng, ụ đất bị ngập cao hơn 15 - 20cm. 

Ông Trương Văn Đãng, tổ 9 cho biết: Nhà tôi trồng 400 cây đào cổ Mộc Châu được chăm sóc trên 7 năm tuổi, mỗi cây bán ra thị trường trung bình với giá 10 - 15 triệu đồng, hiện 100 cây đào ngoài ruộng bị úng lụt khoảng 1 tuần, còn 300 cây trong vườn tết năm nay được thu hoạch. Khi nước rút dần, tôi bơm nước chống úng, thấy cây héo dần, gốc đen tôi đã cắt trụi cành, phun thuốc kích rễ, giữ gốc hy vọng lớn nhất là sẽ nảy được mầm có đào cho vụ sau. Thiệt hại trước mắt thì nhìn thấy rồi, nhưng cứu được đào hay không thì còn phải đợi. Nếu 1 tháng nữa những gốc đào này không lên được mầm, tôi đành đào bỏ và nhập giống mới cho vụ sau.

Ông Vũ Văn Phiên, Giám đốc HTX DVNN phường Hoàng Diệu cho biết: Toàn phường có 17ha trồng đào; mưa, bão đã làm cho 6ha đào bị thiệt hại gần như xóa sổ, giá trị trên 5 tỷ đồng. HTX cùng các hộ trồng đào đã tìm cách tiêu úng, chăm sóc cứu những diện tích đào còn lại để giảm bớt thiệt hại.

Bão số 3 đi qua gây thiệt hại nặng nề cho các chủ vườn trồng hoa, cây cảnh nói chung, đặc biệt các chủ vườn trồng đào trên địa bàn tỉnh nói riêng. Mặc dù nhiều gia đình mất trắng nhưng người trồng đào không nản, quyết tâm khôi phục sản xuất. Bên cạnh việc chủ động bao tiêu chống úng, dọn vệ sinh, nhiều nông dân cũng nhanh chóng khôi phục sản xuất, chuẩn bị cho vụ trồng đào mới. Đối với những cây đào không bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng nhưng khôi phục được, bà con tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc để phục vụ thị trường tết năm nay.

Hà Tuyết

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày