Chủ nhật, 22/12/2024, 15:49[GMT+7]

Phát lộc Minh Tân vào vụ tết

Chủ nhật, 17/11/2024 | 16:03:01
2,322 lượt xem
Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng tháng 9 âm lịch, nông dân xã Minh Tân (Đông Hưng) lại tất bật chuẩn bị các sản phẩm từ cây phát lộc phục vụ tết Nguyên đán. Mặc dù vụ sản xuất năm 2024 bị ảnh hưởng bởi bão số 3, số lượng vùng nguyên liệu tuy có giảm nhưng chất lượng các sản phẩm từ cây phát lộc vẫn bảo đảm cung cấp cho thị trường dịp tết Nguyên đán.

Cán bộ HTX DVNN xã Minh Tân (Đông Hưng) tham quan cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây phát lộc của người dân thôn Đình Phùng.

Với kinh nghiệm 10 năm làm nghề, ông Nguyễn Đăng Nghị, thôn Đình Phùng được ví như “bàn tay vàng” trong làng phát lộc ở Minh Tân. Với đôi bàn tay khéo léo, các sản phẩm từ cây phát lộc do ông Nghị làm ra đến đâu đều được đặt hàng hết đến đó. 

Ông Nghị tâm sự: Ngoài 3 sào trồng cây phát lộc của gia đình, tôi mua thêm của bà con địa phương để về làm thành các sản phẩm bán ra thị trường. Trước đây, gia đình tôi có kinh doanh cây cảnh nhưng do hiệu quả không cao trong khi cây phát lộc lại có ưu điểm là dễ trồng, phát triển nhanh, không mất chi phí về giống và chi phí chăm sóc thấp nên gia đình tôi đã chuyển sang trồng và kinh doanh các loại sản phẩm từ cây phát lộc. Mặc dù làm ra đến đâu, bán hết đến đấy nhưng gia đình tôi vẫn đặt chữ “tín” lên hàng đầu, tỉ mẩn, lựa chọn kỹ càng cây phát lộc đều, đẹp để uốn nắn, cho ra đời sản phẩm chất lượng, phù hợp trưng bày ngày tết. 

Mặc dù mới chỉ 45 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Đình Phùng đã có thâm niên 20 năm làm nghề từ cây phát lộc.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Đình Phùng, mặc dù mới chỉ 45 tuổi nhưng đã có thâm niên 20 năm làm nghề từ cây phát lộc. 

Chị Quyên chia sẻ: Nhận thấy cây phát lộc mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi đã chuyển đổi 8 sào diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây phát lộc. Hiện tại, gia đình tôi phải thuê thêm 2 lao động với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày mới có thể làm kịp hàng để giao cho khách. Năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3, cây bị đổ nên ngay từ tháng 8 âm lịch, gia đình tôi đã phải cắt cây phát lộc về để làm nên cây không được to, chỉ có thể làm được các lẵng phát lộc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của gia đình. Chính vì thế, năm nay, gia đình tôi tích cực hơn trong việc nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, làm thành tháp phát lộc nhiều tầng rồi làm tháp hình thuyền buồm, nậm phát lộc đồng thời tăng số lượng sản phẩm để bù đắp lại thiệt hại do bão số 3. 

Năm 2024, gia đình chị Trần Thị Minh, thôn Đình Phùng dự kiến làm khoảng 30 lục bình loại to.

Gia đình chị Trần Thị Minh cũng là một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế từ cây phát lộc của thôn Đình Phùng. 

Chị Minh tâm sự: May mắn cho gia đình tôi không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão số 3, cây phát lộc sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều cây to nên vẫn có thể làm được lục bình các loại từ cây phát lộc. Năm 2024, gia đình tôi dự kiến làm khoảng hơn 200 sản phẩm phát lộc các loại, trong đó có 30 lục bình loại to, 20 lục bình loại bé, 30 hồ lô và hơn 100 lẵng phát lộc. Kể từ khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, các sản phẩm làm từ phát lộc của gia đình tôi nói riêng và của người dân xã Minh Tân nói chung được nhiều người biết đến hơn, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, giá cả sản phẩm tăng hơn, từ đó góp phần động viên chúng tôi tích cực tham gia phát triển sản xuất. 

Ngoài 3 sào diện tích trồng cây phát lộc của gia đình, ông Nguyễn Đăng Nghị, thôn Đình Phùng còn mua thêm của bà con địa phương để về làm thành các sản phẩm bán ra thị trường.

Những năm qua, nhờ làm cây phát lộc, nhiều gia đình ở xã Minh Tân đã phát tài. Cây phát lộc đã trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao, là cơ sở để nhân dân trong xã tiếp tục mở rộng diện tích. Trên địa bàn xã Minh Tân hiện có khoảng 60 hộ trồng và tham gia sản phẩm OCOP cây phát lộc với tổng diện tích vùng nguyên liệu đạt gần 10ha. Người dân trồng cây phát lộc chủ yếu tập trung ở thôn Đình Phùng. Sản phẩm từ cây phát lộc ở Minh Tân không chỉ tham gia ở các hội chợ trong tỉnh, tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản. Mỗi năm, vào dịp tết Nguyên đán, xã Minh Tân cung cấp cho thị trường trên 10 vạn sản phẩm các loại từ cây phát lộc. 

Ông Nguyễn Đăng Trưởng, Giám đốc HTX DVNN xã Minh Tân cho biết: Cây phát lộc không tốn nhiều công chăm sóc; mỗi năm chỉ cần bón phân, thuốc trừ sâu 2 - 3 lần; công bỏ ra ít nhưng thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa; sản phẩm tạo ra từ cây phát lộc có giá trị cao gấp 4 lần so với bán cành nên người dân xã Minh Tân rất hăng hái trồng và nghiên cứu cải tiến mẫu mã, đưa máy móc vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Để tạo thuận lợi cho nông dân địa phương phát triển sản xuất, HTX DVNN xã chú trọng khơi thông dòng chảy, tưới, tiêu nước kịp thời cho các cánh đồng; đồng thời, thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân, bảo đảm cây sinh trưởng và phát triển tốt. 

Mặc dù còn gần 3 tháng nữa mới đến tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhưng về xã Minh Tân những ngày này đã thấy được không khí lao động hối hả của người dân làng phát lộc. Các sản phẩm từ làng phát lộc đã được người dân đưa đi khắp các địa phương trong cả nước với mong ước về một năm mới phát tài, phát lộc, may mắn, thịnh vượng.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày