Trăn trở giữ nghề mây tre đan ở Thống Nhất
Nghề mây tre đan ở Thống Nhất có bề dày lịch sử hơn 200 năm. Người dân làng nghề ai cũng biết làm mây tre đan, từ thanh thiếu niên đã quen với việc sáng đi học về nhà đan mây đến các thợ thủ công lành nghề không kể tuổi tác theo nghề “cha truyền con nối”. Thôn Tây Phú hiện có 518 hộ, trong đó trên 300 hộ duy trì làm nghề thường xuyên, 7 cơ sở sản xuất mây tre đan.
Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, tôi tìm đến cơ sở sản xuất nguyên liệu mây chẻ và mặt ghế của gia đình ông Phạm Bá Tuyền - một trong những hộ giữ nghề lâu đời trong thôn. Tiếng máy chẻ mây xè xè hòa cùng tiếng nói cười của bà con làm việc tại cơ sở làm không khí luôn nhộn nhịp, mây chẻ xong đến đâu được cuộn tròn thành từng bó đến đấy.
Ông Tuyền cho biết: Tôi được học và làm nghề thủ công từ bé, từ thời ông nội và bố tôi để lại. Gia đình chuyên cung cấp nguyên liệu mây tre đan cho các hộ sản xuất trong và ngoài địa phương. Quá trình sản xuất các sản phẩm từ mây tre quan trọng nhất là nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá trị bền lâu của sản phẩm. Chọn mây tre phải thật bảo đảm, sơ chế nguyên liệu phải thật khéo léo và bảo đảm kỹ thuật, sợi mây tre mềm mịn và đẹp mắt, không bị mối mọt, ẩm mốc. Trước đây, các công đoạn này đều làm thủ công hoàn toàn, năng suất thấp. Từ ngày có máy móc hỗ trợ, công việc nhẹ nhàng và năng suất hơn xưa nhiều. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi cung cấp cho các hộ trong và ngoài xã khoảng 50.000m mây tre đan, doanh thu đạt gần 200 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với thu nhập trên 3 triệu đồng/ người/tháng.
Sản phẩm mây tre đan ở Thống Nhất được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Nghề truyền thống có sức sống mạnh mẽ, từ chỗ là nghề phụ được người dân làm thêm lúc nông nhàn giờ đã trở thành nghề chính cho đa số các gia đình còn giữ nghề. Diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng khang trang, nhiều gia đình vươn lên giàu, khá, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động.
Đến thăm cơ sở sản xuất Đại Hằng, thôn Tây Phú, cán bộ thôn giới thiệu là cơ sở thu mua, hoàn thiện mặt mây đan của các hộ đan mây địa phương. Khoảng sân rộng vừa là chỗ phơi những tấm mây trắng ngà vừa là nơi hoàn thiện khâu cuối cùng trước khi những cuộn mặt mây này được chuyển tới khách hàng.
Bà Trần Thị Hằng, chủ cơ sở chia sẻ: Nghề đan mây không nặng nhọc nên ai cũng có thể làm được, những bậc cao niên giỏi nghề mới đan những sản phẩm mỹ nghệ đẹp, còn bây giờ người dân địa phương chủ yếu đan mặt mây, mặt ghế. Cơ sở của gia đình tôi chủ yếu nhận thu mua, sửa chữa, xuất bán cuộn mặt mây của bà con trong xã, mỗi tháng xuất bán 800 - 1.000 cuộn, tạo việc làm cho 5 - 6 lao động, mức lương tùy công đoạn từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày, thu lãi gần 50 triệu đồng/tháng.
Hiện có gần 1.500 hộ với khoảng 4.000 lao động làm nghề đan mây, 5 doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm, trung bình mỗi tháng, làng nghề mây tre đan tiêu thụ hơn 200 tấn nguyên liệu mây tre. Nghề phát triển mạnh mẽ, giá trị sản xuất từ làng nghề hàng năm đạt trên 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân làng nghề mây tre đan ở Thống Nhất cũng gặp phải không ít những khó khăn, điều trăn trở nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất rất bị động và không bền vững, nguồn mây tre chủ yếu được khai thác từ rừng và chuyển về từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh hưởng của thời tiết khiến việc khai thác nguyên liệu từ rừng gặp trở ngại, đầu vào gián đoạn, không đáp ứng đủ đơn hàng của thị trường. Khó khăn về kinh tế, xung đột xảy ra ở một số nước trên thế giới khiến cho các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản sức mua giảm, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm. Cùng với đó, sản phẩm mây tre đan truyền thống cũng chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại được sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, năng suất lao động của các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình ở làng nghề còn thấp bởi các công đoạn sản xuất phần lớn dựa vào lao động thủ công, hạn chế áp dụng máy móc công nghệ; số lượng người làm nghề đang ngày càng giảm theo thời gian, chủ yếu là người trung niên, người già và phụ nữ. Công tác xử lý môi trường của làng nghề cũng gặp khó khăn do quá trình sơ chế nguyên liệu, bảo quản sản phẩm phải sử dụng hóa chất tẩy rửa, các hộ dân vẫn xả thải tự do, chưa có hệ thống thu gom, công trình xử lý dẫn tới nguy cơ ô nhiễm môi trường...
Trên các nẻo đường làng nghề truyền thống ở Thống Nhất ngập tràn những cây mây, sợi mây trắng ngần, gắn bó với người dân nơi đây bao đời, cả giai đoạn hưng thịnh, cả thời kỳ nghề gặp khó khăn. Để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, người dân vẫn ngày ngày cần mẫn giữ nghề, phát huy tính năng động, tìm mọi cách để những sản phẩm mây tre đan ở Thống Nhất luôn xứng với 4 chữ vàng “Phẩm giá vô đề” trên thị trường nghề thủ công.
Nghề thủ công truyền thống mây tre đan ở xã Thống Nhất tạo việc làm cho lao động địa phương.
Tuyết Phương
Tin cùng chuyên mục
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025
- Kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025