Thứ 3, 05/11/2024, 13:03[GMT+7]

Hợp tác xã Tân Hợp: Duy trì nghề truyền thống

Thứ 2, 07/10/2024 | 21:39:05
1,887 lượt xem
Trong khi rất nhiều HTX nghề bị suy giảm và giải thể thì HTX Tân Hợp, xã Vũ Trung (Kiến Xương) vẫn vượt khó, duy trì và giữ vững nghề thảm len truyền thống, tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân lúc nông nhàn.

Hợp tác xã Tân Hợp hiện có 60 lao động cao tuổi làm nghề.

Dưới những dãy nhà xưởng cũ được xây dựng cách đây khoảng 50 năm, nhiều lao động cao tuổi vẫn cần mẫn ngồi dệt thảm. Mặc dù ở độ tuổi 70 trở lên nhưng tinh thần làm nghề thì không ai sánh bằng. 

Bà Lương Thị Huệ, thôn 6 tâm sự: Tôi làm ở HTX từ năm 1975 đến nay, mặc dù thu nhập thấp nhưng thuận lợi là tuổi cao vẫn có thể làm ra tiền nên tôi vẫn làm. Ngày xưa tôi được học nghề dệt thảm từ thầy cô ở Hà Nội về dạy, nghề này ngày trước có giá, không phải ai cũng được nhận vào làm. Vì thế, vào làm một thời gian tôi đi bộ đội nhưng sau khi về tôi lại tiếp tục vào làm cho HTX. Làm nghề này rất kỳ công, mất nhiều thời gian, công đoạn và phải kiên trì mới ngồi làm được. Bình quân mỗi tấm thảm 1,35m2 tôi phải làm trong một tháng mới xong. Ngày xưa thu nhập chỉ vài chục nghìn đồng một tháng nhưng đồng tiền ngày đó có giá trị, ngày nay tôi chỉ làm được hơn 700.000 đồng/ tháng, đủ để mua rau và đậu nhưng tôi vẫn vui và thích làm. Làm nhiều nên đã thành thạo, đến nay tôi chỉ cần nhìn vào ảnh là có thể đan được theo mẫu của khách hàng. 

Bà Nghiêm Thị Tuyết, thôn 5B chia sẻ: Tôi vào HTX làm từ năm 1982, ngày đó ở xã chỉ có mỗi nghề này là danh giá nhất nên tôi xin mãi mới được nhận vào làm. Trong khi nhiều nhà còn đói khổ thì làm ở HTX tôi được ăn gạo nhà nước cấp, mỗi tháng được 12kg gạo và được phân phối nhiều sản phẩm khác. Đến nay, thu nhập của tôi dù chưa nổi 1 triệu đồng/tháng nhưng vẫn đi làm cho vui tuổi già. Mặc dù tuổi cao, đau lưng, đau tay nhưng với những đồ nghề quen thuộc, đơn giản như con dao, cái kéo, bàn đập, díp và lắc nê thì đôi tay tôi chưa bao giờ dừng làm nghề. 

Còn bà Nguyễn Thị Mùi, thôn 7A vào HTX làm liên tục từ năm 1973 đến nay cũng chưa bao giờ có ý định nghỉ làm. Bà cho biết: Năm nay tôi 70 tuổi, gắn bó với HTX hơn 50 năm, còn sức khỏe là tôi còn làm. Hàng ngày cứ đạp xe từ nhà tới HTX làm, coi HTX như ngôi nhà thứ hai của mình. 

Ông Phạm Văn Lợi, Chủ nhiệm HTX Tân Hợp tự hào cho biết: Tôi nhớ trước đây có tới 17 HTX trên địa bàn huyện làm nghề tiểu thủ công nghiệp nhưng đến nay còn tồn tại rất ít. Đi lên từ một tổ sản xuất, tới năm 1973 HTX Tân Hợp mới thành lập chuyên làm gia công cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thảm len sang thị trường Liên Xô. Vì thế, HTX không phải lo về nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, thời kỳ cao điểm có khoảng 350 lao động vào làm. Sản phẩm thảm len ngày đó có giá trị, lại đa dạng từ thảm trải nền đến trải ghế và đều được làm thủ công nên khách nước ngoài rất ưa chuộng. Tuy nhiên, sau này nhiều sản phẩm thảm len dệt công nghiệp ra đời, nhất là khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ nên HTX dần mai một, tự tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm để duy trì mô hình. Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn về nguồn tiêu thụ hàng hóa, nhất là trụ sở HTX ngày càng xuống cấp trầm trọng nhưng chưa bao giờ HTX nghỉ làm. Đến nay vẫn còn 60 lao động từ 55 tuổi trở lên làm cho HTX. Để làm ra được thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như nhập nguyên liệu, xe sợi, mắc khung, lên quả len và dệt tay. Người dệt làm theo ảnh vẽ đơn hàng, cứ mỗi một ô vuông trên bản vẽ ô li khoảng 2mm ứng với một mũi len, sau khi dệt xong tiến hành sửa tỉa mới thành sản phẩm hoàn chỉnh. Bình quân mỗi năm HTX làm ra 400m2 thảm len, thu về khoảng 500 triệu đồng. 

 Ông Phạm Văn Lợi, Chủ nhiệm HTX Tân Hợp giới thiệu về sản phẩm của HTX. 

Theo đánh giá của lãnh đạo xã Vũ Trung, HTX Tân Hợp là một trong số ít HTX tiểu thủ công nghiệp còn tồn tại trên địa bàn huyện. HTX đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người cao tuổi ở địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã đến nay còn 2,17%, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,53%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/năm.


Thu Thủy


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày